Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong những người phụ nữ tài năng nhất, với việc trở thành tỷ phú đô la khi vẫn còn trẻ tuổi. Bà là người đã thay đổi bộ mặt cho nền hàng không Việt Nam, là nguồn cảm hứng của rất nhiều chị em phụ nữ hiện đại.
Nội dung chính
Tiểu sử bà Nguyễn Thị Phương Thảo là ai?
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh ngày 07 tháng 06 năm 1970 tại Hà Nội, là một nữ doanh nhân, tỷ phú, kiêm tổng giám đốc của VietJet Air, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank… Bà là người Việt Nam thứ 2 và cũng là nữ tỷ phú đô la đầu tiên được tạp chí Forbes ghi nhận, chỉ sau ông Phạm Nhật Vượng.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo được sinh ra và lớn lên trong một gia đình gốc Hà Nội. Bà may mắn có cơ hội được đi du học đại học ngành Kinh tế tài chính tại Liên Xô vào năm 17 tuổi. Bà đã nhanh chóng nổi tiếng trong cộng đồng người Việt xứ người, không chỉ bởi thành tích học tập xuất sắc mà còn là về tài năng kinh doanh thiên bẩm.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo bước chân vào thương trường khi vẫn đang còn là sinh viên năm thứ 2. Nhân cơ hội thị trường Đông Âu đang trong tình trạng thiếu thốn hàng tiêu dùng, mọi thứ đều khan hiếm, bà đã bắt đầu kinh doanh đủ thứ từ hàng điện tử, máy tính, máy fax đến băng đĩa, đồng hồ, thậm chí cả hàng nông sản từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong sang Đông Âu… Bên cạnh đó, bà cũng đã đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm và cần thiết như máy móc, sắt thép, phân bón,…
Quá trình hoạt động và sự nghiệp của bà Nguyễn Thị Phương Thảo
Ngay từ khi còn niên thiếu, bà Nguyễn Thị phương Thảo đã hình thành nên tính cách ham kinh doanh, đam mê học hỏi mãnh liệt. Năm 17 tuổi, bà đã theo học tại Liên Xô với thành tích học tập xuất sắc. Nhờ đó mới chỉ sang năm học thứ 2, bà đã có thể dấn thân vào thương trường.
Khi đó, với số vốn ít ỏi, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã tập tành kinh doanh đủ món hàng như đồng hồ, nông sản, máy tính, đồ điện tử các loại,… Bà đã buôn bán khá thành công khi đưa được nhiều món hàng quý giá về bán tại Việt Nam. Tuy nhiên chỉ sau vài năm, bà quyết tâm không kinh doanh “cò con” nữa mà sẽ tập trung vốn liếng kinh doanh lớn. Bà sẵn sàng bỏ tiền để chuyên chở hàng trăm container hàng hóa để bán, hoặc sẵn sàng thuê nguyên 1 đoàn tàu để nhằm phục vụ mục đích vận chuyển hàng hóa.
Chính nhờ sự liều lĩnh, đam mê kinh doanh đã giúp bà Nguyễn Thị Phương Thảo sớm kiếm về cho mình 1 triệu đô la đầu tiên sau nhiều năm nỗ lực. Với số vốn khổng lồ này, bà bắt đầu chuyển hướng sang kinh doanh các mặt hàng công nghiệp nặng như sắt thép, máy móc công nghiệp, phân bón,…
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đã đầu tư trong nước Việt Nam từ khá sớm, với hai lĩnh vực chủ chốt là bất động sản và tài chính. Bà là người đã góp vốn để thành lập ngân hàng Techcombank và VIB, sau này đã trở thành 2 ngân hàng lớn và cực kỳ phát triển.
Năm 2007, bà Nguyễn Thị Phương Thảo ấp ủ đầu tư mảng hàng không với mũi nhọn là hàng không giá rẻ Vietjet. Thế nhưng việc đầu tư này phải trì hoãn do giá dầu khi đó tăng cao, cùng với việc bà vẫn chưa xin được giấy phép trong nước để thành lập Startup.
Năm 2010, bà đạt thỏa thuận với AirAsia nhằm mở rộng mô hình kinh doanh hàng không giá rẻ Vietjet. Tuy nhiên do gặp nhiều vướng mắc, bất đồng trong quản lý mà dự án này tiếp tục bị trì hoãn.
Năm 2011, bà Nguyễn Thị Phương Thảo không kết hợp với AirAsia nữa mà đã cùng chồng là ông Nguyễn Thanh Hùng cùng hùn vốn để tự mở công ty Vietjet Air. Những ngày đầu mới thành lập, công ty đã liên tục lập đỉnh với lượng khách hàng tăng vọt, cùng với đó là những chiêu trò marketing gây xôn xao dư luận thời bấy giờ.
Chỉ sau 2 năm đi vào hoạt động, Vietjet Air đã chiếm tới 29% thị phần toàn ngành, cạnh tranh trực tiếp với Vietnam Airline. Đó là kết quả cho thấy công chúng dần đón nhận hình thức hàng không giá rẻ, thay cho những sự yếu kém về quản lý và thua lỗ của Vietnam Airline.
Năm 2013, Vietjet Air đã đặt bút ký kết thỏa thuận mua 100 máy bay Airbus trị giá 9,1 tỷ USD. Đây là thỏa thuận đã tốn không ít giấy mực của báo chí thời bấy giờ, cho thấy sự phát triển đáng kinh ngạc của công ty cũng như khả năng dẫn dắt, lèo lái của bà Nguyễn Thị Phương Thảo.
Ngày 9/3/2017, tạp chí Forbes Việt Nam đã ghi nhận bà Thảo là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú USD trên thị trường chứng khoán. Với số tài sản khi đó của bà là hơn 1,7 tỷ USD.
Năm 2019, bà Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục ghi tên mình trong danh sách những tỷ phú tự thân giàu nhất Đông Nam Á, với khối tài sản khi này đã lên tới 2,5 tỷ USD. Cũng trong năm này, bà đã được tạp chí Forbes ghi danh là 1 trong 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.
Những thành tựu mà bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã đạt được
– Từ 1988 – 1992: Sinh viên – Trường ĐH Kinh tế Quốc Dân Phêklanôp – Liên Bang Nga.
– Từ 1993 – 1997: Sinh viên – Học viện Kinh doanh Quốc tế Matxcơva – Liên Bang Nga.
– Từ 1993 – 1997: Sinh viên – Đại học Nghệ thuật hiện đại.
– Từ 1992 – 2007: Phó Chủ tịch – Công ty Cổ phần Sovico.
– Từ 2007 – 10/2008: Chủ tịch điều hành – Công ty Cổ phần Sovico.
– Từ 1/2005 – 12/2005: Cổ đông – Sáng lập viên – Ngân hàng TMCP Quốc tế.
– Từ 1/2006 – 12/2006: Cổ đông – Thành viên HĐQT – Ngân hàng TMCP Techcombank.
– Từ 11/2008 – nay: Chủ tịch – Công ty Cổ phần Sovico.
– Từ 2007 – nay: Phó Chủ tịch HĐQT, TGĐ – Công ty CP Hàng Không VietJet.
– Từ 2005 – nay: Thành viên Ban Chấp hành – Hội hữu nghị Việt Nga.
– Từ 2003 – nay: Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT – Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Một số quan điểm, triết lý trong kinh doanh của bà Nguyễn Thị Phương Thảo
Khi nhận được khá nhiều câu hỏi về bí quyết thành công trong thương trường, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã từng khẳng định rằng mình không sử dụng chiêu trò nào. Thay vào đó, bà nhắc nhiều đến việc dám nghĩ lớn, dám mơ lớn, kinh doanh lương thiện và sự tự tin cần thiết.
Nhiều người từng tiếp xúc với bà từng cho rằng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo không phải là mẫu doanh nhân nói suông, mà giống như kiểu một nữ doanh nhân có tinh thần thép, dám lăn xả, dám nghĩ dám làm. Nhân viên của bà kể rằng, phòng làm việc của tổng giám đốc thường sáng đèn đến tận 2-3h sáng, kể cả những ngày nghỉ lễ đó là chuyện hết sức bình thường.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo thường xuất hiện với gu thời trang chuộng tông màu nổi bật, mái tóc buông dài hoặc búi cao trên đỉnh đầu rất dễ nhận ra, và không thiếu tóc mái hỉ nhi vốn đã trở thành thương hiệu của bà.
Không chỉ có vẻ ngoài điềm đạm, hiền lành, dễ gần, bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn là người phụ nữ có nụ cười ngọt ngào, duyên dáng, ân cần và lịch sự khi nói chuyện. Bà từng được Tổng giám đốc John Leahy của hãng Airbus nhận xét rằng: “Bà Thảo là tuýp người phụ nữ có bàn tay sắt bọc nhung, bởi sự cứng rắn bên trong vẻ ngoài mềm mỏng mỗi khi đàm phán hợp đồng”.
Tuy sở hữu khối tài sản khổng lồ, sống một cuộc đời sang trọng, quý phái, thế nhưng bà Thảo từng chia sẻ rằng: “Tôi chưa bao giờ ngồi đếm xem mình có bao nhiêu tiền”. Điều này cho thấy động lực làm việc của bà chưa bao giờ là vì tiền, mà vì sự đam mê thuần túy đối với công việc kinh doanh.
Gia đình của bà Nguyễn Thị Phương Thảo gồm những ai?
Chồng của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo là ông Nguyễn Thanh Hùng. Ông sinh năm 1967 tại Bến Tre, đã từng du học tại Liên Xô, đạt được bằng kỹ sư điện tử tại trường Đại học Kharkov và bằng Tiến sĩ chuyên ngành tự động hóa tại Viện hàn lâm khoa học Liên Bang Nga.
Ông Nguyễn Thanh Hùng hiện đang là Thành viên Hội đồng tư vấn doanh nghiệp của APEC (ABAC) do Thủ Tướng phê chuẩn. Ông còn là Phó chủ tịch diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản, Uỷ viên Ban chấp hành hội Hữu nghị Việt Nam – Hoa Kỳ. Đồng thời ông cũng là thành viên duy nhất của Doanh Nghiệp Việt Nam tại diễn đàn kinh tế thế giới, và được diễn đàn này họp tại Davos Thụy Sĩ năm 2007 bầu chọn là Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu.
Ông cũng chính là nhà đồng sáng lập của Sovico Holdings – tập đoàn lớn đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực bao gồm: Tài chính ngân hàng, bất động sản, hàng không ở Việt Nam. Và còn là sáng lập viên của VIB và Techcombank.