An nhiên là gì? Làm sao để sống một đời an nhiên tự tại? Ý nghĩa

Người ta hay chúc nhau có một cuộc sống an nhiên tự tại, một đời bình an. Nhưng an nhiên là trạng thái như thế nào? làm sao để đạt được trạng thái đó thì không phải ai cũng hiểu và đạt được giữa một cuộc sống ngày càng xô bồ và vội vã này. Hãy cùng tìm hiểu an nhiên là gì trong bài tổng hợp sau!

**Trong bài viết có quảng cáo tự động từ Google, nếu quan tâm xin bạn hãy click để ủng hộ website. Nếu không quan tâm, bạn hãy bỏ qua nó, rất xin lỗi vì sự bất tiện này!

An nhiên là gì?

an nhiên là gì

An nhiên là một từ ghép. Trong đó, “an” được hiểu theo nghĩa là bình an, yên bình, an toàn. Còn “nhiên” lấy ý từ từ thiên nhiên hay thuận theo tự nhiên.

Như vậy, có thể hiểu an nhiên là một trạng thái mà ở đó người ta cảm thấy bình an, thanh thản, không vui không buồn, không có lo lắng, nghĩ suy, giận giữ… trong nội tâm.

Trạng thái an nhiên được nhắc tới rất nhiều trong Phật giáo. Và theo đạo Phật, dù một người hiểu biết được tính vô thường của cuộc đời, nhưng bản thân họ cũng phải sống như nhiều người khác. Đó là họ cũng cần ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt, làm việc… để tạo ra các phương tiện phục vụ cho một cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ. Nhưng nếu người đó biết “làm chủ” các phương tiện đó, chỉ xem những thứ như vật chất, danh vọng… là phương tiện chứ không phải cứu cánh, không bị tiền bạc, danh vọng, tiện nghi chi phối, đó chính là trạng thái an nhiên tự tại trong thăng trầm cuộc sống. An nhiên sống giữa vui – buồn, khổ đau – sợ hãi, vinh – nhục… đó cũng chính là trạng thái hạnh phúc thực sự.

Làm sao để có thể sống 1 đời an nhiên?

Chúc nhau được an nhiên tự tại thì dễ nhưng để đạt được trạng thái đó thì không phải ai cũng làm được. Bởi, ai cũng cần phải mưu sinh để có một cuộc sống ấm no, sung túc và không phải cuộc đời lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”, không có những suy nghĩ, đau đớn, thăng trầm, phiền muộn. Nên, để đạt tới trạng thái an nhiên đó cũng cần rất nhiều cố gắng và thậm chí là “buông bỏ” một số thứ.

Để thực hành an nhiên, bài viết xin được trích dẫn ra đây 5 điều mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dạy. Đó là làm sao để chuyển hóa khổ đau thành năng lượng của sự hiểu biết và chữa lành, để giúp chúng ta hạnh phúc và an nhiên.

Điều thứ nhất: Buông bỏ

Buông bỏ là việc cần làm ngay để tạo ra niềm vui và hạnh phúc, vì sao vậy?

Là bởi, con người chúng ta bị ràng buộc bởi quá nhiều thứ trong cuộc sống: Tiền bạc, bằng cấp, tài sản, tình yêu, danh vọng… Ảnh hưởng bởi tư tưởng xã hội quá mạnh mẽ khiến cho bạn nghĩ rằng những thứ trên là yếu tố quan trọng nhất quyết định tới sự hạnh phúc của bạn. Nhưng có phải ngay cả người có tất cả những thứ đó nhưng vẫn không tránh khỏi đau khổ? Hơn nữa, người ta còn sợ rằng một ngày một trong những thứ mình đang có mất đi thì họ không thể hạnh phúc được nữa, thậm chí là không thể sống tiếp?

an nhiên là gì

Đó có phải là nỗi sợ hay không? Và chính chúng cũng là nguyên nhân khiến ta không thể hạnh phúc.

Do vậy, cần phải thực hành buông bỏ. Khó nhưng đây là hành động cần thiết đầu tiên để đạt được trạng thái hạnh phúc thật sự. Nghĩ xem điều gì là quan trọng nhất phải giữ nó và buông bỏ những thứ ít quan trọng hơn hoặc buông những thứ đang khiến bạn không thể hạnh phúc.

Điều thứ hai: Gieo hạt giống của sự tích cực

Ai trong chúng ta cũng đều có sẵn những hạt giống của niềm vui, niềm hạnh phúc, những hạt giống tích cực. Nhưng chúng ta cũng sở hữu những hạt giống đau khổ, nỗi buồn, sự tiêu cực… 

Gieo hạt giống nào gặt quả đấy!

Nếu hàng ngày ta gieo những hạt giống tích cực như hiểu biết, tâm từ bi, làm việc thiện,… thì những điều tốt đẹp sẽ nảy mầm. Nhưng nếu bạn chỉ gieo đi những hạt giống xấu như sự đố kỵ, tính kiêu căng tự phụ, sự tranh giành… thì tất nhiên sẽ chỉ nhận được những điều tiêu cực hiện diện. Vậy bạn muốn an nhiên, hạnh phúc tự tại? Hãy thực hành gieo những hạt giống tốt từ hôm nay!

Điều thứ ba: Hãy cảm nhận niềm vui từ chánh niệm

an nhiên là gì

Chánh niệm tức là sự tỉnh thức, biết rõ những gì đang có mặt tại đây, đang xảy ra ở đây và thực sự sống trong giây phút hiện tại. 

Đối với Phật giáo nguyên thủy, chánh niệm được xem là trái tim của thiền tập, là cốt tủy. Vậy chánh niệm có ý nghĩa thế nào đối với một người đang tìm về sự an nhiên trong tâm hồn?

Chánh niệm giúp chúng ta nhận thức được khổ đau, kết nối với nó, ôm ấp nó và dần dần chuyển hóa nó thành sự an yên, hạnh phúc. Thực hành chánh niệm giúp chúng ta nhận biết thực tại, thu về những năng lượng tốt lành của hạnh phúc trong từng hơi thở.

Điều thứ tư: Chánh định

Chánh định là một kết quả sinh ra khi ta thực hành chánh niệm. Chánh định được hiểu đơn giản là trạng thái sinh ra khi ta tập trung vào hơi thở một cách thoải mái với tất cả tâm trí và trái tim đều hướng về đó. 

Chánh định, theo Phật giáo thì đây là một trạng thái có khả năng đốt cháy mọi phiền não khổ đau. Khổ đau luôn ở đó và chánh định giúp ta nhìn thấy khổ đau, thừa nhận nó và đưa bản thân về giây phút hiện tại, không còn đau khổ vì lo lắng cho tương lai, không đau khổ khi nghĩ về quá khứ.

Chánh định không dễ đạt được và càng không thể có được nếu ta gồng mình để đạt được nó. Chánh định sẽ đạt được khi ta luyện tập đều đặn, và thực sự thoải mái khi thực hành.

Điều thứ năm: Tuệ giác

Khi thực hành chánh niệm, ta nhận ra sự có mặt của đau khổ, ta cảm nhận rõ sự căng thẳng xuất phát từ trong thân thể và rất muốn giải tỏa cảm giác đó nhưng không thể làm được. Khi đó, tuệ giác có mặt để ta có cái nhìn sâu sắc và tìm ra con đường giải thoát khỏi những phiền não, khổ đau, tiến tới hạnh phúc thật sự.

Trên đây là tổng hợp về chủ đề “an nhiên là gì”. Hy vọng rằng thông qua những kiến thức mà chúng tôi tổng hợp trên hữu ích với bạn! 

Tài liệu tham khảo:

  1. https://giacngo.vn/hanh-phuc-va-hanh-phuc-thuc-su-theo-quan-diem-phat-giao-post31405.html
  2. https://wikichiase.com/an-nhien-tu-tai-doi-thong-dong/
  3. https://sentayho.com.vn/an-nhien-tu-tai-la-gi.html
  4. https://phatgiao.org.vn/hieu-chanh-niem-cho-dung-d37284.html
Giới thiệu về tác giả

Bùi Hiền

Bùi Thị Hiền (1994), cô tốt nghiệp trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội), chuyên môn và kinh nghiệm trên 5 năm trong ngành viết báo, biên soạn nội dung. Cô là một người yêu thích và đang trong quá trình nghiên cứu về đạo Phật, mong muốn lan tỏa Phật pháp đến với cộng đồng qua ngôn ngữ đời thường, dễ hiểu nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *