Nghiệp là gì? Thế nào là thiện nghiệp, ác nghiệp? Các tính chất của nghiệp

NGHIỆP VÀ QUẢ CỦA NGHIỆP
(Kamma – Kammaphala)

Luật Nghiệp Báo (Luật Nhân Quả) là định luật tự nhiên, một trong những giáo lý cốt lõi của nhà Phật, giải thích sự khác biệt của mỗi chúng sinh, mỗi người trong xã hội về hình tướng, sức khỏe, trình độ, tuổi thọ,…. Hơn thế nữa, Luật Nghiệp Báo giúp chúng ta biết cách điều chỉnh suy nghĩ, lời nói và hành động sao cho hạnh phúc ở hiện tại và vị lai, đặc biệt là tu tập hướng đến giải thoát khỏi khổ đau trong luân hồi, sinh tử.

Nghiệp là gì?

Trong phần Chakkanipāta, Kinh Nibbedhikasutta (Tăng Chi Bộ), Đức Phật dạy tác ý (Cetanā) gọi là Nghiệp. Tác ý phát sinh trước, nghiệp phát sinh sau qua thân, khẩu, ý.

⦁ Tác ý gọi là nghiệp

Nếu khi tác ý tâm sở đồng sinh với các tâm thiện hay bất thiện thì tác ý tâm sở ấy gọi là nghiệp.

⦁ Tác ý không gọi là nghiệp

Nếu khi tác ý tâm sở (cetanācetasika) đồng sinh với các tâm quả hay tâm duy tác thì tác ý tâm sở ấy không gọi là nghiệp. Vì các tâm quả và tâm duy tác (chỉ có ở vị A La Hán) không có khả năng tạo nghiệp.

Bất Thiện Nghiệp (Ác Nghiệp – Akusalakamma) là gì?

Bất thiện nghiệp là tác ý tâm sở đồng sinh với 12 tâm bất thiện tạo 10 nghiệp bất thiện (ác nghiệp) bằng thân, khẩu, ý như sau:

⦁ Thân ác nghiệp: Tác ý tâm sở đồng sinh với tâm bất thiện nương nhờ nơi thân tạo ác nghiệp, có 3 chi Pháp: Sát sinh, trộm cướp và tà dâm.
⦁ Khẩu ác nghiệp: Tác ý tâm sở đồng sinh với tâm bất thiện nương nhờ nơi khẩu tạo ác nghiệp, có 4 chi Pháp: Nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô ác và nói lời vô ích.
⦁ Ý ác nghiệp Tác ý tâm sở đồng sinh với tâm bất thiện nương nhờ nơi ý tạo ác nghiệp, có 3 chi Pháp: Tham lam, thù hận và tà kiến thấy sai chấp lầm.

Quả Báo của Bất Thiện Nghiệp

– Trong thời kỳ tái sinh kiếp sau:

Người nào đã tạo ác nghiệp nào trong 10 Pháp ác nghiệp, sau khi chết, nếu ác nghiệp ấy có cơ hội chtro quả tái sinh kiếp sau thì người ấy chịu khổ ở 1 trong 4 cõi ác giới (Địa ngục, Asura (quỷ thần), ngạ quỷ, súc sinh).
⦁ Nếu Tâm tham có năng lực làm hóa sinh kiếp sau, thì người ấy thành loài ngạ quỷ hay Asura (cõi quỷ thần).
⦁ Nếu Tâm sân có năng lực làm hóa sinh kiếp sau, thì người ấy thành chúng sinh ở cõi địa ngục.
⦁ Nếu Tâm si có năng lực làm tái sinh kiếp sau, thì người ấy thành loài súc sinh si mê.

– Thời kỳ sau khi đã tái sinh:

Khi hết nghiệp, ra khỏi cõi ác giới, nếu có thiện nghiệp nào có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau thì vị ấy sinh làm người. Còn ai tạo ác nghiệp nhẹ, khi chết, nếu ác nghiệp nhẹ ấy không có cơ hội cho quả thì thiện nghiệp nào có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau thì vị ấy sinh làm người. Cả 2 trường hợp này, ở kiếp sau, vị ấy còn chịu các quả khổ của ác nghiệp quá khứ là thường tiếp xúc biết các đối tượng không đáng hài lòng như Sắc xấu, Thanh dở, Mùi hôi, Vị dở, Xúc khó chịu.

Thiện Nghiệp (Kusalakamma) là gì?

Thiện nghiệp là tác ý tâm sở đồng sinh với 21 hoặc 37 thiện tâm chia ra làm 4 loại:

1- Dục giới thiện nghiệp.

2- Sắc giới thiện nghiệp.

3- Vô Sắc giới thiện nghiệp.

4- Siêu tam giới thiện nghiệp.

⦁ Dục giới thiện nghiệp (Đại thiện nghiệp): là tác ý tâm sở đồng sinh với 8 tâm thiện Dục giới tạo 10 đại thiện nghiệp bằng thân, khẩu, ý, tạo 10 phước thiện.
⦁ Đại thiện nghiệp có 10 loại bằng thân, khẩu, ý:
⦁ Thân đại thiện nghiệp có 3 chi Pháp: Cố ý không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm.
⦁ Khẩu đại thiện nghiệp có 4 chi Pháp: Cố ý không nói dối, không nói lời chia rẽ, không nói lời thô ác, không nói lời vô ích.
⦁ Ý đại thiện nghiệp có 3 chi Pháp: Cố ý không tham lam, không thù hận người khác, Có Chánh kiến thấy biết đúng thật tánh của các Pháp.
⦁ Mười phước thiện: Bố thí, giữ giới, hành thiền, cung kính, phục vụ, hồi hướng phước, tùy hỷ phước, nghe Chánh Pháp, thuyết Chánh Pháp và Chánh kiến.

Phước Báu của Dục Giới Thiện Nghiệp

– Trong thời kỳ tái sinh kiếp sau:

Người nào đã tạo thiện nghiệp nào trong 10 Pháp thiện nghiệp, sau khi chết, nếu thiện nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau thì người ấy hưởng an lạc ở cõi người hay 1 trong 6 cõi trời Dục giới.

Nếu thiện quả tâm hợp với trí tuệ, vị ấy trở thành người Tam nhân (vô tham, vô sân, vô si), nếu tu tập Thiền Định và Thiền Tuệ, có thể chứng Thiền, đắc Thánh và các phép thần thông. Nếu thiện quả tâm không hợp với trí tuệ, vị ấy trở thành người nhị nhân (vô tham, vô sân), dù cho tinh tấn tu tập cũng không thể chứng Thiền, đắc Thánh, mà chỉ có thể tích lũy thêm Ba La Mật. Nếu quả của thiện nghiệp nhỏ cho quả tái sinh, thì người ấy sinh làm người vô nhân (Không có 3 nhân: vô tham, vô sân, vô si), bị đui mù, câm điếc, tàn tật bẩm sinh.

Người thiện nào đã tạo đại thiện nghiệp, khi chết, nếu đại thiện nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau thì vị ấy hoá sinh làm thiên nam (thiên nữ) thuộc hạng Tam nhân có nhiều oai lực, hào quang sáng ngời; hay thuộc hạng nhị nhân có oai lực và hào quang ít trên 6 cõi trời Dục giới, thậm chí cũng có hạng vị thiên nam (thiên nữ) vô nhân có oai lực và hào quang kém ở trên mặt đất.

– Thời kỳ sau khi đã tái sinh:

Sau khi đã tái sinh, vị ấy là người hoặc Chư Thiên cõi Dục giới sẽ luôn tiếp xúc biết các đối tượng tốt như Sắc đẹp, Thanh hay, Mùi thơm, Vị ngon, Xúc dễ chịu.

⦁ Sắc giới thiện nghiệp: Hành giả là người Tam nhân (vô tham, vô sân, vô si) có giới trong sạch và trọn vẹn làm nền tảng, tu tập Thiền Định, có thể chứng đắc 5 bậc thiền Sắc giới là 5 tâm thiện thiền Sắc giới:
⦁ Tâm thiền Sắc giới (hành giả trí tuệ chậm) có 5 bậc: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, Ngũ thiền.
⦁ Tâm thiền Sắc giới (hành giả trí tuệ nhanh) có 4 bậc: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền, vì Nhị thiền loại bỏ được 2 chi thiền Tầm, Tứ ở Sơ thiền.

Phước Báu của Sắc Giới Thiện Nghiệp

⦁ Trong thời kỳ tái sinh kiếp sau:

Hành giả đã chứng bậc thiền Sắc giới thiện tâm nào cao nhất, khi chết, nếu vẫn duy trì được bậc thiền ấy, chắc chắn kiếp sau hóa sinh làm Phạm Thiên ở 1 trong 15 tầng trời Sắc giới tương ứng. Nếu hành giả có tâm nhàm chán 4 Danh uẩn (Thọ, Tưởng, Hành, Thức), chỉ muốn có Sắc uẩn, và đã chứng ngũ thiền Sắc giới, khi chết, hóa sinh làm Phạm Thiên ở cõi Vô Tưởng Thiên.

⦁ Thời kỳ sau khi đã tái sinh:

Vị Phạm Thiên nào (trừ Vô Tưởng Thiên) sau khi đã sinh ở tầng trời Sắc giới cao nhất tương ứng với bậc thiền chứng cao nhất, hưởng an lạc cho đến khi hết tuổi thọ ở tầng trời đó, mới tái sinh kiếp sau nữa trong cõi giới khác tùy theo thiện nghiệp của vị ấy.

Vô Sắc giới thiện nghiệp:

Sau khi đã đắc 5 bậc thiền Sắc giới, hành giả lấy 4 đề mục thiền Vô Sắc, tiếp tục hành Thiền Định để đắc 4 bậc thiền Vô Sắc giới: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Phước Báu của Vô Sắc giới Thiện Nghiệp

⦁ Trong thời kỳ tái sinh kiếp sau:

Hành giả đã chứng bậc thiền Vô Sắc giới, thiện tâm nào cao nhất, khi chết, nếu vẫn duy trì được bậc thiền ấy, chắc chắn kiếp sau vị ấy hóa sinh làm Phạm Thiên ở 1 trong 4 tầng trời Vô Sắc giới tương ứng với bậc thiền ấy.

⦁ Thời kỳ sau khi đã tái sinh:

Vị Phạm Thiên nào sau khi đã tái sinh ở tầng trời Vô Sắc giới cao nhất tương ứng với bậc thiền chứng cao nhất, sẽ hưởng an lạc cho đến hết tuổi thọ ở tầng trời đó, mới chuyển kiếp tái sinh kiếp sau nữa trong cõi giới khác tùy theo thiện nghiệp của vị ấy.

Tóm lại:
Dù người nào tạo ác nghiệp ngũ nghịch đại tội nặng nhất, khi chết, chắc chắn ác nghiệp ấy có quyền ưu tiên cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ suốt nhiều đại kiếp trái đất cho đến khi hết ác nghiệp ấy, mới ra khỏi cõi địa ngục, rồi sẽ tái sinh kiếp sau ở cõi giới khác tùy theo nghiệp quả của người ấy.
Còn vị Phạm Thiên nào sau khi đã tái sinh ở tầng trời Vô Sắc giới cao nhất như Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên, khi hết tuổi thọ ở tầng trời này, vị ấy sẽ tái sinh kiếp sau ở cõi giới khác tùy theo thiện nghiệp của vị ấy.
Cho nên, trong tam giới gồm có 31 cõi giới chỉ là nơi tạm trú trong khoảng thời gian lâu mau đối với tất cả chúng sinh trong 3 giới 4 loài mà thôi, chắc chắn không có cõi giới nào là nơi thường trú cho chúng sinh nào cả.

Siêu tam giới thiện nghiệp:

Hành giả phàm nhân thuộc hạng người Tam nhân, có giới trong sạch và trọn vẹn làm nền tảng, tu tập Thiền Tuệ (Vipassanā) đúng theo Bát Chánh Đạo có thể đưa đến kết quả chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhân. Bậc Thánh Nhân trong Phật Giáo từ thấp đến cao có 4 bậc là:

⦁ Bậc Thánh Nhập Lưu (Sotāpanna – Tu Đà Hoàn).
⦁ Bậc Thánh Nhất Lai (Sakadāgāmī – Tư Đà Hàm).
⦁ Bậc Thánh Bất Lai (Anāgāmī – A Na Hàm).
⦁ Bậc Thánh A La Hán (Arahanta – A La Hán).

Phước báu của bậc Thánh Nhập Lưu

Thánh Nhập Lưu: là bậc Thánh đã diệt tận Tà kiến, Hoài nghi, Giới cấm thủ nên vị ấy không còn tái sinh trong 4 đường ác (Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, Asura). Bậc Thánh Nhập Lưu có 3 hạng là:
⦁ Bậc Thánh Nhập Lưu có 5 pháp chủ (Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ) năng lực yếu, còn tái sinh làm người hay Chư Thiên cõi trời Dục giới tối đa 7 kiếp, rồi trở thành bậc Thánh A La Hán, tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt sinh tử.
⦁ Bậc Thánh Nhập Lưu có 5 pháp chủ năng lực trung bình nên còn tái sinh cõi Dục giới 2-3-5 kiếp nữa, mới trở thành bậc Thánh A La Hán, tịch diệt Niết Bàn.
⦁ Bậc Thánh Nhập Lưu có 5 pháp chủ năng lực mạnh, chỉ còn tái sinh làm người hay Chư thiên 1 kiếp nữa, mới trở thành Thánh A La Hán, tịch diệt Niết Bàn.

