Khi tu học Phật Pháp, chúng ta cần phải hiểu về cuộc đời của Đức Phật một cách chuẩn xác để biết rõ Ngài đã nỗ lực, hy sinh ra sao mà trở thành một vị Phật. Như thế, chúng ta sẽ càng khâm phục, trân trọng việc học và hành theo những lời dạy của Ngài hơn.
Nội dung chính
1. Đời sống vương giả
Nhằm ngày trăng tròn tháng năm, năm 624 trước Dương Lịch, trong vườn Lumbinī (Lâm Tỳ Ni), tại thành Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ), bên ranh giới Ấn Độ của xứ Nepal ngày nay, có hạ sinh một Thái Tử mà về sau trở thành vị Giáo chủ vĩ đại nhất trên thế gian. Cha của Ngài là Đức Vua Suddhodana (Tịnh Phạn) thuộc quý tộc Sakya (Thích Ca) và mẹ là Hoàng Hậu Mahāmayā (Ma Da). Sau khi hạ sinh Thái Tử được 7 ngày, Hoàng Hậu quy thiên nên Thái Tử được dì ruột là Hoàng Hậu Mahāpajāpati Gotami dưỡng dục.
Thuở ấy, có một Đạo sĩ tên Asita (A Tư Đà hay Kāḷadevila) là người thân tín của nhà Vua, đã chứng đắc bát thiền và ngũ thông, hoan hỷ đến thăm Thái Tử ngay chiều hôm đó. Với 32 tướng tốt của bậc đại nhân và 80 vẻ đẹp trên người, Thái Tử được ông tiên tri rằng về sau Ngài sẽ trở nên bậc vĩ nhân cao quý nhất của nhân loại. Khi đó, Đạo sĩ cười rồi lại khóc. Ông cười vì hoan hỷ biết rằng về sau Thái Tử sẽ là vị Phật Chánh Đẳng Giác, và ông khóc vì biết mình không được phước lành thọ giáo với Đấng Toàn Giác.
Khi được năm ngày tuổi, Đức Vua đặt tên cho Ngài là Siddhattha (Sĩ Đạt Ta), có nghĩa là người được toại nguyện. Gotama (Cồ Đàm) là họ của Ngài. Trong buổi lễ đặt tên này, có tám vị đặc biệt lỗi lạc nhất nước tham dự. Trong đó, có bảy vị tiên đoán tương lai Thái Tử sẽ trở thành vị Chuyển Luân Thánh Vương trị vì thiên hạ hoặc là Bậc Toàn Giác đem đến lợi lạc cho chúng sinh. Nhưng vị Đạo sĩ trẻ tuổi, thông minh nhất trong tám vị là Koṇḍañña (Kiều Trần Như) lại quả quyết rằng ngày kia nhất định Thái Tử sẽ trở thành Đức Phật Toàn Giác.
Vào ngày lễ hạ điền được Đức Vua tổ chức để khuyến khích nông dân tăng gia sản xuất hằng năm, Thái Tử ngồi kiết già, trầm ngâm lặng lẽ, chú tâm vào hơi thở vào, hơi thở ra và chứng đắc Sơ Thiền. Sự kiện này là một kinh nghiệm tinh thần, là chìa khoá mở đường cho Ngài tiến đến giác ngộ sau này. Dù Kinh sách không ghi chép rõ, Thái Tử chắc chắn đã hấp thụ một nền giáo dục vững chắc từ các Thầy Bà la môn lỗi lạc đương thời. Ngài cũng thuộc dòng dõi chiến sĩ nên chắc chắn phải lão thông binh pháp và võ nghệ cao cường.
Khi lên 16 tuổi, Thái Tử kết duyên cùng Công Chúa Yasodharā (Da-Du-Đà-La), một người em cô cậu cùng tuổi với Ngài. Vì không muốn Thái Tử xuất gia tu Đạo, Đức Vua đã sắp xếp mọi chuyện để Ngài hưởng thụ đời sống xa hoa trong 13 năm, nên không biết chi đến nỗi thống khổ của nhân loại bên ngoài cung điện.
Tuy nhiên, theo thời gian, Thái Tử càng trưởng thành, ánh sáng chân lý càng rọi rõ sự vật cho Ngài. Với bẩm tính trầm tư, mặc tưởng và lòng từ bi vô hạn, Ngài không yên vui, an hưởng những lạc thú nơi vương giả, mà luôn suy nghiệm bản chất của đời sống và thương cảm với nỗi khổ đau của nhân loại bên ngoài cung điện. Sống trong nhung lụa mà Ngài nhận định được rằng đời là đau khổ. Thái Tử thường suy niệm như sau: “Chính ta phải chịu cảnh sinh, già, bệnh, chết, phiền não, nhiễm ô. Tại sao ta vẫn còn mải mê chạy theo những dục lạc có bản chất vô thường như vậy? Hay ta thử tìm những gì là hạnh phúc tối thượng và tuyệt đối: Niết Bàn!”
Chuyện gì cần tới sẽ tới, khi những lần du ngoạn ngoại thành, Thái Tử đã trực tiếp đối diện sự thật phũ phàng của đời sống. Với cặp mắt quan sát tinh tường, Ngài đã nhận thấy một cụ già chân mỏi gối chùng, một người bệnh hoạn đau khổ, một thây ma hôi thúi và một Đạo sĩ nghiêm trang, khả kính. Ba cảnh: già, bệnh và chết, hùng hồn xác nhận quan điểm của Ngài về khổ đau của nhân loại. Hình ảnh thong dong, tự tại của nhà tu thoáng cho Ngài hé thấy con đường giải thoát, con đường an vui, hạnh phúc thật sự. Bốn quang cảnh bất ngờ ấy càng thúc giục Ngài ghê tởm dục lạc và sớm thoát ly thế tục.
Giữa lúc ấy, Công Chúa Yasodharā vừa hạ sinh một hoàng nam. Với thế gian, đó là một tin lành. Nhưng với Ngài, đó là vừa là niềm vui, cũng vừa là ràng buộc. Do đó, Đức Vua Tịnh Phạn đặt tên cháu nội là Rāhula (La Hầu La) nhằm níu kéo bước chân xuất thế của Thái Tử.
2. Xuất gia tìm đạo
Đời sống vương giả không còn thích hợp với một vị Phật tương lai. Với một tâm hồn trầm tư, mặc tưởng như Thái Tử, cung điện nguy nga không còn là nơi thích đáng.
Cả đến người vợ trẻ đẹp lẫn đứa con thơ dễ mến cũng không làm sờn chí ý định từ bỏ thế gian. Ngài ra đi với nguyện vọng hóa độ chúng sinh hữu ích hơn là phận sự của một người chồng, người cha, hay chí đến là nhiệm vụ của một vị Chuyển Luân Thánh Vương. Cung vàng, điện ngọc không còn sức quyến rũ. Ngài không tìm thấy thích thú trong đời sống vương giả. Giờ ra đi đã điểm!
Trước khi rời cung điện, Thái Tử đến phòng nhìn vợ con. Ngài muốn bước vào ôm con vào lòng, nựng nịu và hôn con, nhưng lại sợ vợ thức dậy mà không đành lòng ra đi. Cho nên, Ngài chỉ khẽ hé cửa nhìn vợ con đang yên giấc với một tấm lòng từ ái nhưng bình thản, không dao động, không lưu luyến. Tình thương với vợ con thật mặn nồng sâu sắc. Nhưng với nhân loại trầm luân đau khổ, lòng trắc ẩn của Ngài lại càng thăm thẳm vô ngần. Ra đi, Ngài không lo sợ cho tương lai của công chúa và hoàng tử, vì biết chắc chắn rằng vợ con sẽ có đầy đủ tiện nghi, an ổn và sung sướng. Ra đi, không phải vì kém tình yêu vợ, thương con, mà vì tình thương của Ngài mở rộng cho mọi người, bao trùm tất cả nhân loại và chúng sinh.
Với một tâm hồn thanh thoát, Thái Tử ra đi giữa đêm khuya, để lại sau lưng tất cả đền vàng điện ngọc, người cha yêu quý, vợ đẹp, con thơ, và cả một tương lai huy hoàng rực rỡ. Ngài trốn ra khỏi thành và giục ngựa thẳng xông trong đêm tối cùng với Channa (Xa Nặc), người đánh xe trung thành. Không tiền của, không cửa nhà, nay đây mai đó, Ngài bắt đầu lần bước trên đường tìm cầu Chân Lý An Tĩnh. Thế là Ngài từ bỏ đời sống thế tục năm 29 tuổi, vào nửa đêm trăng tròn tháng sáu âm lịch.
Đây không phải là sự từ bỏ của một cụ già đã trải qua hầu hết cuộc đời của mình, hay của người bần cùng nghèo đói không còn gì để bỏ lại phía sau, mà là sự khước từ của một Thái Tử vinh quang giữa thời niên thiếu, trong cảnh ấm no, sung túc và thịnh vượng. Một sự thoát ly chưa từng có trong lịch sử.
Đến sáng hôm sau, Ngài dừng lại trên bờ sông Anoma, tự cạo râu tóc và trao y phục lại cho Channa đem về. Khoác lên mình tấm y vàng, Thái tử tự nguyện sống đời Tu sĩ, sẵn sàng chấp nhận mọi thiếu thốn vật chất. Từ một Thái tử giàu sang vinh hiển tột bậc, Ngài trở thành ẩn sĩ nghèo nàn, không tiền, không của, không cửa, không nhà, sống nhờ vào lòng từ bi của thập phương bá tánh.
Ngài không ở nơi nào cố định mà ẩn dật nơi tàng cây bóng mát, hoặc hang đá hoang vu che mưa, che nắng. Đầu trần, chân đất, Ngài đi trong ánh nắng nóng bức, trong sương mờ gió lạnh với mảnh vải che thân mong manh, cũ kỹ.
Là người khao khát tìm cầu chân lý, Đức Bồ Tát lần lượt tu học với Đạo sĩ Alarama Kalama (đắc Vô Sở Hữu Xứ thiền) và Đạo sĩ Uddaka Rāmaputta (đắc Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiền), và chứng đạt ngang bằng với hai vị Thầy lỗi lạc nhất Ấn Độ thời đó chỉ trong thời gian ngắn. Dù được các Thầy giao phó dẫn dắt đồ chúng, nhưng khi nhận thấy định tâm hiện có chỉ đè nén phiền não tạm thời mà không thể đoạn trừ nhiễm ô rốt ráo, Ngài quyết chí ra đi, tự mình tìm kiếm con đường giải thoát.
“Chân lý và an bình chỉ tìm được ở bên trong chúng ta!”
Cuối cùng, Ngài đến khu rừng Uruvelā đẹp đẽ, an tịnh, bên bờ sông Nerañjarā (Ni Liên Thiền), thích hợp cho việc tu Đạo. Nơi đây, có nhóm 5 Tu sĩ: Ngài Koṇḍañña (Kiều Trần Như), Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji xin theo hộ độ Đức Bồ Tát. Sau đó, Ngài tinh tấn thực hành khổ hạnh vì đây là lối tu được nhiều người ưa chuộng bấy giờ. Ngài thực hành phương pháp nín thở vào, nín thở ra bằng miệng và mũi, đồng thời hạn chế tối đa việc ăn uống. Lúc bấy giờ, Ma Vương muốn làm Bồ Tát nản lòng tu tập, bèn đến nói với Ngài: “Ngươi sắp chết rồi, bây giờ ngươi quá ốm yếu. Trên thế gian này còn có rất nhiều thú vui để hưởng thụ, dại dột chi mà hành khổ hạnh như thế này”. Nhưng với quyết tâm dũng mãnh Bồ Tát đã cảm thắng Ma Vương, vẫn tiếp tục tu hành khổ hạnh.
Sau 6 năm khổ hạnh gian nan cùng cực, thân thể Ngài dần dần yếu ớt đến nỗi chỉ còn da bọc xương mà tâm linh không chút gì tiến bộ. Vì vậy, Ngài quyết định từ bỏ Pháp tu sai lầm này.
3. Chứng ngộ Phật Quả
Hồi tưởng lại trạng thái an lạc của định Sơ thiền khi còn thơ ấu trong lễ hạ điền, Đức Bồ Tát xác quyết rằng đây là con đường giải thoát đúng đắn. Với thân thể xác xơ, tâm trí không thể nào sáng suốt, nên Ngài bắt đầu ăn uống trở lại để cơ thể phục hồi. Khi đó, năm vị tu sĩ thân cận nghĩ Ngài chuyển sang đời sống lợi dưỡng, nên bất mãn bỏ đi, đến vườn Lộc Giả (Vườn Nai). Trong giờ phút quan trọng đó, sự hỗ trợ bên ngoài thật vô cùng cần thiết.
Vậy mà những người bạn đồng tu lại bỏ ra đi. Nhưng không vì thế mà ngã lòng, Ngài một mình vững bước trong cảnh cô đơn, giữa chốn rừng xanh sâu thẳm.
Sau khi thọ thực xong bát cháo của cô Sujātā, dưới cội cây cổ thụ, Đức Bồ Tát phát nguyện: “Dù cho máu có cạn, thịt có khô, da bọc xương; ta cũng không rời khỏi chỗ này cho đến khi giác ngộ”. Lúc bấy giờ, vào khoảng hoàng hôn, Ma Vương đến gặp Bồ Tát một lần nữa với đội binh ma hùng mạnh của mình. Ma Vương muốn làm cho Bồ Tát sợ hãi rời khỏi chỗ ngồi, nhưng Bồ Tát vẫn không lay chuyển. Cuối cùng, Ma Vương thất bại và Bồ Tát tiếp tục hành thiền để đạt đến quả Phật.
Trong canh đầu đêm rằm tháng tư (âm lịch), Ngài thực hành chánh niệm trên hơi thở và lần lượt chứng đạt Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền. Dựa trên nền tảng định tâm trong sạch, thanh tịnh và vững chắc, Ngài hướng tâm đến vô lượng kiếp sống quá khứ và biết rõ mình đã sinh ra ở đâu, làm gì, chết đi về đâu… Vậy Ngài đã phá tan lớp vô minh về quá khứ, chứng nghiệm Túc Mạng Minh.
Sang canh giữa đêm, Ngài hướng tâm đến hiện tượng tử sinh của chúng sinh, rồi chứng nghiệm Thiên Nhãn Minh, phá tan lớp vô minh về tương lai, thấy được tất cả chúng sinh do duyên nghiệp gì mà tử kiếp này, sinh kiếp kia và tương lai họ ra sao như cảnh tượng hiện ra trước mắt. Đây là Định Luật Nhân Quả Nghiệp Báo, quy luật tự nhiên mà chính Bồ Tát thực chứng trước khi Ngài thành Phật chứ không phải lý luận, tư duy hay sáng tạo.
Vào canh cuối đêm, khi đã phá bỏ lớp vô minh về tương lai và quá khứ, Ngài thực hành thiền Minh Sát (Vipassanā), quán sát Thập Nhị Nhân Duyên tới lui và chứng nghiệm Lậu Tận Minh, loại trừ tất cả phiền não trong tâm. Ngài đã chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế đầu tiên, không thầy chỉ dạy, chứng đắc Tứ Thánh Đạo, Tứ Thánh Quả, Niết Bàn rốt ráo, trở thành bậc Thánh Đại A La Hán cao thượng đầu tiên lúc bình minh trong rừng Uruvelā, vào năm 589 trước Tây Lịch, khi Ngài 35 tuổi.
4. Chuyển Pháp Luân
Sau khi trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác Gotama (Gotama là họ của Ngài), Đức Thế Tôn dành 7 tuần lễ (49 ngày) ngụ quanh cội cây Bồ Đề để tri ân, an hưởng hạnh phúc Niết Bàn và quán xét về các Pháp siêu tam giới. Cảm nhận Giáo Pháp chứng ngộ quả thật thâm sâu, vi diệu mà chúng sinh bình thường khó lãnh hội nên Ngài chưa quyết định hoằng Pháp độ sinh. Biết vậy, Đại Phạm Thiên Sahampati cùng thiên chúng xuống đảnh lễ và cung thỉnh Đức Thế Tôn thuyết Pháp, tế độ chúng sinh đúng theo truyền thống ba đời Chư Phật.
Sau 49 ngày không ăn uống, khi ngồi dưới một cội cây, Ngài được hai anh em thương buôn người Miến Điện (Myanmar) là Tapussa và Bhallika đến đảnh lễ và cúng dường vật thực. Sau đó, họ quy y Nhị Bảo (Phật và Pháp) và kính xin báu vật tôn thờ. Đức Phật từ bi ban cho họ 8 sợi xá lợi tóc đem về nước, mà đến nay còn được tôn thờ tại Đại Tháp Shwedaghon (Myanmar).
Chấp nhận lời thỉnh cầu của thiên chúng, Đức Phật dùng Phật nhãn quán chiếu thấy rõ chúng sinh hữu duyên cần hóa độ đầu tiên là năm Ngài Kiều Trần Như (Koṇḍañña). Trên đường đến Vườn Nai hoằng Pháp, Ngài đã gặp Đạo sĩ Upaka. Tuy chưa được Đạo sĩ tin tưởng, nhưng đây là cơ hội để Đạo sĩ biết đến Ngài, rồi sau này tìm đến Ngài xin tu học và đắc Quả A La Hán.
Hai tháng sau khi giác ngộ, Đức Thế Tôn đến Vườn Nai, thuyết thời Pháp đầu tiên (Kinh Chuyển Pháp Luân – Dhammacakkappavattana Sutta) đề cập đến Tứ Diệu Đế, giúp cho năm vị lần lượt chứng đạt Thánh Quả đầu tiên, Tu Đà Hoàn. Năm ngày sau, khi nghe Đức Phật giảng Kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakhaṇa Sutta), nói đến Pháp Vô Ngã, tất cả 5 vị đều đắc Thánh Quả A La Hán.
5. Bốn mươi năm năm hoằng Pháp của Đức Phật
Theo thông lệ của Chư Phật, Đức Thế Tôn thường du hành khắp mọi nơi, thuyết Pháp tế độ những chúng sinh hữu duyên. Khi đến mùa an cư nhập hạ (4 tháng mùa mưa từ 16/6 – 16/10), Ngài sẽ an trú một nơi nào đó suốt 3 tháng mùa mưa để dạy chư tứ chúng tu học.
✓ Hạ đầu tiên:
Ngài tế độ nhóm năm Ngài Kiều Trần Như, Công tử Yasa cùng với 54 người bạn chứng đạt Thánh Quả A La Hán. Sau khi mãn hạ, Đức Phật và 60 vị, mỗi người một đường, ra đi khắp nơi, thuyết Pháp độ sinh.
✓ Hạ đầu thứ hai, thứ ba, thứ tư:
Đức Phật đã hóa độ nhóm các Vương tử 30 người, ba anh em Ngài Kassapa (Ca Diếp) cùng 1000 đệ tử theo Đạo thờ thần lửa và Đức Vua Bimbisāra (Vua Tần-Bà-SaLa, nước Magadha – Ma Kiệt Đà). Đức Phật được Vua dâng cúng Tịnh Xá Trúc Lâm (Veḷuvana).
Nhờ nghe tôn giả Assaji (nhóm 5 vị Kiều Trần Như) đọc vài câu kệ về Pháp duyên sinh, duyên diệt, Ngài Sāriputta (Xá Lợi Phất) đắc Quả vị Tu Đà Hoàn và sau đó kể lại, giúp Ngài Mahāmoggallāna (Mục Kiền Liên) cũng đạt Thánh Quả này. Khi Pháp nhãn được khai mở, hai vị dẫn 250 học trò của Đạo Sư Sañcaya đến đảnh lễ Đức Phật, xin xuất gia. Được nghe Đức Phật thuyết Pháp, tất cả 250 vị Tỳ Khưu ấy đắc Quả vị A La Hán.
Bảy ngày sau, Ngài Mahāmoggallāna đắc Quả A La Hán, có thần thông đệ nhất.
Mười năm ngày sau, Ngài Sāriputta trở thành vị A La Hán, có trí tuệ đệ nhất. Hai vị chính là Thượng Thủ Thanh Văn giúp Phật giáo hóa Tăng Đoàn.
Một năm sau khi Giác Ngộ, Đức Phật cùng hơn 20.000 vị A La Hán trở về Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ) hóa độ gia đình và thân quyến. Sau khi lắng nghe Chánh Pháp, Đức Vua Suddhodana (Tịnh Phạn) đạt Thánh Quả A Na Hàm và Hoàng Hậu Mahāpajāpati Gotami đạt Thánh Quả Tu Đà Hoàn. Rồi có nhiều Vương tử xuất gia theo Phật như Ngài Nanda, Ananda, Anuruddha, Bhaddiya, Kimbila, Rāhula, Devadatta.
✓ Hạ thứ năm:
Nghe tin Đức Vua Suddhodana trọng bệnh, Đức Phật từ thành Vesali (Vệ Xá) trở về thuyết Pháp cho Đức Vua đắc Quả A La Hán.
Sau 7 ngày nhập Diệt Thọ Tưởng Định, an hưởng Quả vị, Đức Vua nhập Niết Bàn.
Sau ba lần Đức Phật từ chối, với quyết tâm mãnh liệt, Hoàng Hậu Maha Pajapati Gotami và Công ChúaYasodharā cùng 500 mệnh phụ phu nhân tộc Sakya (Thích Ca) và Koliya, xuống tóc, đắp y vàng, đi bộ từ thành Kapilavatthu đến Vesali tiếp tục xin Đức Phật cho xuất gia. Với sự hỗ trợ của Đại Đức Ananda, tất cả được phép xuất gia và thành lập Giáo Hội Tỳ Khưu Ni.
✓ Hạ thứ sáu:
Đức Phật cùng Tăng Đoàn an cư tại núi Makula, nước Magadha. Vì sự thử thách của ông phú hộ thành Rājagaha, Trưởng lão Piṇḍolabhāradvāja biểu diễn thần thông trước dân chúng. Đức Phật đã quở trách Ngài và cấm Tăng Ni thi triển thần thông cho người tại gia xem.
✓ Hạ thứ bảy:
Đức Phật thuyết Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) suốt 3 tháng ở cung Trời Đao Lợi để tế độ Phật Mẫu cùng thiên chúng. Thiên nam Santussita (tiền thân là Hoàng Hậu Mahāmayā) từ Cung Trời Tusita (Đâu Suất) xuống nghe Pháp, đắc Thánh Quả Nhập Lưu. Còn 800 tỷ Chư Thiên, Phạm Thiên khác đạt Thánh Quả tùy duyên mỗi vị.
Trong lúc thuyết Pháp ở đây, mỗi ngày Đức Phật phân thân trở về địa cầu tóm tắt các Pháp thoại cho Trưởng Lão Sariputta (Xá Lợi Phất) giảng rộng ra để 500 vị đệ tử thuộc lòng, mà sau này được kết tập thành Tạng Vi Diệu Pháp trong Tam Tạng.
✓ Hạ thứ tám:
Đức Phật cùng Chư Tăng an cư kiết hạ tại khu rừng Bhesakaḷavana và hóa độ dân ở thành Susumāragira.
✓ Hạ thứ chín:
Tại thành Kosambi, do tự tạo mối hận thù sâu sắc với Đức Phật trước đó, Bà Māgandhiyā (Hoàng Hậu của Vua Udena) đút lót, xúi giục người mắng chửi và xua đuổi Đức Phật ra khỏi thành. Đức Phật nhân cơ hội dạy Đại Đức Ananda hành Pháp nhẫn nại, chịu khó.
✓ Hạ thứ mười:
Hai nhóm Tỳ Khưu (Nhóm giỏi Kinh và nhóm giỏi Luật) ở xứ Kosambi cãi nhau. Đức Phật khuyên giải nhưng họ không chịu hòa giải, nên Ngài vào rừng Pālileyyaka, an cư một mình suốt 3 tháng mùa mưa, dưới sự hầu cận của một chú voi và một chú khỉ.
✓ Hạ thứ mười một:
Đức Phật cùng Tăng Đoàn an cư tại chùa Dakkhiṇagiri, tế độ ông Bà La Môn Kasibhāradvāja.
✓ Hạ thứ mười hai:
Sau khi nghe Pháp và quy y Tam Bảo, một Bà La Môn cung thỉnh Đức Phật cùng Tăng Đoàn an cư tại xứ Verañjā. Bất hạnh thay, ngay lúc ấy tại Veranja có nạn đói. Do đó, Đức Phật và chư Tăng chấp nhận, bình thản dùng cơm nấu từ gạo đỏ (thức ăn của ngựa) do một người lái ngựa dâng cúng. Thời gian này, Ngài Xá Lợi Phất xin Đức Phật ban hành Giới Luật Tỳ Khưu (Patimokkha) để duy trì Giáo Pháp, nhưng chưa được.
✓ Hạ thứ mười ba:
Đức Phật an cư tại trên núi Cāliya, tế độ Tỳ Khưu Meghiya (thị giả của Ngài) chứng Thánh Quả A La Hán.
✓ Hạ thứ mười bốn:
Đức Phật an cư tại chùa Jetavana (Kỳ Viên) của ông phú hộ Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc), gần thành Sāvatthi.
Lúc này, Sadi Rāhula (La Hầu La, con của Ngài) đủ 20 tuổi, được thọ Giới Tỳ Khưu do Ngài Sāriputta (Xá Lợi Phất) làm Thầy tế độ. Sau khi được Đức Phật chỉ dạy, Ngài Rāhula tu tập đạt Thánh Quả A La Hán.
✓ Hạ thứ mười lăm:
Dưới sự hộ độ của Đức Vua Mahānāma thuộc dòng họ Sakya (Thích Ca) và dân chúng thành Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ), Đức Phật và Tăng Đoàn an cư tại chùa Nigrodhārāma gần kinh thành. Do sự bất kính, không nhường đường cho Đức Thế Tôn, với nghiệp lực nặng này, Đức Vua Suppabuddha (Thiện Giác) chết thảm.
Trước đó, Đức Vua Suppabuddha (Thiện Giác) đã oán giận Bồ tát Siddhattha (Sĩ Đạt Ta) xuất gia, rời bỏ con gái vua (Công Chúa Yasodhara).
✓ Hạ thứ mười sáu:
Đức Phật tế độ quỷ Alavaka (Dạ Xoa hung dữ hơn cả Ma Vương, nổi tiếng ăn thịt người) chứng Thánh Quả Nhập Lưu (Tu Đà Hoàn). Sau đó, Đức Phật an cư tại tháp Aggāḷava trong xứ Āḷavī để tế độ Đức Vua Āḷavaka cùng dân chúng trong xứ.
✓ Hạ thứ mười bảy:
Đức Phật và Chư Tăng an cư tại chùa Veḷuvana (Tịnh Xá Trúc Lâm) gần thành Rājagaha, nước Magadha.
✓ Hạ thứ mười tám và mười chín:
Sau khi thuyết Pháp độ sinh khắp nơi, đến mùa mưa, Đức Phật và Tăng Đoàn đến núi Cāliya an cư.
✓ Hạ thứ hai mươi:
Từ trước đến nay, dù có nhiều vị thị giả phục vụ nhưng chưa có vị nào làm Đức Thế Tôn thực sự hài lòng.
Cho nên, khi an cư tại chùa Veḷuvana, Đại Đức Ānanda được mọi người đề cử làm thị giả thường trực chăm sóc chu đáo cho Đức Phật .
✓ Hạ thứ hai mươi mốt đến hạ thứ bốn mươi bốn
Kể từ hạ thứ 21 đến hạ thứ 44, Đức Phật trở lại thành Sāvatthi (Xá Vệ) an cư tại chùa Jetavana (Kỳ Viên Tự do trưởng giả Anāthapiṇḍika – Cấp Cô Độc dâng cúng) hoặc chùa Pubbārāma (do Bà Visākhā dâng cúng). Nơi đây, các đại thí chủ như Đức Vua Pasenadi (Vua Ba Tư Nặc, nước Kosala), ông Anāthapiṇḍika, Bà Visākhā cùng dân chúng có đức tin Tam Bảo trong sạch, luôn hoan hỷ bố thí cúng dường tứ vật dụng đến Tăng Đoàn.
✓ Hạ thứ bốn mươi lăm:
Hạ cuối cùng, Đức Phật an cư và lâm trọng bệnh tại làng Veḷuvagāma, gần thành Vesālī. Nhờ nhẫn nại chịu thọ khổ và nhập A La Hán Quả định, hưởng an lạc Niết Bàn, bệnh tình của Ngài được thuyên giảm nhiều.
6. Đời Sống Hằng Ngày Của Đức Phật
Đức Phật là vị Giáo chủ hoạt động tích cực, đầy nhiệt huyết nên luôn bận rộn hoằng Pháp cả ngày theo lịch trình nền nếp. Đời sống bên trong là hành thiền, tĩnh tâm và an hưởng hạnh phúc Niết Bàn, bên ngoài là phục vụ vị tha, chuyển hóa phẩm hạnh của chúng sinh. Chính Ngài tự giác, rồi tận lực cố gắng giác ngộ người khác. Hoạt động hằng ngày của Đức Phật chia làm 5 thời: Buổi sáng, trưa và tối: canh đầu, canh giữa và canh cuối.
a. Buổi sáng
Mỗi sáng sớm, Đức Phật dùng Phật nhãn quan sát thế gian, xem có ai cần Ngài tế độ hay không. Nếu có, Ngài tự ý đến hóa độ người ấy bằng cách đi bộ hay dùng thần thông. Hằng ngày, nếu không có thỉnh trai Tăng, Đức Phật đi khất thực trên các nẻo đường một mình, hoặc với Chư Tăng bằng cách im lặng đứng trước cửa từng nhà một, chờ thí chủ hoan hỷ sớt thức ăn vào bát, rồi trở về chùa.
Cho đến năm 80 tuổi, dù đau ốm bất thường, nhưng Ngài vẫn khất thực. Đức Phật thọ thực trước giờ ngọ (12h trưa), rồi thuyết một bài Pháp ngắn cho đại chúng. Sau đó, Ngài ban lễ quy y Tam Bảo, truyền giới, cho xuất gia cũng như hướng dẫn đại chúng tu tập.
b. Buổi trưa
Sau khi chỉ dạy, khuyến khích tứ chúng, Ngài về hương thất, nằm nghiêng bên phải nghỉ ngơi một lát. Lúc dậy, Ngài nhập Đại Bi Định, rồi dùng Phật nhãn quan sát và chỉ dạy cho các vị hữu duyên. Trong thời Pháp chiều, vì biết rõ tâm tánh mỗi chúng sinh nên Ngài thuyết nội dung phù hợp với từng người bằng những thí dụ, hình ảnh hay ngụ ngôn thực tế, gần gũi, khiến cho mỗi người đều nghĩ rằng bài Pháp này đặc biệt hướng về mình.
Với người hạng thấp và trung, Ngài dạy về hạnh bố thí, trì giới và hạnh phúc thiên giới. Với người tiến bộ hơn, Ngài nói đến sự nguy hại của thú vui vật chất và đề cao hạnh phúc của sự khước từ, buông xả và thoát ly. Với các vị có trình độ cao thượng, Ngài giảng về Pháp Tứ Diệu Đế. Trong vài trường hợp hiếm hoi như trường hợp của Tướng cướp Angulimala và Quý Phi Khema, Ngài dùng oai lực thần thông để hóa độ các vị chứng ngộ.
c. Canh đầu đêm:
Từ 6 giờ đến 10 giờ đêm, Ngài dành riêng cho các Tỳ Khưu hỏi về Giáo Pháp, xin đề mục hành thiền và lắng nghe thuyết giảng.
d. Canh giữa đêm
Từ 10 giờ đến 2 giờ khuya, chư Thiên và chư Phạm Thiên từ các cảnh Trời đến hỏi Ngài về Giáo Pháp.
e. Canh cuối
Từ 2 giờ đến 3 giờ, Ngài đi kinh hành. Từ 3 giờ đến 4 giờ, Ngài nằm định thần, nghiêng về bên phải. Từ 4 giờ đến 5 giờ, Ngài nhập Đại Bi Định, rải tâm từ đến tất cả chúng sinh, và dùng Phật nhãn quán xem có ai cần tế độ.
7. Những Ngày Tháng Cuối Cùng của Đức Phật
Sau 3 tháng hạ, Đức Thế Tôn cùng Tăng Đoàn trở lại thành Sāvatthi, ngự tại chùa Jetavana. Trưởng lão Sāriputta (Xá Lợi Phất) xin phép Đức Phật cho về nhà ở làng Nālākagāma (nước Magadha) để hóa độ thân mẫu và nhập Niết Bàn tại đây. Rồi Đức Phật cùng Tăng Đoàn đến thành Rājagaha (nước Magadha), ngự ở chùa Veḷuvana. Khi Trưởng lão Mahāmoggallāna (Mục Kiền
Liên) trú tại làng Kaḷasilā, xứ Magadha, nhóm ngoại đạo thuê bọn cướp vây đánh Ngài. Sau nhiều lần tránh né, Ngài suy xét thấy nghiệp cũ chín muồi, cho quả tịch diệt nên nhẫn chịu cho bọn cướp đánh tan xương nát thịt. Sau khi chúng bỏ đi, Ngài dùng thần thông phục hồi thân tướng như cũ, rồi bay về đảnh lễ Đức Thế Tôn và nhập Niết Bàn.
Lễ hỏa táng Ngài Mahāmoggallāna xong, Đức Phật cùng Tăng Đoàn đến thành Vesālī. Tại đây, trước lời thỉnh cầu của Ma Vương, Đức Phật tuyên bố 3 tháng nữa sẽ nhập diệt và giảng 37 phẩm trợ đạo cho đại chúng.
Trên đường từ thành Vesālī đến rừng Kusinārā để nhập Niết Bàn, Đức Phật thuyết giảng nhiều lần cho Chư Tăng tu học. Khi đến thành Pāvānagara, do dùng món ăn Sūkuramaddava (món thịt heo ngon bổ) của ông Cunda Kammāraputta dâng cúng, Đức Phật lâm trọng bệnh sau đó. Biết trước rằng đây là do nghiệp cũ, và cũng là duyên sự để nhập Niết Bàn, nên Ngài từ bi thuyết Pháp tế độ ông Cunda Kammāraputta. Trên đường đến rừng Kusinārā cùng Tăng Đoàn, Đức Phật bệnh kiết lỵ, đại tiện ra máu, nên cơ thể mệt nhoài, lại thêm khát nước nên dừng lại nghỉ ngơi nhiều lần. Dù là bậc cao thượng nhất trong tam giới chúng sinh, nhưng Ngài vẫn không sao tránh khỏi ác nghiệp cũ chín muồi cho quả.
✓ Đức Thế Tôn tịch diệt Niết Bàn tại Kusinārā
Vào buổi chiều ngày rằm tháng tư, khi đến khu rừng Sālā tại Kusinārā (nước Malla), Đức Thế Tôn nằm nghiêng bên phải, đầu hướng Bắc, hai chân duỗi thẳng, so le, giữa hai cây Sālā trổ hoa. Rồi Ngài giảng giải, đề cao sự cúng dường thực hành Chánh Pháp cao thượng hơn sự cúng dường phẩm vật, vì chỉ có hành Pháp mới có thể giữ gìn, duy trì Giáo Pháp trường tồn. Vì còn là bậc Thánh Nhập Lưu, nên Trưởng lão Ānanda tủi thân, lánh ra một nơi vắng vẻ đứng khóc. Biết vậy, Đức Phật an ủi rằng các Pháp do duyên sinh, rồi cũng do duyên diệt, đồng thời khen ngợi Trưởng lão đã tận tụy, chăm sóc chu đáo cho Ngài suốt 25 năm.
Có 3 lý do Đức Thế Tôn chọn Kusinārā để nhập Niết Bàn mà không phải các kinh thành lớn:
– Thời quá khứ, Kusinārā là một kinh thành lớn, tên là Kusavatī do Đức Chuyển Luân Thánh Vương Mahādassana trị vì. Đây là hoàn cảnh hợp lý để Đức Phật thuyết bài Kinh Mahādassanasutta.
– Chỉ có Ngài mới có thể tế độ Đạo sĩ Subhadda, người đệ tử cuối cùng, đắc A La Hán, hiện đang ở Kusinārā.
– Chỉ có Bà La Môn Doṇa mới có khả năng hòa giải, phân chia Xá Lợi Phật hợp lý cho các nước thỉnh đem về xây Bảo Tháp tôn thờ.
Đêm cuối của Đức Phật là rằm tháng tư (âm lịch).
– Canh đầu: Tại khu rừng Sālā, hàng vạn người bao gồm Đức vua, hoàng tộc, triều thần và toàn thể dân chúng nước Malla tuần tự đến hầu đảnh lễ Đức Phật lần cuối.
– Canh giữa: Đạo sĩ Subhadda được Đức Phật chỉ dạy Bát Chánh Đạo, rồi trở thành vị Tỳ Khưu cuối cùng và nhanh chóng tu tập đạt Quả vị A La Hán ngay đó.
– Canh chót: Đức Thế Tôn dạy rằng Chánh Pháp và Luật là vị Tôn Sư. Theo chú giải, Chánh Pháp gồm có 84.000 đoạn, Tạng Kinh Pāḷi (21.000 đoạn), Tạng Vi Diệu Pháp Pāḷi (42.000 đoạn), và Tạng Luật Pāḷi (21.000 đoạn).
✓ Lời giáo huấn cuối cùng của Đức Phật
Vào canh chót, Đức Thế Tôn một lần nữa nhắc nhở Tứ chúng lần cuối: “Handa dāni bhikkhave āmantayāmi vo, Vayadhammā saṅkhārā, appamādena sampādetha.” Này các con: “Các Pháp hữu vi (ngũ uẩn) là vô thường. Hãy cố gắng tinh tấn chứng đạt Tứ Thánh Đế, bằng Pháp không dễ duôi và thực hành pháp hành Tứ Niệm Xứ.”
✓ Đức Phật tịch diệt Niết Bàn
Sau khi chấm dứt lời dạy cuối cùng, Đức Phật tuần tự: nhập và xả Sơ Thiền, nhập và xả Nhị Thiền, nhập và xả Tam Thiền, nhập và xả Tứ Thiền, nhập và xả Không Vô Biên Xứ Thiền, nhập và xả Thức Vô Biên Xứ Thiền, nhập và xả Vô Sở Hữu Xứ Thiền, nhập và xả Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiền, rồi nhập Diệt Thọ Tưởng Định.
Sau đó, Đức Thế Tôn lại lần lượt: xả Diệt Thọ Tưởng Định, nhập và xả Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiền, nhập và xả Vô Sở Hữu Xứ Thiền, nhập và xả Thức Vô Biên Xứ Thiền, nhập và xả Không Vô Biên Xứ Thiền, nhập và xả Tứ Thiền, nhập và xả Tam Thiền, nhập và xả Nhị Thiền, nhập và xả Sơ Thiền. Rồi Ngài tiếp tục nhập và xả Nhị Thiền, nhập và xả Tam Thiền, nhập và xả Tứ
Thiền và tịch diệt Niết Bàn tại Kusinārā, vào năm 544 trước Tây Lịch, thọ 80 tuổi.
Đức Phật và Chư Thánh A La Hán tịch diệt Niết Bàn (Khandhaparinibbāna), nghĩa là ngũ uẩn diệt hoàn toàn, không còn nhân duyên tái sinh, luân hồi trong tam giới nữa. Tất cả mọi thiện nghiệp hay ác nghiệp đều vô hiệu, không có cơ hội cho quả của nghiệp nữa. Tất cả mọi chúng sinh còn lại có sinh, ắt có tử, không ngoại trừ một ai, dù đó là Chư Thiên ở 6 cõi trời Dục giới, Phạm Thiên trên 16 tầng trời Sắc giới hay 4 tầng trời Vô Sắc giới, từ phàm nhân cho đến các bậc Thánh Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Lai vẫn còn Tham Ái là nhân sinh khổ để tái sinh.
Đức Phật Gotama đã tịch diệt Niết Bàn, song Giáo Pháp của Ngài vẫn còn tồn tại 5000 năm trên thế gian. Muốn được thân cận với Đức Phật, mỗi hàng đệ tử nên nương tựa vào Tam Bảo, mà cố gắng tinh tấn tu học Pháp Học Phật Giáo và thực hành Pháp Hành Phật Giáo để đạt được Pháp Thành Phật Giáo tùy theo khả năng.