Nội dung chính
TAM BẢO là gì? (RATANATTAYA)
Tam Bảo là ba ngôi báu cao thượng: Đức Phật (Buddha), Đức Pháp (Dhamma) và Đức Tăng (Saṃgha).
1. ĐỨC PHẬT (Buddha)
Đức Phật Toàn Giác là Bậc tự chính mình đã chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế đầu tiên, không thầy chỉ dạy, chứng đắc Tứ Thánh Đạo, Tứ Thánh Quả, Niết Bàn, diệt tận được tất cả mọi phiền não, tham ái, tiền khiên tật, trở thành bậc Thánh A La Hán đầu tiên trong tam giới chúng sinh, nên gọi là Đức Phật Chánh Đẳng Giác. Đức Phật là một nhân vật lịch sử. Đức Phật không phải là một vị Thượng Đế hay đấng sáng tạo sinh ra muôn loài, cũng không phải là một vị thần, vị trời, đấng tiên tri, đấng cứu thế hay một sứ giả của Thượng Đế như các tôn giáo khác. Đức Phật chỉ là một con người, và bằng nỗ lực của một con người, Ngài trở thành một người có trí tuệ siêu việt. Tất cả mọi người, nếu muốn, đều có thể trở thành một vị Phật như Ngài.
Đức Phật có thể cứu rỗi chúng ta không?
Câu trả lời là “Không”. Nghe câu trả lời “không” có thể bạn chán nản, vì nghĩ rằng Đức Phật không cứu rỗi mình được. Thật ra, không ai có thể cứu rỗi người khác được. Người Giác Ngộ là người đã loại trừ các phiền não trong tâm. Không ai có thể vào trong tâm của người khác lấy phiền não ra giúp họ dù đó là Đức Phật. Cho nên trong Phật Giáo nói một cách xác quyết: “Không ai có thể cứu rỗi được chúng sinh” hay “Không thể cầu xin người nào dứt trừ phiền não cho mình”.
Những gì mà Đức Phật có thể làm là dạy cho chúng ta phương pháp loại trừ phiền não để chúng ta tự cứu mình. Như vậy, Đức Phật chỉ là một vị Thầy hướng dẫn cho mình, và chính mình phải thực hành đúng theo những lời Ngài dạy bằng nỗ lực tự thân. Đức Phật là một vị Thầy có đầy đủ khả năng giúp chúng ta bước trên con đường đúng đắn, thánh thiện, thật sự đưa đến giải thoát,
loại trừ mọi ô nhiễm trong tâm. Để trở thành một vị Phật, chúng sinh ấy trước tiên phải là một vị Bồ Tát có tâm nguyện trở thành Phật bằng sự nỗ lực vượt bậc, phi thường trong một thời gian dài vô tận để tích lũy đủ trọn các Ba La Mật (Những phẩm hạnh cao thượng).
➢ Những phẩm tính đặc biệt của Đức Phật
– Hoàn toàn giác ngộ bằng nỗ lực tự thân, không Thầy chỉ dạy, và có khả năng giáo hóa chúng sinh.
– Tuyệt đối trong sạch, thanh tịnh, không còn phiền não.
– Có thân tướng, công đức, trí tuệ và thần thông xuất chúng, vô thượng.
– Tâm từ bi vô lượng với tất cả chúng sinh.
– Trí tuệ thấu suốt tất cả mọi chúng sinh, mọi sự trong thế gian và vũ trụ từ quá khứ, hiện tại đến tương lai.
– Là bậc đại trí, biết phải dạy cái gì, dạy như thế nào, lúc nào cần dạy và dạy cho ai nên Ngài thuyết Pháp phù hợp với từng căn cơ, bản tính của chúng sinh.
– Nâng cao phẩm giá con người, đối xử bình đẳng, không phân biệt giai cấp, chủng tộc, sang hèn,….
– Khuyến khích kẻ yếu, đoàn kết người chia rẽ, đem ánh sáng đến cho người vô minh tăm tối.
– Không áp đặt, giáo điều hay buộc người khác phải tin tưởng mù quáng vào Ngài và Giáo Pháp.
➢ Ân Đức Phật (Buddhaguṇa)
“Itipi so Bhagavā: Arahaṃ, Sammāsambuddho,
Vijjācaraṇasampanno, Sugato, Lokavidū, Anuttaro
Purisadammasārathi, Satthā devamanussānaṃ, Buddho,
Bhagavā.”
✓ Ý Nghĩa 9 Ân Đức Phật
1- Arahaṃ: Đức A La Hán là Bậc Ứng Cúng cao thượng, có thân, khẩu, ý trong sạch, xứng đáng được thọ nhận sự lễ bái, cúng dường của nhân, thiên.
2- Sammāsambuddho: Đức Phật Chánh Đẳng Giác (Chánh Biến Tri) là Bậc tự chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế đầu tiên, không Thầy chỉ dạy, chứng đắc Tứ Thánh Đạo, Tứ Thánh Quả, Niết Bàn, diệt tận được tất cả mọi phiền não, tham ái, tiền khiên tật, trở thành bậc Thánh A La Hán đầu tiên trong tam giới chúng sinh.
3- Vijjācaraṇasampanno: Đức Minh Hạnh Túc là Bậc có đầy đủ trọn vẹn tam minh và đức hạnh cao thượng.
4- Sugato: Đức Thiện Ngôn là Bậc thuyết Pháp chân chính, đem lại lợi ích thật sự cho chúng sinh.
5- Lokavidū: Đức Thế Gian Giải thông suốt tam giới, thấy biết rõ tất cả các Pháp, các cõi, các loài chúng sinh.
6- Anuttaro purisadammasārathi: Đức Vô Thượng Sĩ là Bậc có đức hạnh không ai sánh bằng, có khả năng tế độ những chúng sinh hữu duyên.
7- Satthā devamanussānaṃ: Đức Thiên Nhân Sư là Bậc Thầy của Chư Thiên, Chư Phạm Thiên, nhân loại, …
8- Buddho: Đức Phật là Bậc có khả năng tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn.
9- Bhagavā: Đức Thế Tôn là Bậc tôn quý trên thế gian, có ân đức đặc biệt và đầy đủ trọn vẹn 30 Ba La Mật.
2. ĐỨC PHÁP (Dhamma)
Đức Pháp có nghĩa là Đạo, Quả và Niết Bàn, những gì Đức Phật đã thực chứng, thấu hiểu vào thời điểm Giác Ngộ, rồi giảng dạy cho chúng sinh hữu duyên được hiểu rõ, thực hành, đạt được sự lợi ích, an lạc trong kiếp hiện tại và vị lai, đặc biệt là chứng ngộ Tứ Thánh Đế, thành tựu Thánh trí, thoát khỏi luân hồi sinh tử. Trong 45 năm hoằng Pháp độ sinh, Đức Phật Gotama (Thích Ca)
đã thuyết rất nhiều bài Kinh, được kết tập lại thành Tam Tạng gồm có Tạng Kinh, Tạng Luật và Tạng Luận, chứa khoảng 84.000 đoạn Kinh. Tuy nhiên, Đức Phật đã tóm lược Giáo Pháp chỉ trong một bài kệ:
“Không làm các điều ác,
Siêng tạo các hạnh lành,
Thanh lọc tâm thanh tịnh,
Là lời chư Phật dạy.”
Ngài dạy chúng ta không những tránh làm những ác nghiệp, hại mình, hại người, mà còn nên cố gắng vun bồi thiện nghiệp, thiện Pháp để lợi mình, lạc người. Hơn thế nữa, để đạt được niềm an vui và hạnh phúc tối thượng, Đức Phật dạy chúng ta phương pháp thanh lọc tâm ý của mình qua tiến trình Giới – Định – Tuệ nhằm đoạn trừ tuần tự ba loại ô nhiễm, phiền não là phiền não tác động, phiền não tư tưởng và phiền não ngủ ngầm.
Bước đầu tiên là Giới (sīla): Giới hạnh trong sạch là căn bản cho mọi tiến bộ tâm linh vì đối trị những phiền não tác động như thân: Không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không uống rượu và các chất say (ChánhNghiệp); Khẩu: không nói dối, không nói lời chia rẽ, thô ác và vô ích (Chánh Ngữ). Ngoài ra, chúng ta còn phải nuôi mạng bằng những nghề nghiệp chân chính, tránh phạm trực tiếp hay gián tiếp Pháp đời, luật Đạo (Chánh Mạng).
Bước thứ hai là Định (sāmadhi): Định là giữ tâm trong sạch, tĩnh lặng trên đề mục Thiền Định (Thiền Chỉ – Samatha) gồm có 3 yếu tố Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Định tâm có chức năng đè nén tạm thời những phiền não tư tưởng trong tâm mà mình hay biết được, ví như lấy đá đè cỏ.
Bước thứ ba là Tuệ (pañña): Tuệ giác là sự hiểu biết bản chất của sự vật, thấy rõ thực tướng Khổ Đau, Vô Thường và Vô Ngã của Vật Chất và Tâm (Danh và Sắc). Nhờ hành Thiền Tuệ (Thiền Minh Sát – Vipassanā), chúng ta sẽ đạt được Tuệ giác (Chánh Kiến, Chánh Tư Duy) thấu hiểu lý Tứ Diệu Đế, diệt trừ tận gốc những phiền não vi tế, ngủ ngầm, tiềm ẩn trong tâm, ví như diệt cỏ tận gốc.
Như vậy, Đức Phật đã chỉ ra con đường phát triểntâm linh là Giới – Định – Tuệ hay Bát Chánh Đạo để đoạn trừ ba loại phiền não trên. Đây là Giáo Pháp giúp chúng ta đạt được hạnh phúc cứu cánh, thoát khỏi khổ đau luân hồi sinh tử.
➢ Ân Đức Pháp (Dhammaguṇa)
“Svākkhāto Bhagavatā Dhammo, Sandiṭṭhiko, Akāliko,
Ehipassiko, Opaneyyiko, Paccattaṃ veditabbo viññūhi.”
✓ Ý Nghĩa 6 Ân Đức Pháp
1- Svākkhāto dhammo: Tam Tạng Pháp Bảo gồm có 10 Chánh Pháp mà Đức Phật giảng dạy hoàn hảo ở phần đầu, phần giữa và phần cuối, có ý nghĩa đầy đủ, rõ ràng.
10 Chánh Pháp là: Gồm 1 Pháp học Chánh Pháp và 9 Pháp siêu tam giới (4 Đạo + 4 Quả + 1 Niết Bàn).
2- Sandiṭṭhiko dhammo: Chánh Pháp mà Chư Thánh Nhân đã chứng đắc, rồi tự thấy biết rõ Pháp.3- Akāliko dhammo: Chánh Pháp là 4 Thánh Đạo ngay sau 1 sát na tâm cho 4 Thánh Quả tương ứng.
4- Ehipassiko dhammo: Chánh Pháp là Pháp của Bậc Thánh thanh tịnh, hãy đến để thấy biết, để thực chứng.
5- Opaneyyiko dhammo: Chánh Pháp là Pháp nên hướng tâm chứng đắc trước tiên, để mong giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài.
6- Paccattaṃ veditabbo viññūhi dhammo: Chánh Pháp mà Chư Bậc Thiện Trí Thánh Nhân đã chứng đắc, rồi tự mình biết rõ và an hưởng Niết Bàn tịch tịnh.
3. ĐỨC TĂNG (Saṃgha)
Đức Tăng là chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, đã lắng nghe Chánh Pháp, rồi thực hành đúng, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Tứ Thánh Đạo, Tứ Thánh Quả và Niết Bàn.
Ngoài ra, Đức Tăng còn có nghĩa là cộng đồng Tăng, Ni và Sadi đang “thực hành theo lời giáo huấn của Đức Phật để đi đến Giác Ngộ”. Dù chưa Giác Ngộ Đạo Quả, nhưng các vị đã giữ gìn những lời dạy của Đức Phật và truyền bá Phật Pháp cho các thế hệ sau. Do đó, chúng ta phải tri ân cộng đồng Tăng Ni, Tu sĩ vì các vị đã bảo tồn, gìn giữ và giảng dạy Phật Pháp cho đến ngày
nay. Như vậy, Đức Tăng là bao gồm các vị Thánh Tăng và Phàm Tăng đã thực chứng, đang tu học, giữ gìn và truyền bá Phật Pháp.
Các Tỳ khưu, Tỳ khưu Ni,… xuất gia đã xả bỏ nhiều việc không cần thiết để có nhiều thời gian hơn người tại gia cư sĩ với mục đích học và hành Phật Pháp. Tăng Ni có nhiều điều kiện thuận lợi hơn cư sĩ trong việc nghiên cứu, học hỏi, thực hành. Nhờ vậy, các Ngài có kiến thức uyên thâm về Pháp Học, thực chứng về Pháp Hành, có khả năng truyền dạy và duy trì Pháp Bảo. Do lòng tri ân đến các Ngài, chúng ta Quy Y Tăng vì Tăng đã chuyên chở Giáo Pháp của Đức Phật. Đó là lý do tại sao chúng ta phải Quy Y Tăng.
Sau gần 2600 năm tồn tại và phát triển, Phật Giáo đã phân chia ra nhiều bộ phái, trong đó có hai bộ phái Phật Giáo chính là Theravāda (Phật Giáo Nguyên Thủy) và Mahāyāna (Phật Giáo Phát Triển).
Chữ Theravāda nghĩa là những lời dạy của các trưởng lão hay các Thượng tọa. Phật Giáo Nguyên Thủy duy trì những lời dạy của Đức Phật dưới hình thức Nguyên Thủy. Có thể hiểu rằng: Những lời dạy nguyên thủy của Đức Phật được tìm thấy trọn vẹn trong Phật Giáo Theravāda. Phật Giáo Nguyên Thủy (Nam Tông) được truyền bá mạnh mẽ và được xem là quốc giáo ở các nước phía nam Ấn Độ như Miến Điện (Myanmar), Tích Lan (SriLanka), Thái Lan, Campuchia, Lào,… Ngoài ra, Phật Giáo Nguyên Thủy cũng tồn tại và phát triển ở Nepal và Việt Nam. Việt Nam là xứ duy nhất có cả Phật Giáo Phát Triển và Phật Giáo Nguyên Thủy. Các nước phía bắc Ấn Độ được truyền thừa Phật Giáo Phát Triển (Bắc Tông) như Tây Tạng, Butan, Mông Cổ, Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản,…. Hiện nay, với tinh thần tìm cầu giác ngộ mạnh mẽ, có rất nhiều hành giả từ các nước trên thế giới đã bỏ qua hình thức tôn giáo và tông phái của mình, đến các nước Phật Giáo Nam Tông (Miến Điện, Thái Lan,…) để nghiên cứu và tu học theo đúng tinh thần Chánh Pháp.
➢ Ân Đức Tăng (Saṃghaguṇa)
“Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho,
Ujuppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho,
Ñāyappatipanno Bhagavato sāvakasaṃgho,
Sāmīcippaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.
Yadidaṃ cattāri purisayugāni, Aṭṭha purisapuggalā, Esa
Bhagavato sāvakasaṃgho, Āhuneyyo, Pāhuneyyo,
dakkhiṇeyyo, añjalikaraṇīyo, anuttaraṃ puññakkhettaṃ
lokassa.”
✓ Ý Nghĩa 9 Ân Đức Tăng
1- Suppaṭipanno: Chư Thánh Tăng là đệ tử của Đức Phật, đã thực hành đúng theo Giáo Pháp.
2- Ujuppaṭipanno: Chư Thánh Tăng là đệ tử của Đức Phật, đã thực hành đúng theo Pháp hành trung đạo.
3- Ñāyappaṭipanno: Chư Thánh Tăng là đệ tử của Đức Phật, đã thực hành theo Pháp hành Bát Chánh Đạo chứng ngộ Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi.
4- Sāmīcippaṭipanno: Chư Thánh Tăng là đệ tử của Đức Phật, đã thực hành Giới – Định – Tuệ đúng đắn. Cattāri purisayugāni aṭṭha purisapuggalā, esa Bhagavato sāvakasaṃgho: Chư Thánh Tăng là đệ tử của Đức Phật có 4 đôi, chia thành 8 bậc Thánh. Chư Thánh Thanh Văn Đệ Tử Có 4 Đôi
− Nhập Lưu Thánh Đạo → Nhập Lưu Thánh Quả
− Nhất Lai Thánh Đạo → Nhất Lai Thánh Quả
− Bất Lai Thánh Đạo → Bất Lai Thánh Quả
− A La Hán Thánh Đạo → A La Hán Thánh Quả
5- Āhuneyyo: Chư Thánh Tăng là đệ tử của Đức Phật, xứng đáng thọ nhận tứ vật dụng mà thí chủ phương xa cúng dường đến quý Ngài, để mong có quả báu lớn.
6- Pāhuneyyo: Chư Thánh Tăng là đệ tử của Đức Phật, xứng đáng thọ nhận tứ vật dụng mà thí chủ dành cho những vị khách quý như quý Ngài.
7- Dakkhiṇeyyo: Chư Thánh Tăng là đệ tử của Đức Phật, xứng đáng thọ nhận tứ vật dụng mà thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, đem dâng cúng đến quý Ngài, để mong được quả báu tốt.
8- Añjalikaraṇīyo: Chư Thánh Tăng là đệ tử của Đức Phật, xứng đáng cho chúng sinh cung kính lễ bái.
9- Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa: Chư Thánh Tăng là đệ tử của Đức Phật là phước điền cao thượng của chúng sinh không đâu sánh được.