Bậc Thánh Nhập Lưu tái sinh hơn 7 kiếp:

Trường hợp ngoại lệ, có 7 vị Thánh Nhập Lưu tái sinh hơn 7 kiếp. Bảy vị này có phát nguyện, muốn hưởng sự an lạc trong các cõi trời từ Dục giới đến Sắc giới Phạm Thiên tột đỉnh (Sắc Cứu Cánh Thiên), mới trở thành Thánh A La Hán, tịch diệt Niết Bàn ở cõi ấy. Đó là:

1- Phú hộ Anāthapiṇṇika.

2- Bà Visākhā mahā.

3- Chư thiên Cullaratha.

4- Chư thiên Mahāratha.

5- Chư thiên Anekavaṇṇa.

6- Chư thiên Nāgadatta.

7- Đức vua trời Sakka.

Phước báu của bậc Thánh Nhất Lai

Thánh Nhất Lai: là bậc Thánh đã diệt tận được Tà kiến, Hoài nghi, Giới cấm thủ và giảm thiểu tham dục và Sân (chỉ còn sân giận, hết sân hận), nên chỉ tái sinh làm người hay Chư Thiên cõi Dục giới 1 kiếp nữa, rồi trở thành vị Thánh A La Hán và tịch diệt Niết Bàn ở cõi ấy.

Phước báu của bậc Thánh Bất Lai

Thánh Bất Lai: là bậc Thánh đã diệt tận được Tà kiến, Hoài nghi, Giới cấm thủ, tham dục và Sân, nên không còn tái sinh lại cõi Dục giới, chỉ tái sinh lên cõi Sắc giới. Nếu vị ấy đắc Tứ Thiền Sắc giới, sẽ sinh lên tầng trời Tịnh Cư Thiên. Bậc Thánh Bất Lai có 5 hạng:

⦁ Bậc Thánh Bất Lai sẽ trở thành bậc Thánh A La Hán, chưa đến một nửa tuổi thọ của cõi Sắc giới Phạm Thiên ấy, rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt sinh tử.
⦁ Bậc Thánh Bất Lai sẽ trở thành bậc Thánh A La Hán, quá một nửa tuổi thọ của cõi Sắc giới phạm thiên ấy, rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt sinh tử.
⦁ Bậc Thánh Bất Lai không cần phải tinh tấn nhiều, cũng sẽ trở thành bậc Thánh A La Hán, rồi tịch diệt Niết Bàn tại cõi Sắc giới phạm thiên ấy, chấm dứt sinh tử.
⦁ Bậc Thánh Bất Lai cần phải tinh tấn nhiều mới trở thành bậc Thánh A La Hán, rồi tịch diệt Niết Bàn tại cõi Sắc giới phạm thiên ấy, chấm dứt sinh tử.
⦁ Bậc Thánh Bất Lai khi hết tuổi thọ trong cõi trời Sắc giới tầng thấp, tuần tự tái sinh từng trời bậc cao, cho đến tầng trời Sắc giới Phạm Thiên tột đỉnh (Sắc Cứu Cánh Thiên), rồi trở thành bậc Thánh A La Hán và tịch diệt Niết Bàn tại cõi Sắc giới ấy, chấm dứt sinh tử.

Phước báu của bậc Thánh A La Hán

Bậc Thánh A La Hán: là bậc Thánh đã diệt tận được các phiền não là Tà Kiến, Hoài nghi, Giới Cấm thủ, Sân, Tham, Si, Ngã Mạn, Buồn Chán, Phóng Tâm, Không Hổ Thẹn Tội Lỗi, Không Ghê Sợ Tội Lỗi, diệt tận được mọi tham ái, không còn dư sót, khi hết tuổi thọ, sẽ tịch diệt Niết Bàn. Bậc Thánh A La Hán có nhiều hạng:

⦁ Bậc Thánh A La Hán chứng đắc Tam Minh: Túc mạng minh,Thiên nhãn minh, và Lậu tận minh.
⦁ Bậc Thánh A La Hán chứng đắc Lục Thông: Thần túc thông, Thiên Nhãn thông, Thiên Nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông và Lậu tận thông.
⦁ Bậc Thánh A La Hán chứng đắc Tứ Tuệ Phân Tích: Nghĩa (nhân) phân tích, Pháp (quả) phân tích, Ngôn ngữ phân tích và Ứng đối phân tích.
⦁ Bậc Thánh A La Hán giải thoát bằng 2 Pháp hành: Thiền Định chứng đắc 4 bậc thiền Vô Sắc giới và Thiền Tuệ chứng đắc Đạo, Quả A La Hán.
⦁ Bậc Thánh A La Hán giải thoát bằng Pháp Hành Thiền Tuệ chứng đắc Đạo, Quả A La Hán.

Tính Chất Của Nghiệp (Kamma)

Nghiệp có 4 tính chất:

⦁ Ác nghiệp nặng ngăn cản ác nghiệp nhẹ

Ác nghiệp nặng (Ác trọng nghiệp có năm đại tội: Giết cha, giết mẹ, giết bậc A La Hán, làm thân Phật chảy máu và chia rẽ Tăng Đoàn) hay gần nhất (Ác cận tử nghiệp là nghiệp khởi sinh tâm ác ngay lúc lâm chung) ngăn cản các ác nghiệp nhẹ để ưu tiên cho quả ngay lúc tái sinh kiếp sau và sau khi tái sinh. Còn các ác nghiệp nhẹ sẽ hỗ trợ tăng quả khổ trong kiếp sau.

⦁ Ác nghiệp nặng ngăn cản các thiện nghiệp

Trước kia, có người đã từng tạo nhiều thiện nghiệp (bố thí, trì giới, hành thiền,…), nhưng về sau lại tạo Ác trọng nghiệp, nên người ấy sau khi chết chắc chắn phải đọa địa ngục Avīci (Vô gián). Ví như trường hợp của Tỳ Khưu Devadatta, dù đã chứng 8 tầng thiền, có 5 phép thần thông, nhưng về sau, ông đã xô đá ám sát, làm chân Phật chảy máu và chia rẽ Tăng Đoàn, nên mới bị đọa.

Tương tự, có người cả đời làm nhiều thiện nghiệp, nhưng lúc chết lại khởi tâm bất an (lo lắng, sợ hãi, hối hận, luyến tiếc,…) tạo thành ác cận tử nghiệp, nên người ấy sau khi chết tái sinh vào cõi khổ, như trường hợp của Hoàng Hậu Mallika, dù tạo nhiều phước báu nhưng lúc hấp hối lại có tâm hối hận vì một lỗi lầm nhỏ, nên sinh vào khổ cảnh 7 ngày, rồi mới sinh lên cõi lành hưởng phước.

Vậy ác nghiệp nặng nhất (Ác trọng nghiệp) hay gần nhất (Ác cận tử nghiệp) ngăn cản các thiện nghiệp để ưu tiên cho quả ngay lúc tái sinh kiếp sau và sau khi tái sinh.

⦁ Thiện nghiệp ngăn cản ác nghiệp

Trước kia, có người đã tạo mọi ác nghiệp (ngoại trừ ác trọng nghiệp và tà kiến cố định không tin nghiệp báo), nhưng về sau gặp bậc thiện trí, quy y và tin tưởng nơi Tam Bảo, rồi nghe Chánh Pháp, tin Luật Nghiệp Báo nên từ bỏ các ác nghiệp, tinh tấn tu tập, tạo mọi thiện Pháp, nên khi chết với tâm an ổn, người ấy sẽ sinh vào cõi lành.

Ví như trường hợp của Ngài Aṅgulimāla, trước kia là tên cướp sát nhân, gần ngàn người để cắt ngón tay làm xâu chuỗi đeo cổ. Sau khi được Đức Phật tế độ, Ngài cố gắng tu tập, đạt Thánh Quả A La Hán, rồi tịch diệt Niết Bàn, giải thoát luân hồi trong tam giới.

Như vậy thiện nghiệp ngăn cản các ác nghiệp để ưu tiên cho quả lành. Đặc biệt là thiện nghiệp siêu tam giới (đắc Quả vị Phật, A La Hán) sẽ ngăn cản mọi ác nghiệp lẫn thiện nghiệp cho quả sau khi vị đó bỏ thân, nhập diệt Niết Bàn.

⦁ Thiện nghiệp lớn ngăn cản thiện nghiệp nhỏ

Có người đã tạo nhiều thiện nghiệp, trong đó thiện nghiệp nào lớn nhất sẽ ưu tiên cho quả ngay lúc tái sinh kiếp sau và sau khi tái sinh. Còn các thiện nghiệp nhỏ khác sẽ hỗ trợ tăng quả lành trong kiếp sau.

Ví như vị nào là người tam nhân (có 3 nhân: vô tham, vô sân, vô si) thực hành Thiền Định, đạt ngũ thiền Sắc giới, ngay khi chết, nếu vẫn giữ được tâm thiền này, vị ấy chắc chắn sẽ tái sinh làm Phạm Thiên ở cõi Quảng Quả thiên. Còn 4 bậc thiền Sắc giới thấp hơn đều trở thành vô hiệu nghiệp, không có cơ hội cho quả.

Tương tự, nếu vị nào hành Thiền Định chứng đắc Tứ thiền Vô Sắc giới (tầng thiền thứ 8), ngay khi chết, nếu vẫn giữ được tâm thiền này, vị ấy chắc chắn sẽ sinh làm Phạm Thiên ở cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên. Còn 3 bậc thiền vô sắc thấp hơn trở thành vô hiệu nghiệp.

Bất thiện nghiệp hay thiện nghiệp là những nghiệp mà mỗi người chủ động có quyền tự chọn tạo nghiệp tuỳ mình. Nếu biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, tin nghiệp và quả của nghiệp, biết tự trọng, chúng ta có quyền lựa chọn tránh xa ác nghiệp, tạo thiện nghiệp. Trong các loại thiện nghiệp, chúng ta nên tạo thiện nghiệp bậc cao theo khả năng của mình (Bố thí – Giữ giới – Hành thiền), để tăng trưởng hạnh phúc thế gian và hạnh phúc tâm linh.

Bậc thiện trí tin nghiệp và quả của nghiệp, có Chánh kiến sở nghiệp nên tin chỉ có nghiệp là của riêng mình thật sự, ngoài nghiệp ra, không có thứ gì thuộc về mình, ngay cả sắc thân này, vì nó không thay đổi theo ý muốn của mình, mà chỉ tùy thuộc vào nhân duyên.

Tính Chất Quả Của Nghiệp (Kamma Phala)

Chúng ta có phải nhận tất cả những nghiệp đã gieo không? Không nhất thiết phải như thế. Trong bộ Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya), Đức Phật dạy:
“Nếu có ai cho rằng con người phải nhận tất cả quả báo từ các hành động trong quá khứ thì không thể có đời sống đạo đức, và con người cũng không thể có cơ hội tận diệt phiền não. Nhưng nếu nói rằng quả báo phải tương xứng với nghiệp đã gieo thì chắc có đời sống đạo đức và con người sẽ có cơ hội dập tắt phiền não.”

Nếu như phải trả quả của tất cả những nghiệp đã tạo trong quá khứ thì chúng sanh ắt phải chịu vĩnh viễn sống trong đau khổ, mà không thể mong có ngày giải thoát. Như vậy, theo Phật Giáo có thể chuyển hoá nghiệp. Dù không hoàn toàn làm chủ Nghiệp lực (vì nhân đã gieo), nhưng ta cũng không tuyệt đối phải bó tay chịu làm nô lệ. Dù là người xấu xa đê tiện nhất cũng có thể cố gắng trở nên trong sạch, đạo đức.

Chúng ta luôn luôn biến đổi và trở thành một cái gì mới, và cái mới ấy tùy thuộc vào chính bản thân và hành động của chính mình. Từng giây, từng phút, ta có thể tự chuyển hóa, làm cho mình tốt đẹp hơn, hay xấu xa hơn. Dù người tội lỗi, hư hèn nhất cũng không đáng khinh. Trái lại, ta nên tạo cho họ một niềm tin tưởng để cố gắng cải thiện bản tính bẩm sinh của họ, biết đâu lúc nào trong quá khứ, ta cũng cùng trong tình trạng với hạng người hư hèn ấy và ta đã tiến bộ. Hôm nay ở một vị trí thấp kém, họ cũng có thể cố gắng theo ta và có khi tiến bộ hơn ta. Ai biết được nghiệp lực đã tích trữ của người khác?

Ví như, Vua Asoka (A Dục) hung ác, bạo tàn, trở thành một đấng minh quân, biến đổi những cuộc chiến xâm lăng tàn ác, khốc liệt thành những công cuộc truyền bá Phật Pháp từ bi, vi diệu đem hạnh phúc đến cho nhân loại.
Nếu nghiệp thiện ác nào đủ duyên có cơ hội cho quả, thì chủ nhân của nghiệp ấy phải chịu quả tương ứng như người thừa kế. Ngoài ra, quả của nghiệp thiện ác không chỉ ảnh hưởng trực tiếp cho chủ nhân ấy, mà còn gián tiếp tác động đến những người gần gũi với họ.

Như trường hợp của cậu Losakatissa, từ khi tái sinh vào lòng mẹ, quả khổ đau do ác nghiệp của cậu gián tiếp ảnh hưởng đến mẹ và cả 1.000 gia đình ngư dân phải chịu quả đói khổ. Hay như trường hợp của Hoàng tử Sīvali, từ khi tái sinh vào lòng Mẫu hậu, quả an lạc do thiện nghiệp của Hoàng tử gián tiếp ảnh hưởng tốt đến Mẫu hậu, nên hằng ngày bà nhận được nhiều tặng phẩm quý giá, trong triều đình các kho đầy đủ, và trong hoàng gia cũng hưởng mọi sự an lạc.

CÁC BÀI KINH VỀ NGHIỆP

Tiểu Kinh về Nghiệp (Cūḷakammavibhaṅgasutta)

Thời Đức Phật Gotama, có ông phú hộ Todeyya rất giàu có nhưng do tâm keo kiệt, luyến tiếc tài sản nên tái sinh làm con chó cưng trong nhà ông. Biết rõ đủ duyên để hóa độ công tử Subha (con trai ông phú hộ), Đức Phật sáng đứng trước nhà ông khất thực khi công tử vắng nhà. Khi đó, con chó chạy ra sủa, nên Ngài bảo rằng:

– Này Todeyya! Ngươi không biết thân phận làm kiếp chó sao, mà còn sủa Như Lai! Kiếp sau ngươi còn phải tái sinh trong đại địa ngục Avīci (Vô gián) nữa.

Nghe xong, con chó khổ tâm, buồn bã chạy vào nhà, nằm gần đống tro gần bếp. Khi công tử về thấy chó buồn nên được người nhà tường thuật lại chuyện lúc sáng. Công tử ngạc nhiên nên đến chùa Jetavana (Kỳ Viên) và được Đức Phật nói cho biết rằng: “Con chó chính là cha con. Hãy về bảo nó chỉ chỗ chôn của báu!” Sau khi đào được của báu, công tử có đức tin mạnh mẽ nơi Đức Thế Tôn, nên trở lại đảnh lễ Ngài và hỏi Phật pháp.

Trong Kinh Cūḷakammavibhaṅgasutta, Đức Phật giảng giải về những thắc mắc của công tử Subha, nội dung được tóm tắt như sau:

⦁ Hành ác nghiệp sát sinh thì quả là chết yểu.
⦁ Hành thiện nghiệp không sát sinh thì quả là sống lâu.
⦁ Hành ác nghiệp hành hạ chúng sinh thì quả là có nhiều bệnh hoạn.
⦁ Hành thiện nghiệp không hành hạ chúng sinh thì quả là ít bệnh hoạn.
⦁ Hành ác nghiệp hay sân hận thì quả là xấu xí, da dẻ sần sùi, đáng ghê sợ.
⦁ Hành thiện nghiệp không hay sân hận (có tâm từ) thì quả là xinh đẹp, da dẻ hồng hào.
⦁ Hành ác nghiệp hay ganh tỵ thì quả là có ít quyền lực.
⦁ Hành thiện nghiệp không hay ganh tỵ (hoan hỷ) thì quả là có nhiều quyền lực.
⦁ Hành ác nghiệp không bố thí thì quả là có nghèo khổ.
⦁ Hành thiện nghiệp bố thí thì quả là giàu có.
⦁ Hành ác nghiệp không biết tôn kính thì quả là thấp hèn.
⦁ Hành thiện nghiệp biết tôn kính thì quả là cao quý.
⦁ Hành ác nghiệp không học hỏi về Pháp thiện-ác,… từ các bậc thiện trí thì quả là không có trí tuệ.
⦁ Hành thiện nghiệp thường hay học hỏi về Pháp thiện- ác thì quả là có trí tuệ.

Tất cả mọi chúng sinh đều có nghiệp là của riêng mình. Họ là người thừa hưởng quả của nghiệp do họ tạo. Nghiệp là nhân sinh ra họ, là bà con, thân quyến và là nơi nương nhờ của họ. Chính nghiệp phân loại chúng sinh thấp hèn hoặc cao quý, hạnh phúc hay khổ đau.

Kinh Đạo sĩ Hạnh Con Chó (Kukkuravatika sutta)

Trong Kinh Đạo sĩ Hạnh Con Chó mà Đức Phật đã giảng dạy cho Đạo sĩ Punna Koliyaputta (tu theo hạnh con bò) và Seniya (tu theo hạnh con chó) có nói về 4 loại Nghiệp được tóm ý như sau:
⦁ Nghiệp đen đưa đến quả báo đen

Có người tạo ác nghiệp qua thân, khẩu, hay ý nên tái sinh nơi khổ cảnh, chịu những xúc chạm, kinh nghiệm khổ đau khôn cùng như chúng sinh ở địa ngục. Việc tái sinh nơi nào là do nghiệp của chúng sinh đó tạo ra và chịu khổ đau ở cảnh giới đó. Vậy chúng sinh là người thừa tự nghiệp của mình. Nghiệp đen tối trổ quả đen tối là như thế.

⦁ Nghiệp trắng đưa đến quả báo trắng

Có người tạo nghiệp thiện lành qua thân, khẩu, hay ý nên tái sinh nơi nhàn cảnh, không chịu những xúc chạm hay kinh nghiệm khổ đau, mà hưởng lạc như Phạm thiên Subhakinha. Việc tái sinh nơi nào là do nghiệp của chúng sinh đó tạo ra và hưởng an lạc ở cảnh giới đó. Vậy chúng sinh là người thừa tự nghiệp của mình. Nghiệp trắng trổ quả trắng là như thế.

⦁ Nghiệp đen trắng đưa đến quả báo đen trắng

Có người tạo ác nghiệp và thiện nghiệp qua thân, khẩu, hay ý nên tái sinh vào cảnh giới vừa khổ lẫn lạc, chịu khổ đau và hưởng an lạc xen kẽ, như loài người, Chư Thiên và một số chúng sinh ở cảnh giới thấp. Việc tái sinh nơi nào là do nghiệp của chúng sinh đó tạo ra và kinh nghiệm những lạc khổ nơi cảnh giới đó. Vậy chúng sinh là người thừa tự nghiệp của mình. Nghiệp đen trắng trổ quả đen trắng là như thế.

⦁ Nghiệp không đen trắng đưa đến quả báo không đen trắng và còn đoạn tận tất cả các nghiệp

Có người tác ý muốn đoạn trừ cả 3 nghiệp trên bao gồm nghiệp đen (ác nghiệp), nghiệp trắng (thiện nghiệp), nghiệp đen trắng được gọi là nghiệp không đen trắng, mà đưa đến sự đoạn tận tất cả các nghiệp.

Đại Kinh về Nghiệp (Mahākammavibhaṅgasutta)

Một đoạn tóm tắt trong Đại Kinh về Nghiệp mà Đức Phật giảng cho Ngài Ānanda, có nói đến 4 hạng người:

⦁ Có người ở đời này sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô ác, nói lời vô ích, có tâm tham lam, thù hận, có tà kiến thấy sai lầm. Sau khi chết, ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi khổ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, asura) do họ đã tạo ác nghiệp ở kiếp quá khứ hay hiện tại hoặc có tà kiến ngay lúc lâm chung. Vì ác nghiệp ấy, họ sẽ nhận quả khổ trong kiếp này, kiếp sau hay kiếp khác.

⦁ Có người ở đời này sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô ác, nói lời vô ích, có tâm tham lam, thù hận, có tà kiến thấy sai lầm, sau khi chết, thiện nghiệp khác cho quả tái sinh kiếp sau ở cõi lành, do người ấy đã tạo thiện nghiệp trong kiếp quá khứ hay hiện tại hoặc có Chánh kiến ngay lúc lâm chung. Tuy nhiên, với ác nghiệp đời này, họ sẽ nhận quả khổ trong kiếp này, kiếp sau hay kiếp khác.

⦁ Có người ở đời này tránh xa sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô ác, nói lời vô ích, tham lam, thù hận và có chánh kiến đúng đắn, sau khi chết, thiện nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái sinh ở cõi lành do người ấy đã tạo thiện nghiệp trong kiếp quá khứ hay hiện tại hoặc có Chánh kiến ngay lúc lâm chung. Vì thiện nghiệp đời này, họ sẽ được quả lành trong kiếp này, kiếp sau hay kiếp khác.

⦁ Có người ở đời này tránh xa sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô ác, nói lời vô ích, tham lam, thù hận và có chánh kiến đúng đắn, sau khi chết, ác nghiệp khác khiến người ấy tái sinh kiếp sau trong cõi khổ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, asura) do người ấy đã tạo ác nghiệp trong quá khứ, hiện tại hay có tà kiến thấy sai lầm ngay lúc lâm chung. Tuy nhiên, với thiện nghiệp đời này, họ sẽ được quả lành trong kiếp này, kiếp sau hay kiếp khác.

Giới thiệu về tác giả

Tỳ Khưu Phước Hưng

Sinh năm 1985 tại Đồng Nai, tốt nghiệp đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM và giảng dạy tại trường Đại học Hutech. Xuất gia năm 2015. Thạc sĩ Phật học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM. Hiện đang là nghiên cứu sinh Tiến Sĩ tại Ấn Độ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *