Con người từ đâu đến? Sinh ra để làm gì? Chết đi về đâu?

“Duyên khởi” là một trong những học thuyết quan trọng trong hệ thống giáo lý của Đạo Phật có đề cập đến sự hình thành, biến đối và mất đi của mọi sự vật hiện tượng trong đời sống. Tìm hiểu về thuyết duyên khởi, chúng ta sẽ có câu trả lời cho câu hỏi: con người từ đâu đến? sinh ra để làm gì? chết đi về đâu?…

Con người từ đâu đến

**Trong bài viết có quảng cáo tự động từ Google, nếu quan tâm xin bạn hãy click để ủng hộ website. Nếu không quan tâm, bạn hãy bỏ qua nó, rất xin lỗi vì sự bất tiện này!

Con người từ đâu đến?

Trong Phật giáo, “Duyên khởi” hay nhân duyên sinh, thập nhị nhân duyên có thể hiểu là chuỗi nhân quả. Theo đó, tất cả những biến đổi, thăng trầm của cuộc đời, sự hình thành, hoại diệt của mọi sự trong đời sống đều được tạo thành từ một chuỗi các mối tương quan với nhau. Kinh điển Phật giáo có đề cập đến nội dung này như sau:

“Do cái này có mặt, cái kia có mặt

Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt

Do cái này sinh, cái kia sinh

Do cái này diệt, cái kia diệt”.

Như vậy, theo thuyết Duyên khởi của nhà Phật thì mọi sự vật trên thế gian này đều có sự tương quan, phụ thuộc lẫn nhau. Sự vật này sinh khởi khi nó được hội đủ điều kiện hỗ trợ cho sự sinh khởi của chính nó. Ngược lại, sự vật đó bị hoại diệt khi các điều kiện, yếu tố cấu thành nên nó thay đổi, mất đi. Bản thân các điều kiện hỗ trợ cũng không nằm ngoài quy luật phụ thuộc với các điều kiện khác.

Có một lưu ý rằng, thuyết Duyên khởi chỉ tập trung giải thích quá trình sinh khởi, luân hồi của con người chứ không phải thuyết minh về nguồn gốc của thế giới. Vì vậy, Duyên khởi tập trung trả lời cho câu hỏi vì sao kiếp sống được tái sinh liên tục trong vòng luân hồi qua mười hai nhân duyên (thập nhị nhân duyên). Cụ thể như sau:

  1. Vô minh: Có nghĩa là sự thiếu hiểu biết, nhận thức sai lầm về bản chất của thực tại: Thật thì cho là giả mà giả thì cho là thật nên con người quẩn quanh trong sự u mê, lầm đường lạc lối.
  2. Hành: Là hành động, sự tạo tác. Hành động của con người là do vô minh phiền não chi phối thân, khẩu, ý để tạo ra các nghiệp quả lành, dữ khác nhau.
  3. Thức: Ý là thần thức hay linh hồn. Khi chết, linh hồn rời khỏi xác thân. Nghiệp quả tạo ra khi con người còn sống sẽ theo thần thức lãnh thọ quả báo tương ứng ở đời sau.
  4. Danh sắc: Có nghĩa là thân tâm. Trong đó, “danh” có nghĩa là phần tinh thần, phần tâm, còn “sắc” thì chính là phần thể chất.
  5. Lục nhập: Là sự tập hợp của lục thức. Trong đó, lục thức chính là cái sinh ra khi lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) được tiếp xúc với lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp).
  6. Xúc: Ý là sự tiếp xúc giữa lục căn và lục trần. Ví như mắt nhìn thấy màu sắc, tai nghe thấy thanh âm.
  7. Thọ: Ý là thọ lãnh, cảm xúc, tình cảm của con người khi lục căn tiếp xúc với lục trần từ đó sinh ra cảm xúc vui, buồn, hờn, giận…
  8. Ái: Là tham ái sinh ra khi con người sinh lòng tham, sân hận, buồn rầu. Tham ái chính là nguyên nhân gây khổ đau, là động cơ của thân – khẩu – ý hành động tạo ra nghiệp.
  9. Thủ: Được hiểu là hành động cố gắng giữ lấy, giành lấy, cắt đứt một thứ gì đó… sinh ra từ sự thèm khát hoặc nỗi sợ hãi. Đây cũng chính là nguyên nhân tạo ra các “hạt giống” cho sự tái sinh ở kiếp sau.
  10. Hữu: Tức là sự hiện hữu, sự có mặt. Đây là yếu tố gắn con người trong vòng luân hồi tái sinh.
  11. Sanh: Là sự tái sinh, sinh ra của một sinh mệnh mới khi hội đủ các điều kiện. Kiếp sống mới này sẽ thọ lãnh nghiệp báo được tạo thành từ các đời sống trước.
  12. Lão tử: Là sự già đi và chết.

Khi đã hiểu rõ nội dung của thuyết Duyên khởi, có thể diễn giải sâu hơn về sự hình thành của một kiếp nhân sinh như sau: Sự giao hợp của nam và nữ tạo ra bào thai. Thần thức của kiếp sống trước (người đã chết) sẽ thác sinh vào thai nhi trong bụng mẹ để tái sinh làm người. Khi còn trong bào thai, con người lấy tinh huyết của mẹ để tạo ra nhục thể. Tâm thức và nhục thể kết hợp với nhau tạo ra danh sắc rồi hình thành lục căn. Thai nhi được sinh ra, lục căn được tiếp xúc với lục trần nên tạo ra cảm thọ vui, buồn, sướng, khổ từ cảm giác nóng, lạnh, đau, êm. Từ cảm thọ sẽ sinh ra tham ái và hình thành nghiệp căn, quả báo. Có sinh thì ắt có tử, đó chính là quy luật của vũ trụ không thể can thiệp, phá vỡ.

Con người sinh ra để làm gì?

Kiếp sống hiện tại không phải là kiếp sống duy nhất mà chúng ta sẽ còn phải tái sinh nhiều lần trong vòng luân hồi cho tới khi được giải thoát. Từ niềm tin có nhân quả báo ứng trong đạo Phật sẽ ảnh hưởng từ kiếp này tới kiếp khác sẽ giúp chúng ta có cái nhìn thông suốt từ quá khứ, hiện tại đến vị lai. Nhìn về thân phận, kiếp sống của mình trong hiện tại để thấy những gì mình đã làm trong quá khứ và những hành động trong kiếp sống này sẽ tạo ra quả nghiệp gì trong tương lai. 

Nếu quả nghiệp trong kiếp sống này không được con người sửa chữa thì nó sẽ là “hạt giống” cho nhân quả ta phải nhận trong tương lai. Nhìn thấy nhân quả báo ứng để chọn đường thiện để đi, tránh những đày đọa về sau. 

Trong một bài pháp thoại với chủ đề “Mục đích cuộc sống là gì?”, dựa trên sự lĩnh hội, tu tập từ triết lý nhà Phật, Thượng tọa Thích Chân Quang đã đưa ra những suy nghĩ của mình xoay quanh câu hỏi “con người sinh ra để làm gì?”. Chư vị Phật tử quan tâm có thể xem lại toàn văn tại video:

Con người chết đi về đâu?

Theo thuyết luân hồi của nhà Phật, chết không phải là chấm dứt tất cả. Cái chết chỉ là sự kết thúc của kiếp sống này, thân xác này để bắt đầu cho một kiếp sống mới, thân xác mới ở tương lai.

Con người từ đâu đến

Theo đó, sau khi chết, con người sẽ được tái sinh vào một trong sáu cõi, tùy thuộc vào nhân – “hạt giống” đã gieo trong kiếp sống hiện tại. Sáu cõi đó là:

  • Cõi trời: Là cõi tái sinh để hưởng phước báo. Con người sống trong kiếp hiện tại mà gieo nhiều hạt giống thiện lành, làm nhiều điều tốt, năng giúp đỡ người khác và biết giữ giới đức.
  • Cõi người: Là cõi tái sinh có vui, có buồn. Đầu thai làm người là để thọ lãnh quả báo đã tạo ra từ nghiệp trong những kiếp sống trước.
  • Cõi A-tu-la: Là cõi tái sinh của những vị thần. Nếu trong kiếp sống hiện tại con người làm nhiều điều tốt, gieo nhiều thiện nghiệp nhưng bản thân lại không kiểm soát được tính khí nóng nảy của mình thì khi chết đi sẽ được tái sinh về cõi A-tu-la.
  • Cõi súc sinh: Là cõi tái sinh vào kiếp làm động vật, muông thú. Nếu kiếp sống hiện tại là người sống không có trí tuệ, sống buông thả không giữ giới, hay tà dâm, không thụ trì kinh điển Phật pháp thì sẽ tái sinh vào cõi này.
  • Cõi ngạ quỷ: Ý là tái sinh thành quỷ đói, chịu thiếu đốt nóng bức đến trăm ngàn kiếp. Nếu khi sống mà tính tình keo kiệt, bủn xỉn dù nhiều tiền của, giàu sang phú quý nhưng thường phung phí, không biết bố thí cho người nghèo thì sẽ tái sinh vào kiếp này.
  • Cõi địa ngục: Là cõi âm ty, địa phủ. Nếu khi sống không tu thiện, không làm điều phước đức, không tu Phật đạo thì sau khi chết sẽ bị đày xuống địa ngục để Diêm Vương phán xét. Tùy vào nghiệp nặng, nhẹ đã gây ra mà sẽ bị đọa đày vào các địa ngục tương ứng (18 tầng địa ngục).

Như vậy, hiểu được sinh tử, biết được con người từ đâu đến? sinh ra để làm gì? chết đi về đâu? là để ta bớt tham cầu, sân si, sợ hãi… để ta hướng thiện, làm điều lành, hướng đến một cuộc sống hạnh phúc, thanh thản và tự do.

Tài liệu tham khảo:

  1. https://hoasenphat.com/kien-thuc-phat-giao/y-nghia-cua-duyen-khoi-va-hoc-thuyet-muoi-hai-nhan-duyen.html
  2. http://www.chuahoangphap.com.vn/tin-tuc/chi-tiet-con-nguoi-tu-dau-den-va-se-di-ve-dau-3620/
  3. https://thuvienhoasen.org/a29597/song-tu-dau-den-chet-di-ve-dau-
Giới thiệu về tác giả

Bùi Hiền

Bùi Thị Hiền (1994), cô tốt nghiệp trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội), chuyên môn và kinh nghiệm trên 5 năm trong ngành viết báo, biên soạn nội dung. Cô là một người yêu thích và đang trong quá trình nghiên cứu về đạo Phật, mong muốn lan tỏa Phật pháp đến với cộng đồng qua ngôn ngữ đời thường, dễ hiểu nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *