Phước thiện là quả của thiện Pháp, cho thân tâm an lạc ở hiện tại và vị lai, ở thế gian và siêu thế.
Có 10 Pháp phát sinh phước thiện là: Bố thí, Giữ giới, Hành thiền, Cung kính, Hỗ trợ, Hồi hướng, Hoan hỷ, Nghe pháp, Thuyết Pháp, Chánh kiến, mà bậc thiện trí nên tạo, để phát sinh phước thiện cho quả báu an lạc.
PHƯỚC THIỆN HÀNH THIỀN là gì?
Phước thiện hành thiền là làm cho thiện Pháp bậc cao phát sinh và phát triển. Pháp hành thiền có 2 loại: Pháp hành Thiền Định và Pháp Hành Thiền Tuệ.
Pháp Hành Thiền Định
Pháp hành Thiền Định là Pháp hành có định tâm đồng sinh với thiện tâm an trú trong một đề mục Thiền Định duy nhất, chế ngự được 5 phiền não (Tham, Sân, Hôn thụy, Phóng tâm, Hoài nghi) bằng 5 chi thiền (Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, Nhất Tâm), dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền Sắc giới và 4 bậc thiền Vô Sắc giới. Nhờ vậy, hành giả định tâm an trú và hưởng sự an lạc trong bậc thiền ấy.
Muốn hành Thiền Định, hành giả cần phải hiểu rõ 40 đề mục Thiền Định, rồi chọn một đề mục thích hợp với mình làm đối tượng để tu tập. Sau đó, hành giả nên tìm đến vị Thiền Sư uyên thâm về Pháp Học Phật Giáo và thiện xảo về Pháp Hành Phật Giáo, nhất là Pháp hành Thiền Định, để nương nhờ, tu tập về đề mục Thiền Định ấy. Nếu là người Tam nhân, với sự tinh tấn, chuyên cần và các thuận duyên khác, hành giả có thể chứng đắc được các bậc thiền Sắc giới (Sơ thiền, Nhị thiền, Tam Thiền, Tứ thiền và Ngũ thiền) và Vô Sắc giới (Không Vô Biên Xứ Thiền, Thức Vô Biên Xứ Thiền, Vô Sở Hữu Xứ Thiền và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiền).
Khi chứng được Tứ thiền Sắc giới và Tứ thiền Vô Sắc giới, hành giả có thể luyện thành công ngũ thông (Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông, Thần túc thông), cũng như nhập định hưởng lạc ngay hiện tại. Ngay khi chết, nếu giữ được tâm thiền đã chứng, hành giả sẽ tái sinh về cõi trời Sắc giới hay Vô Sắc giới tương ứng với bậc thiền đã chứng.
Pháp Hành Thiền Tuệ
Pháp Hành Thiền Tuệ là Pháp hành làm phát sinh trí tuệ Thiền Tuệ, thấy biết rõ thật tánh sinh diệt và tam tướng (Khổ, Vô thường, Vô ngã) của Sắc Pháp và Danh Pháp, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Tứ Thánh Đạo, Tứ Thánh Quả, Niết Bàn, diệt tận mọi phiền não, tham ái, trở thành bậc Thánh A La Hán, thoát khỏi sinh tử luân hồi trong tam giới.
Hành giả muốn hành Thiền Tuệ phải hiểu rõ các đối tượng Thiền Tuệ thuộc chân nghĩa Pháp, đó là Sắc Pháp và Danh Pháp (Thân, Thọ, Tâm, Pháp trong Kinh Tứ Niệm Xứ). Đối tượng Tứ Niệm Xứ gồm có 21 đối tượng:
⦁ Thân niệm xứ gồm có 14 phần.
⦁ Thọ niệm xứ có 1 đối tượng chia ra làm 9 loại thọ.
⦁ Tâm niệm xứ có 1 đối tượng chia ra làm 16 loại tâm.
⦁ Pháp niệm xứ gồm có 5 phần.
Sau khi học hiểu rõ các đối tượng Thân, Thọ, Tâm, Pháp, hành giả nên tìm đến vị Thiền Sư uyên thâm về Pháp Học Phật Giáo và thiện xảo về Pháp Hành Phật Giáo, nhất là Pháp Hành Thiền Tuệ, để nương nhờ, tu tập Thiền Tuệ. Nếu là người Tam nhân, với sự tinh tấn, chuyên cần và các thuận duyên khác, hành giả có thể phát sinh các trí tuệ theo tuần tự từ trí tuệ tam giới (còn phàm phu) đến trí tuệ siêu tam giới (Thánh Nhân) gồm có 16 loại trí tuệ như sau:
1. Tuệ phân biệt danh sắc;
2. Tuệ phân tích nhân duyên
3. Tuệ thẩm sát tam tướng: Vô thường, khổ, vô ngã.
4. Tuệ sinh diệt;
5. Tuệ diệt;
6. Tuệ kinh sợ,
7. Tuệ nguy hại;
8. Tuệ chán nản;
9. Tuệ dục thoát;
10. Tuệ quán chiếu;
11. Tuệ hành xả;
12. Tuệ thuận thứ;
13. Tuệ chuyển tộc;
14. Tuệ Đạo;
15. Tuệ Quả;
16. Tuệ phản khán;
Hành giả hành Thiền Tuệ có khả năng làm cho phát sinh 16 loại trí tuệ, trở thành các bậc Thánh Nhân: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán.