Hành thiền là nhìn thẳng vào tâm mình – Vấn đạo với Thiền Sư Ajahn Chah
Sau đây là những lời vấn đạo của thiền sinh với Ngài Ajahn Chah.
Nội dung chính
- 1 Làm gì khi thiền mà không đạt kết quả ?
- 2 Khi thiền bị suy nghĩ lung tung, phóng tâm nhiều phải làm sao ?
- 3 Có cần phải có đức tin và hiểu biết về Phật pháp mới có thể thiền không ?
- 4 Vai trò của định tâm khi hành thiền
- 5 Hiểu rõ Pháp là gì ?
- 6 Về việc tham gia khóa thiền dài ngày và tịnh khẩu
- 7 Pháp niệm tâm từ trong Thiền Minh Sát
- 8 Phật pháp ở ngay trong tâm chúng ta
- 9 Phật Giáo khác gì so với các tôn giáo khác ?
- 10 Vô tình làm chết côn trùng có tội không ?
- 11 Làm thế nào để đối trị với sự hoài nghi ?
- 12 Mỗi vị thiền sư chỉ dạy một phương pháp hành thiền riêng làm sao biết phương pháp nào đúng?
- 13 Có cần phải ngồi thiền thật lâu không?
- 14 Khi hành thiền có cần phải đạt đến trạng thái nhập định không ?
- 15 Làm thế nào để chế ngự được dục vọng thú vui thể xác ?
- 16 Làm thế nào để kiểm soát cơn giận dữ ?
- 17 Làm thế nào để hết buồn ngủ trong khi thiền ?
- 18 Tại sao nên lế lạy Tam Bảo hàng ngày ?
- 19 Vẫn đề khó khăn nhất đối với các thiền sinh mới là gì ?
- 20 Nghiệp báo là gì?
- 21 Tại sao tôi cảm thấy khổ hơn khi đi tu ?
- 22 Tại sao bạn không nên quá siêng năng ?
- 23 Bị đau khi ngồi thiền phải làm sao ?
- 24 Một số câu hỏi khác
- 24.1 Hỏi: Tại sao chúng ta phải hành hạnh đầu đà? Chẳng hạn, chỉ ăn thức ăn đựng trong bát, không được dùng thức ăn đựng trong chén đĩa?
- 24.2 Hỏi: Nếu chỉ ăn thức ăn đựng trong bát là điều quan trọng để hành thiền, tại sao là Thầy mà Ngài không ăn trong bát như chúng tôi? Ngài không nghĩ rằng một vị Thầy phải làm gương cho người khác noi theo sao?
- 24.3 Hỏi: Những phiền não như tham, sân là ảo tưởng hay có thật?
- 24.4 Hỏi: Sau một thời gian hành thiền, nay tâm tôi rất an tịnh trong lúc hành thiền. Tôi nên làm gì cho bước kế tiếp?
- 24.5 Hỏi: Tôi hành thiền nhiều năm. Hầu như bất cứ lúc nào, trong hoàn cảnh nào, tâm trí tôi cũng mở rộng và luôn có được sự bình an, tĩnh lặng. Nay, tôi muốn trở về lối cũ: đọc sách hay tìm hiểu giáo lý,…, và thực hành Thiền Định ở mức cao hơn hoặc muốn đạt đến nhập định. Thầy thấy thế nào?
- 24.6 Hỏi: Xin Thầy giảng giải thêm về việc chia sẻ cho người khác những lời dạy của Đức Phật.
- 25 Kết luận
Làm gì khi thiền mà không đạt kết quả ?
Hỏi: Thưa Thầy, tôi đã cố gắng hết sức hành thiền, nhưng chẳng được chút kết quả nào. Tôi phải làm sao?
Đáp:
Điều quan trọng trong lúc hành thiền là đừng mong muốn đạt được cái gì. Lòng mong mỏi giải thoát hay giác ngộ là một chướng ngại cho sự giải thoát. Dù bạn có nỗ lực hành thiền đến mức độ nào đi nữa, hoặc hành thiền suốt ngày đêm mà vẫn còn ôm ấp tư tưởng là sẽ đạt được cái gì đó, tâm bạn sẽ không bao giờ bình an, tĩnh lặng. Nỗ lực hành thiền với ước muốn đạt được cái gì là nguyên nhân tạo ra sự hoài nghi và bất an.
Người hành thiền với ước muốn đạt được cái gì sẽ không bao giờ tiến bộ bởi vì trí tuệ không thể khởi sinh từ lòng ham muốn. Vậy thì cứ thản nhiên thực tập, chú tâm theo dõi thân tâm, và đừng mong ước đạt thành gì cả. Đừng dính mắc vào sự giải thoát, giác ngộ. Ngoài ra, khi bạn bắt đầu hành thiền, và khi tâm bắt đầu yên tịnh, bạn liền nghĩ rằng, “Ồ, không biết như vầy đã đạt Sơ thiền chưa? Còn bao lâu nữa?” Ngay lúc khởi tâm như thế, bạn mất hết tất cả. Cách hay nhất là cứ tiếp tục theo dõi đề mục và để trí tuệ phát triển một cách tự nhiên.
Bạn cứ tiếp tục chú tâm theo dõi mọi diễn biến của thân tâm mà đừng nghĩ gì đến việc đánh giá trình độ mình, không cần biết mình đang ở tuệ nào, mức độ nào. Càng chú tâm theo dõi thân tâm bao nhiêu, bạn càng thấy rõ bấy nhiêu. Nếu hoàn toàn tập trung tâm ý vào đề mục, bạn sẽ không còn bâng khuâng, lo lắng đến chuyện đã đạt đến trình độ nào. Cứ tiếp tục đi đúng đường rồi chân lý sẽ hiển lộ một cách tự nhiên. Làm sao có thể nói cốt tủy của việc thực hành? Đi tới không đúng! Đi lui cũng không đúng! Đứng yên một chỗ cũng không đúng! Không có cách nào để đo lường, phân loại sự giải thoát.
Khi thiền bị suy nghĩ lung tung, phóng tâm nhiều phải làm sao ?
Hỏi: Tôi vẫn còn suy nghĩ, phóng tâm nhiều, dù tôi rất cố gắng chú tâm chánh niệm. Tại sao?
Đáp:
Đừng lo lắng, bâng khuâng về chuyện đó. Hãy cố gắng giữ tâm an trụ trong hiện tại. Bất kỳ tư tưởng gì hiện ra trong tâm, bạn phải chú tâm ghi nhận nó. Những phóng tâm ấy sẽ tự động ra đi. Cũng đừng ao ước sẽ xua đuổi được chúng! Cứ thực hành rồi bạn sẽ đạt được trạng thái tự nhiên! Cũng không nên có sự phân biệt giữa tốt và xấu, giữa nóng và lạnh! Chẳng có tôi, chẳng có anh, và chẳng có tự ngã gì cả. Chúng thế nào thì nhìn chúng thế ấy.
Khi ôm bát đi khất thực, bạn chẳng cần làm chuyện gì đặc biệt cả, chỉ đơn thuần đi và chú tâm vào những gì đang xảy ra. Chẳng cần phải dính mắc vào sự tĩnh lặng hay độc cư. Nghĩa là đừng bao giờ có tư tưởng: Tôi phải thiền một mình ở một nơi yên tĩnh mới tiến bộ được. Bất cứ nơi đâu, bạn cũng có thể thiền được. Khi ở đâu, bạn cũng đều phải biết mình và chú tâm chánh niệm một cách tự nhiên. Nếu có sự nghi ngờ xuất hiện, phải theo dõi sự nghi ngờ đến và đi. Chỉ giản dị thế thôi! Không bám víu hay nắm giữ điều gì, vật gì, dầu tốt hay xấu.
Trong khi đi kinh hành, thỉnh thoảng bạn có thể gặp vài trở ngại. Chẳng hạn, tư tưởng của bạn bị ô nhiễm và hướng đi nơi khác, khiến bạn không còn chú tâm vào bước đi nữa. Gặp những trường hợp phiền não đến quấy nhiễu bạn như thế, bạn chỉ cần nhìn chúng, chúng sẽ ra đi. Đừng bao giờ suy nghĩ, bận tâm đến những trở ngại đã trôi qua! Đừng ưu tư về những chuyện gì sắp hay chưa xảy ra! Hãy an trú trong hiện tại! Đừng quan tâm đến chiều dài của con đường đi, cũng đừng dính mắc vào nó nữa! Khi thực tập đã thuần thục, tự nhiên sự quân bình sẽ đến với bạn.
Có cần phải có đức tin và hiểu biết về Phật pháp mới có thể thiền không ?
Hỏi: Tôi phải khởi đầu việc hành thiền như thế nào? Có cần phải có đức tin trước khi thực hành không?
Đáp:
Một số người bắt đầu việc thực hành khi họ đã có một số đức tin và hiểu biết về Phật Pháp. Đó là chuyện tự nhiên. Nhưng như thế không có nghĩa là phải có đức tin và hiểu biết Phật Pháp mới chịu đi hành thiền. Chúng ta có thể hành thiền, và phải hành thiền mà không cần phải có điều kiện nào cả. Điều quan trọng là phải thực sự muốn nhìn vào bên trong của Tâm mình, hoàn cảnh của chính mình, hiểu Tâm mình một cách trực tiếp. Sau đó, tự nhiên đức tin và sự hiểu biết sẽ chín muồi trong tâm.
Vai trò của định tâm khi hành thiền
Hỏi: Trong khi hành thiền, chúng tôi có cần đi sâu vào Định hay không?
Đáp:
Trong khi ngồi thiền, nếu tâm bạn bắt đầu yên tĩnh và an định thì đó là điều tốt, vì bạn có thể dùng chúng làm dụng cụ để tiến xa hơn. Nhưng bạn cần thận trọng và đừng bị dính chặt vào sự yên tịnh.
Nếu bạn ngồi chỉ với mục đích đạt đến định tâm thì bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và sung sướng, nhưng bạn đã phí thì giờ. Mục đích của hành thiền là ngồi và để cho tâm an định, rồi dùng tâm định này để quan sát bản chất của Thân và Tâm.
Ngoài ra, nếu bạn chỉ muốn đạt tới định tâm, bạn sẽ đạt được sự an tịnh và đè nén được nhiều phiền não trong lúc bạn ngồi, nhưng khi hết hành thiền, sự an tịnh và định tâm cũng mất luôn. Giống như bạn lấy một tảng đá để đè lên hố rác, khi bạn nhấc tảng đá đi, hố rác vẫn còn.
Ngồi lâu hay mau không thành vấn đề. Bạn đừng để mình bị lạc vào trong an tịnh mà phải dùng sự an tịnh của mình để quan sát sâu xa hơn bản chất của Thân và Tâm. Đó chính là phương cách giúp bạn giải thoát thực sự.
Quan sát Thân – Tâm một cách trực tiếp nhất, đó là không dùng sự suy nghĩ, tưởng tượng để nhìn Thân – Tâm. Có hai trình độ quan sát. Một là suy nghĩ và đi lang thang từ điểm này đến điểm khác, khiến bạn bị dính mắc vào những tri giác hời hợt giả tạo, chỉ có bề mặt mà không có thực chất. Loại quan sát thứ hai là một sự an tịnh, định tâm và lắng nghe bên trong.
Chỉ khi nào có định, tỉnh giác và an tịnh, lúc ấy chân trí tuệ mới phát sinh một cách tự nhiên. Thoạt đầu, trí tuệ chỉ là một âm vang nhè nhẹ, một mầm cây yếu mềm vừa nhô lên khỏi mặt đất. Nếu không hiểu điều này, bạn có thể nghĩ quá nhiều đến nó, săn sóc nó quá nặng tay khiến nó chết một cách đau đớn dưới chân bạn. Nếu cảm nhận nó một cách lặng lẽ, bạn có thể thấy được căn bản của tiến trình Thân và Tâm. Từ nhận thức này, bạn sẽ thấy được vô thường và bản chất vô ngã của Thân và Tâm.
Hiểu rõ Pháp là gì ?
Hỏi: Nhưng nếu chúng tôi không tìm kiếm gì cả thì làm sao gặp được Phật Pháp?
Đáp:
Bất kỳ chỗ nào bạn nhìn đều là Pháp. Xây dựng nhà cửa, đi trên đường, ở trong nhà tắm, hay ở trong thiền đường này,…, tất cả đều là Pháp. Khi bạn hiểu biết đúng thì không có gì trên thế gian này mà không phải là Pháp cả. Nhưng bạn phải hiểu rằng hạnh phúc và đau khổ, vui và buồn luôn luôn ở với ta. Khi bạn hiểu rõ bản chất của chúng, Phật và Pháp cũng ở ngay đây.
Khi bạn thấy một cách rõ ràng, mỗi thời khắc của kinh nghiệm đều là Pháp. Nhưng phần lớn, chúng ta phản ứng một cách mê muội. Trước lạc thú, “Tôi thích cái này; tôi muốn được nhiều hơn.” Và trước những gì không vừa lòng, “Đi đi, tôi không thích cái đó; tôi không muốn nữa.” Nếu bạn hoàn toàn mở rộng tầm mắt trước mọi diễn biến của thế gian mà không có thái độ si mê như vậy, bạn với Phật sẽ là một. Một khi bạn đã hiểu rõ, đó chỉ là một vấn đề đơn giản và trực tiếp. Khi lạc thú phát sinh, nên hiểu rằng nó không phải là ta, là của ta. Khi đau khổ phát sinh, cũng nên hiểu rằng nó không phải là ta, là của ta, đau khổ hay khoái lạc đều biến mất. Nếu bạn không chấp giữ các hiện tượng xảy ra, không đồng hoá chúng với mình, không xem chúng là sở hữu của mình, tâm sẽ đạt được trạng thái quân bình.
Sự quân bình này là chánh đạo, những lời dạy của Đức Phật, dẫn đến giải thoát. Thường chúng ta hay kỳ vọng, “Tôi có thể đạt được tầng thiền này hay tầng thiền kia không? Tôi có thể phát triển năng lực gì?” Như vậy là chúng ta đã bỏ qua những lời dạy của Đức Phật để nhảy sang một lãnh vực khác thật sự chẳng hữu dụng chút nào. Nếu bạn thật sự muốn, bạn có thể tìm thấy Đức Phật trong những sự vật đơn giản nhất trước mắt bạn, và có thể đạt được cốt tuỷ của sự quân bình này bằng tâm xả bỏ.
Bước đầu thực hành, điều quan trọng là bạn phải có một hướng đi thích hợp. Thay vì cứ đi càn, đến đâu thì đến, bạn phải có một bản đồ hay được một người đã từng đi trên đường này hướng dẫn. Con đường giải thoát mà Đức Phật là người đầu tiên chỉ dẫn là Trung Đạo, nằm giữa hai thái cực: Lợi dưỡng và khổ hạnh. Tâm phải mở rộng trước mọi kinh nghiệm, không mất quân bình hay rơi vào những cực đoan. Được vậy, bạn sẽ nhìn sự vật với tâm tự nhiên, không dính mắc mà cũng không hắt hủi. Khi hiểu rõ được sự quân bình này thì Đạo sẽ rõ dần. Khi sự hiểu biết được phát triển là lúc lạc thú đến, bạn hiểu ngay nó là vô thường, bất an và trống rỗng. Khi đau buồn và thất vọng đến, bạn cũng xem chúng như vậy: vô thường, bất an và trống rỗng.
Cuối cùng, khi đã đạt được một đoạn khá xa trên con đường, bạn sẽ thấy rõ ràng rằng trên thế gian này chẳng có gì có giá trị, chẳng có gì cần phải nắm giữ. Mọi vật chẳng khác nào những vỏ chuối hay vỏ dừa, chẳng có gì hấp dẫn. Khi bạn nhìn thấy mọi vật trên thế gian đều là những vỏ chuối và vỏ dừa, bạn sẽ tự do đi trên thế gian này, không có gì khiến bạn bực mình chán nản. Lúc ấy bạn đã đi trên con đường dẫn đến giải thoát.
Về việc tham gia khóa thiền dài ngày và tịnh khẩu
Hỏi: Ngài có buộc thiền sinh phải theo những khoá thiền dài ngày, hành thiền tích cực và tịnh khẩu không?
Đáp:
Vấn đề này tùy thuộc vào từng cá nhân. Bạn phải tập hành thiền trong mọi hoàn cảnh, ở chợ hay độc cư trong rừng. Dĩ nhiên, hành thiền nơi yên tĩnh thì tốt hơn. Đó là lý do chúng tôi sống ở trong rừng. Lúc mới thực hành, bạn phải làm mọi việc một cách chậm chạp, phải chánh niệm trong khi đi. Sau đó, bạn có thể học chánh niệm trong mọi hoàn cảnh.
Một số người xin được hành thiền tích cực, tịnh khẩu trong 6 tháng hay 1 năm. Nhưng không có luật lệ nào về việc này. Đó phải là quyết định của cá nhân. Cũng như những chiếc xe bò mà các nông dân sử dụng khi muốn chở hàng nhiều thì họ phải thêm sức mạnh vào xe, thay bánh xe mạnh hơn và thêm bò kéo. Họ có thể làm được điều ấy hay không? Cũng vậy, Thiền Sư và thiền sinh phải linh động trong việc này. Thiền sinh có thật sự muốn thế không? Có đúng lúc không? Phải tế nhị, linh động, hiểu và tôn trọng giới hạn của mình. Đó cũng là trí tuệ.
Đức Phật dạy hai loại thực hành: Giải thoát bằng trí tuệ và giải thoát bằng hành thiền. Những người giác ngộ bằng trí tuệ chỉ cần nghe Pháp và tức thì có tri kiến. Bởi vì toàn bộ giáo lý đều dạy xả bỏ mọi vật, để mọi vật như vậy. Họ thực hành xả bỏ theo lối tự nhiên chẳng cần phải qua nỗ lực tinh tấn hay định tâm. Lối thực hành đơn giản này cuối cùng có thể đưa họ đến chỗ không còn tự ngã, nơi đó không còn gì để xả bỏ và nắm giữ.
Những người giác ngộ theo cách hành Thiền Định trước, tu Thiền Tuệ sau, cần phải có nhiều thì giờ để định tâm hơn. Họ phải ngồi hay thực hành theo một số kỷ luật đặc biệt và dài ngày. Đối với họ, sự định tâm này nếu sử dụng đúng cách sẽ trở thành cơ sở để tiến sâu vào minh sát. Một khi tâm đã định, cũng giống như học xong bậc trung học, bấy giờ họ có thể vào đại học và học bất cứ ngành nào thích hợp với họ. Một khi tâm định đã mạnh, họ có thể tiến đến những tầng Thiền Định cao hơn hay dùng tâm định để phát triển tất cả các mức độ của minh sát. Dù giải thoát theo con đường Thiền thuần Quán hay tu Định trước, Quán sau, chúng ta đều phải qua con đường thực hành. Mọi phương cách thực hành mà không có sự dính mắc, chấp thủ đều đưa đến giải thoát.
Pháp niệm tâm từ trong Thiền Minh Sát
Hỏi: Cần phải thực hành Pháp niệm tâm từ cùng lúc với Thiền Minh Sát không?
Đáp:
Lặp đi lặp lại những câu niệm tâm từ đem lại kết quả tốt đẹp. Nhưng đó chỉ là sự thực tập căn bản cho những người mới hành thiền. Khi bạn đã thực sự nhìn thấy bên trong tâm bạn và thực hành phần tinh tuý của Phật Giáo một cách đúng đắn thì tâm từ của bạn tự nhiên phát triển. Khi xả bỏ tự ngã và các thứ khác, bạn sẽ có một sự phát triển sâu xa và tự nhiên khác hẳn với người sơ cơ, lặp đi lặp lại câu: “Cầu mong cho tất cả chúng sinh an vui hạnh phúc. Cầu mong cho tất cả chúng sinh tránh khỏi mọi điều đau khổ.”
Phật pháp ở ngay trong tâm chúng ta
Hỏi: Chúng tôi phải nghiên cứu Phật Pháp ở đâu?
Đáp:
Khi bạn tìm thấy Phật Pháp, bạn sẽ nhận thấy Phật Pháp không ở trong rừng sâu hay trên núi cao. Phật Pháp cũng không ở trong hang động hay trong thiền viện. Phật Pháp ở ngay trong tâm. Ngôn ngữ của Phật Pháp không phải là tiếng Thái, tiếng Miến hay tiếng Pāli. Phật Pháp có ngôn ngữ riêng, ngôn ngữ chung của mọi người, ngôn ngữ của kinh nghiệm gặt hái qua thực hành. Có một sự khác biệt lớn lao giữa sự chế định của thế tục và kinh nghiệm trực tiếp. Người nào nhúng tay vào ly nước nóng đều cảm thấy nóng. Nhưng sự nóng này được diễn tả bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Cũng vậy, người nào nhìn sâu vào tâm đều có cùng kinh nghiệm như nhau, chẳng liên quan gì đến quá trình văn hóa hay ngôn ngữ. Nếu tâm bạn nếm được hương vị của Giáo Pháp thì bạn trở thành một với mọi người, chẳng khác nào gia nhập chung một đại gia đình.
Phật Giáo khác gì so với các tôn giáo khác ?
Hỏi: Phật Giáo có khác biệt nhiều với các tôn giáo khác không?
Đáp:
Mục đích của tôn giáo, trong đó có Phật Giáo, là đem lại hạnh phúc cho con người, bằng cách giúp họ thấy một cách rõ ràng và chân thật sự vật nó như thế nào. Bất kỳ tôn giáo, hệ thống tín ngưỡng hay đường lối thực hành nào giúp con người thấy rõ chân tướng của sự vật, đều có thể gọi là Phật Giáo, nếu bạn muốn.
Trong đạo Thiên Chúa, một trong những ngày lễ quan trọng là Lễ Giáng Sinh. Năm ngoái, một nhóm nhà Sư Tây phương đã tổ chức một ngày Giáng Sinh đặc biệt, với một lễ tặng quà và làm phước. Một số thiện nam tín nữ thắc mắc điều đó, “Tại sao đã xuất gia thành Sư sãi Phật Giáo rồi mà các vị này còn tổ chức Lễ Giáng Sinh? Bộ đó không phải là lễ của Thiên Chúa Giáo sao?”
Trong buổi thuyết Pháp, tôi đã giải thích tại sao mọi người trên thế giới đều có một căn bản như nhau. Gọi là người Âu, người Hoa kỳ, hay người Thái, chỉ là muốn nói đến chỗ họ sinh hay màu tóc của họ, nhưng Thân và Tâm của họ đều có cùng bản chất như nhau.
Tất cả đều ở trong một gia đình nhân loại, có cùng đặc tính giống nhau, đó là đều phải sinh ra, đều phải già, đều phải chết. Khi bạn hiểu được điều đó, sự khác biệt không còn quan trọng nữa. Cũng vậy, lễ Giáng Sinh là một dịp để mọi người cố gắng giúp đỡ người khác bằng những việc làm tốt đẹp của mình. Đó là điều quan trọng và kỳ diệu. Bạn có thể gọi đây là ngày gì cũng được, chẳng ăn nhằm gì điều đó cả. Bởi thế tôi mới nói với mọi thiện tín, “Hôm nay là ngày Thiên Chúa Phật Pháp.” Ai thực hành đúng thì họ đã thực hành “Phật Đà Thiên Chúa Giáo” và mọi chuyện đều tốt đẹp. Tôi dạy họ cách này để xả bỏ chấp thủ và luyến ái vào những chế định của thế gian và để nhìn thấy mọi diễn biến của sự vật một cách chính xác và tự nhiên.
Bất kỳ cái gì giúp chúng ta thấy rõ chân lý, giúp chúng ta làm điều tốt đẹp, đều là lối thực hành đúng. Bạn có thể đặt cho nó tên gì cũng được.
Hỏi: Những người mới phải hành thiền như thế nào?
Đáp: Cũng như những người hành thiền lâu.
Hỏi: Tôi có thể quan sát tâm tham và tâm sân, nhưng làm thế nào để kiểm soát tâm si?
Đáp: Bạn như người đang cưỡi ngựa mà lại hỏi,
“Con ngựa đâu?”
Hỏi: Về việc ngủ nghỉ như thế nào là đủ?
Đáp: Thật là khó trả lời cho bạn điều đó. Đối với thiền sinh, trung bình mỗi ngày ngủ bốn tiếng là đủ. Điều quan trọng là phải tự xét xem và tự tìm hiểu mình để chọn một số giờ ngủ nghỉ thích hợp. Nếu bạn ngủ quá ít, bạn sẽ thấy không thoải mái, và điều này làm cho bạn khó tỉnh thức. Nhưng ngủ nhiều quá cũng khiến trí óc chậm lụt và tâm chao động. Hãy tìm một sự quân bình tự nhiên cho chính mình, thận trọng quan sát thân tâm và cố gắng chọn cho mình một số giờ ngủ thích hợp. Sau một thời gian hành thiền, bạn sẽ tự biết là phải ngủ bao nhiêu giờ một ngày. Nếu ngủ dậy mà còn nằm nướng thêm, đó là phiền não. Hãy tỉnh thức, chánh niệm ngay lúc bạn vừa mở mắt.
Hỏi: Về việc ăn uống thì sao? Ăn nhiều hay ít?
Đáp: Ăn cũng như ngủ, bạn phải tự biết lấy. Thức ăn là nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Hãy xem thức ăn như những loại thuốc chữa bệnh. Nếu bạn cảm thấy buồn ngủ sau khi ăn hay cảm thấy càng ngày càng mập ra, như vậy là bạn đã ăn quá nhiều. Hãy bớt ăn lại, xem xét thân và tâm bạn. Cũng không cần phải ăn quá đói. Hãy tự xem bạn cần phải dùng bao nhiêu lượng thực phẩm hàng ngày. Hãy tìm lấy sự quân bình tự nhiên của cơ thể bạn. Thực hành hạnh đầu đà bằng cách bỏ tất cả thức ăn vào trong bình bát của bạn, lúc bấy giờ bạn sẽ dễ dàng tìm thấy số lượng thực phẩm đủ dùng cho bạn trong mỗi bữa ăn. Mỗi khi ăn hãy thận trọng theo dõi mình, bạn sẽ tự hiểu rõ. Tinh túy của sự thực hành là ở chỗ đó. Bạn chẳng cần phải làm gì đặc biệt cả, chỉ cần theo dõi chính mình, theo dõi tâm mình để tìm ra sự quân bình tự nhiên.
Hỏi: Tâm người Đông và Tây phương khác nhau?
Đáp: Dù hình dáng bên ngoài và ngôn ngữ có khác nhau, nhưng tâm con người đều có những đặc tính thiên nhiên giống nhau. Người Đông phương hay Tây phương cũng đều có tham, sân như nhau. Mọi người đều có đau khổ và đều có khả năng chấm dứt khổ đau.
Hỏi: Tại sao lúc hành thiền ở đây, chúng tôi không có những giờ trình Pháp hàng ngày?
Đáp: Nếu bạn có vấn đề gì cần hỏi, bạn có thể đến gặp Thiền Sư bất cứ lúc nào. Không cần phải trình Pháp hàng ngày. Nếu tôi trả lời bạn tất cả mọi câu hỏi nhỏ nhặt nhất, bạn sẽ không bao giờ hiểu được tiến trình hoài nghi trong tâm bạn. Điều cần thiết là bạn phải biết tự biết cách tự xem xét mình, tự hỏi mình, tự trình Pháp cho mình. Hãy chú tâm theo dõi bài giảng một thời gian, rồi đem những lời giảng đó so sánh với sự thực hành của bạn. Xét xem thử sự thực hành của bạn đúng hay sai, khác với lời giảng dạy ở điểm nào? Tìm hiểu xem tại sao bạn hoài nghi, ai hoài nghi và hoài nghi cái gì? Bạn chỉ có thể hiểu được những điểm này khi chính bạn tự xem xét lấy.
Vô tình làm chết côn trùng có tội không ?
Hỏi: Đôi lúc tôi lo lắng về giới luật của nhà Sư. Vô ý làm chết côn trùng có tội lỗi không?
Đáp: Giới luật và những nguyên tắc đạo đức rất cần thiết; chúng là những yếu tố căn bản trong việc hành thiền, nhưng đừng dính mắc một cách mù quáng vào chúng. Sự chủ ý hay cố ý đóng vai trò quan trọng trong giới sát sinh cũng như trong các giới khác. Hãy hiểu tâm mình. Đừng quá dính mắc vào giới luật. Nếu giữ giới một cách đúng đắn và thích hợp, giới sẽ hỗ trợ cho bạn trong lúc hành thiền. Nhiều nhà Sư quá lo lắng về giới luật, khiến họ ăn ngủ không yên; đấy là một trở ngại. Đừng khiến giới luật trở thành gánh nặng cho chính mình. Trong việc thực tâp thiền, nền tảng chính là giới luật. Giới luật, hạnh đầu đà, và thực hành thiền là ba điểm quan trọng. Chú tâm chánh niệm và thận trọng giữ gìn giới luật (từ những điều luật có tính hỗ trợ trong lúc hành thiền cho đến 227 giới của Tỳ Khưu) sẽ đem lại lợi ích lớn lao. Giới luật giúp cho đời sống giản dị, tri túc, không phiền toái.
Không cần lo lắng là phải giữ giới như thế nào, làm sao để khỏi phạm giới,… Hãy tự nhiên trong mọi tác động. Không quá lo lắng về giới luật sẽ khiến bạn khỏi suy nghĩ. Thay vào đó bạn chỉ cần chú tâm chánh niệm là đủ. Giới luật giúp chúng ta cùng sống hoà hợp với mọi người, một cuộc sống êm thắm, hài hoà. Giới luật là những viên gạch lót đường để tiến đến định tâm và phát triển trí tuệ. Giữ giới luật và hành hạnh đầu đà khiến chúng ta sống đời sống đơn giản, không bám víu vào vật chất và của sở hữu. Do đó, sống ở đây chúng ta có thể thực hành trọn vẹn những lời dạy của Đức Phật: Tránh xa điều ác, làm điều lành, sống đơn giản (chỉ sử dụng những nhu cầu vật chất cần thiết) và thanh lọc tâm. Muốn thế, chỉ cần chú tâm theo dõi mọi tác động của thân và tâm bạn trong mọi oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi.
Làm thế nào để đối trị với sự hoài nghi ?
Hỏi: Làm thế nào để đối trị với sự hoài nghi? Nhiều hôm, tôi nghi ngờ nhiều thứ, nghi ngờ sự thực hành, nghi ngờ sự tiến bộ của mình và nghi ngờ cả Thiền Sư nữa.
Đáp:
Nghi ngờ là chuyện tự nhiên. Mọi người bắt đầu với sự nghi ngờ. Bạn sẽ học được ở hoài nghi nhiều điều lợi ích. Điều quan trọng là đừng đồng hoá mình với sự hoài nghi, nghĩa là đừng chụp lấy nó, bám víu vào nó. Dính mắc vào hoài nghi sẽ khiến bạn rơi vào vòng lẩn quẩn. Thay vào đó, hãy theo dõi toàn thể tiến trình của hoài nghi, của bâng khuâng. Hãy nhìn xem ai đang hoài nghi. Hoài nghi đến và đi như thế nào. Làm thế bạn sẽ không còn là nạn nhân của sự nghi ngờ nữa. Bạn sẽ vượt ra khỏi sự nghi ngờ và tâm bạn sẽ yên tĩnh. Lúc bấy giờ, bạn sẽ thấy mọi chuyện đến và đi một cách rõ ràng. Tóm lại, hãy để cho mọi sự bám víu, mọi dính mắc của bạn trôi đi; Hãy chú tâm quan sát sự nghi ngờ. Đó là cách hiệu quả nhất để chấm dứt hoài nghi. Chỉ cần đơn thuần chú tâm quan sát hoài nghi, hoài nghi sẽ biến mất!
Mỗi vị thiền sư chỉ dạy một phương pháp hành thiền riêng làm sao biết phương pháp nào đúng?
Hỏi: Có rất nhiều Thiền Sư và mỗi vị chỉ dạy một phương pháp hành thiền riêng, khiến thiền sinh bối rối, bâng khuâng. Làm sao biết phương pháp nào đúng?
Đáp:
Cũng giống như việc đi xuống phố. Chúng ta có thể đến phố từ nhiều hướng khác nhau. Thường các phương pháp thiền chỉ khác nhau bề ngoài.
Dẫu phương pháp nào đi nữa, chậm hay nhanh, nếu giúp chánh niệm thì cũng như nhau. Điểm chính yếu mà mọi thiền sinh cần phải nằm lòng là đừng dính mắc. Vì cuối cùng thì mọi phương pháp hành thiền phải được buông bỏ. Phương pháp hành thiền chỉ là phương tiện. Thêm vào đó, thiền sinh cũng không được dính mắc vào Thiền Sư. Lối của Thiền Sư nào đưa bạn đến sự dứt bỏ, không dính mắc, đó là lối thiền đúng đắn.
Bạn có thể đi đây đó để tham học với các Thiền Sư và để thử qua những phương pháp hành thiền khác nhau. Một số các bạn ở đây đã từng làm như thế. Đó là điều ước muốn và là việc tự nhiên. Sau khi bạn đã đặt nhiều câu hỏi với các vị Thiền Sư và đã biết được nhiều phương pháp hành thiền, bạn sẽ nhận thấy rằng tất cả những việc bạn làm chẳng đưa bạn đến chân lý ngoài sự buồn chán. Rồi bạn sẽ thấy rằng chỉ có lúc bạn đứng lại để xem xét tâm mình mới là lúc bạn thấy được, tìm được những gì Đức Phật dạy. Chẳng cần phải đi tìm cái gì bên ngoài bạn. Hãy trở về đối diện với bản chất thực sự của chính mình. Chính lúc trở về đối diện với chính mình bạn sẽ thấy chân lý.
Hỏi: Nhiều lúc tôi thấy dường như các vị Sư ở đây chẳng thực hành thiền chút nào. Họ có vẻ lờ đờ, thiếu giác tỉnh. Những hình ảnh này làm bận tâm tôi rất nhiều.
Đáp:
Không nên chú ý đến kẻ khác. Để ý đến kẻ khác chẳng đem lại lợi ích gì cho mình. Nếu bạn cảm thấy bực bội, hãy xem xét sự bực bội của mình. Không nên thắc mắc rằng thiện tín này xấu, vị Sư kia không tốt. Hãy để họ qua một bên, không cần phải đánh giá, phê bình người khác làm gì. Bạn sẽ không thấy trí tuệ nếu cứ để tâm theo dõi, xem xét, đánh giá kẻ khác. Giới luật, nội quy là dụng cụ trợ giúp cho bạn hành thiền có kết quả. Giới luật không phải là khí cụ để bạn chỉ trích hay tìm lỗi ở kẻ khác. Không ai có thể hành thiền thay cho bạn. Bạn cũng không thể hành thiền thay cho ai cả. Hãy chú tâm chánh niệm, tỉnh thức trước những gì bạn làm; đó là phương pháp hành thiền tốt đẹp.
Hỏi: Tôi hết sức cố gắng tập thu thúc lục căn và chú tâm đến cảm giác của mình. Tôi luôn luôn nhìn xuống đất và giữ tâm chánh niệm trong mọi tác động nhỏ nhặt. Chẳng hạn, lúc ăn, ăn rất chậm, dành nhiều thì giờ để ăn. Tôi để ý đến từng xúc chạm của sự ăn: nhai, ý thức muì vị, nuốt,… Tôi thực hiện từng tác động một cách thận trọng và ý tứ. Thực hành như vậy có đúng không?
Đáp:
Thu thúc lục căn và theo dõi cảm giác của mình là sự thực tập tốt đẹp. Lúc nào chúng ta cũng phải chú tâm tỉnh thức, ghi nhận mọi cảm giác đến với mình. Nhưng đừng thái quá. Hãy đi, đứng, nằm, ngồi một cách tự nhiên. Đừng quá thúc ép việc hành thiền của bạn, cũng như đừng quá bó buộc chính mình vào trong một khuôn khổ định sẵn nào. Quá thúc ép cũng là một hình thức của tham ái. Hãy kiên nhẫn! Kiên nhẫn và chịu đựng là điều kiện cần thiết của một thiền sinh. Nếu bạn hành động một cách tự nhiên và chú tâm tỉnh thức, trí tuệ sẽ đến với bạn một cách tự nhiên.
Có cần phải ngồi thiền thật lâu không?
Hỏi: Có cần phải ngồi thiền thật lâu không?
Đáp:
Không cần phải ngồi thiền thật lâu, thật nhiều giờ. Nhiều người nghĩ rằng càng ngồi lâu thì chúng ta càng sáng suốt. Điều đó không đúng. Trí tuệ đến với chúng ta qua mọi oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi. Buổi sáng, lúc mới thức dậy, bạn phải hành thiền ngay và phải tiếp tục hành thiền cho đến khi đi ngủ. Trong suốt ngày, bạn có thể hành thiền qua mọi tư thế: đi, đứng, nằm, ngồi. Điều quan trọng là phải chánh niệm trong mọi tư thế, mọi tác động của bạn; việc duy trì một tư thế nào lâu không phải là điều quan trọng. Nói như thế không có nghĩa ngồi lâu là điều không tốt. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến sự chánh niệm. Không cần quan tâm đến chuyện bạn có thể ngồi được bao lâu. Điều quan trọng là bạn phải theo dõi mọi tác động, mọi tư thế của bạn trong mọi lúc đi, đứng, tắm, rửa, ăn, uống,…
Mỗi người có một bản chất thân, tâm khác nhau (người có thể ngồi lâu, người có thể đi lâu,…). Chẳng hạn một số bạn sẽ chết ở tuổi năm mươi; một số khác ở tuổi sáu mươi, và một số khác nữa ở tuổi chín mươi. Cũng thế, không thể quy định thế nào về sự thực hành của bạn. Đừng suy nghĩ hay bâng khuâng về điều đó. Hãy chánh niệm và để mọi chuyện trôi chảy một cách tự nhiên; dần dần, tâm bạn sẽ an tĩnh và tất cả những gì quanh bạn cũng sẽ tĩnh lặng theo. Tâm bạn lúc bấy giờ sẽ tĩnh lặng như mặt hồ phẳng lặng trong khu rừng yên tĩnh. Mọi loại thú hiếm và quý sẽ đến uống nước tại chiếc hồ tĩnh lặng này. Bạn sẽ thấy biết bao điều kỳ diệu đến và đi, nhưng bạn vẫn tĩnh lặng trong sự đến và đi đó. Mọi giải đáp sẽ hiển lộ và bạn sẽ tức thời nhận thấy bản chất thực sự của vạn hữu. Đó là hạnh phúc của kẻ giác ngộ.
Khi hành thiền có cần phải đạt đến trạng thái nhập định không ?
Hỏi: Khi hành thiền có nhất thiết phải đạt đến trạng thái nhập định không?
Đáp:
Không cần thiết. Bạn chỉ cần có tâm an tịnh và đạt đến nhất tâm là đủ. Rồi dùng sự nhất tâm đó để xem xét chính bạn. Ngoài ra, chẳng cần phải có điều kiện nào khác. Nếu đạt được định tâm cũng tốt, nhưng chẳng cần phải dính mắc, chấp chặt vào chúng. Một số người dính mắc vào trạng thái định tâm; đấy là một trở ngại. Trạng thái định tâm cũng có thể đem lại nhiều thích thú, nhưng bạn nên hạn chế. Nếu bạn khéo léo một chút, bạn sẽ biết cách sử dụng và giới hạn trạng thái này.
Làm thế nào để chế ngự được dục vọng thú vui thể xác ?
Hỏi: Làm thế nào để có thể chế ngự được dục vọng? Đôi khi tôi cảm thấy mình thật sự bị nô lệ vào những thú vui thể xác.
Đáp:
Tham dục phải được quân bình bằng sự chú tâm vào đề mục bất tịnh. Dính mắc vào vóc dáng có thể là một cực đoan. Gặp trường hợp như thế, chúng ta phải để tâm đến một cực đoan khác của cơ thể. Chúng ta hãy quan sát cơ thể và xem đó như một xác chết. Hãy nhìn vào tiến trình tan rã, huỷ hoại của một xác chết. Cũng có thể quan sát từng bộ phận của cơ thể như phổi, tim, gan, mắt, máu, nước tiểu, mồ hôi,…. Hãy nhớ lại hình ảnh của các yếu tố bất tịnh của cơ thể mỗi khi tham dục phát sinh. Làm như thế sẽ tránh khỏi tham dục quấy nhiễu.
Làm thế nào để kiểm soát cơn giận dữ ?
Hỏi: Còn về sự nóng giận thì sao? Khi cơn giận nổi lên, tôi phải làm thế nào?
Đáp:
Phải niệm tâm từ. Khi tâm nóng giận phát sinh, bạn phải quân bình chúng bằng cách khai triển từ tâm. Nếu có ai làm điều gì xấu đối với bạn hay giận bạn, bạn cũng đừng giận dỗi. Nếu tức giận, bạn càng si mê và tối tăm hơn người đó nữa. Hãy sáng suốt giữ tâm từ ái và thương người đó, vì người ấy đang đau khổ. Hãy làm cho tâm tràn đầy tình thương, xem người đang giận mình như anh chị em thân yêu của mình. Lúc bấy giờ, hãy chú tâm vào cảm giác từ ái, và lấy sự từ ái làm đề mục Thiền Định. Trải lòng từ đến tất cả chúng sinh trên toàn thế giới. Chỉ có lòng từ ái mới thắng được tâm sân.
Đôi khi bạn có thể thấy vài vị Sư có hành động và thái độ không tốt. Điều này làm bạn bất bình. Sự bất bình này là một phiền não, đau khổ không cần thiết. Có những ý nghĩ bất bình như thế là bạn đã đi ra ngoài Giáo Pháp của Đức Phật. Khi bạn thấy những vị Sư không tốt, tư tưởng sau đây có thể đến với bạn: những vị này không hành thiền một cách tích cực như ta, đấy là những vị không tốt,… Suy nghĩ như vậy là tự tạo ra và mang lấy vào mình một phiền não lớn lao. Đừng so sánh, phê phán, phân biệt. Hãy để cho thành kiến, quan niệm của bạn trôi đi và theo dõi chính mình. Đó là Giáo Pháp.
Bạn không thể nào khiến người khác làm đúng như bạn hay theo ý bạn. Đừng ao ước điều gì diễn ra theo ý muốn của mình, vì đó là nguyên nhân gây ra sự đau khổ. Thiền sinh thường vấp phải những khuyết điểm thông thường như thế. Hãy nhớ rằng: việc quan sát, theo dõi kẻ khác không giúp cho bạn mở mang trí tuệ. Đừng phí phạm thì giờ và tâm trí quan sát người khác, mà hãy xem xét chính mình, xem xét cảm giác của mình. Đó là phương pháp giúp cho bạn mở mang trí tuệ.
Làm thế nào để hết buồn ngủ trong khi thiền ?
Hỏi: Trong lúc hành thiền, tôi hay buồn ngủ. Sự buồn ngủ làm cho tôi khó hành thiền. Tôi phải làm thế nào để hết buồn ngủ?
Đáp:
Có nhiều cách để chế ngự cơn buồn ngủ. Nếu bạn đang ngồi trong chỗ tối, hãy đến ngồi ở chỗ sáng hơn và mở mắt ra. Đứng dậy, đi rửa mặt. Vỗ vào mặt hay đi tắm. Nếu vẫn còn buồn ngủ, hãy thay đổi tư thế. Đi bộ nhiều hơn. Đi thụt lùi. Đi thụt lùi khiến bạn chú ý đến bước đi nhiều hơn và hết buồn ngủ.
Nếu vẫn còn buồn ngủ, hãy đứng một chỗ, tưởng tượng rằng ánh sáng chan hòa khắp nơi. Cũng có thể đến ngồi gần mép cầu thang cao hoặc ngồi bên bờ miệng giếng sâu, bạn sẽ không còn dám buồn ngủ nữa.
Nếu đã làm tất cả những chuyện ấy mà vẫn buồn ngủ, hãy đi ngủ! Nằm xuống từ từ, thận trọng theo dõi tâm cho đến khi hoàn toàn rơi vào giấc ngủ. Khi thức giấc, hãy tỉnh thức ngay! Đừng xem đồng hồ hay nằm nướng thêm. Hãy chánh niệm ngay từ lúc bạn bắt đầu thức dậy.
Nếu ngày nào bạn cũng thấy buồn ngủ, hãy cố gắng ăn ít đi. Hãy tự xem xét mình. Khi thấy còn chừng năm muỗng nữa sẽ no, hãy ngừng lại đừng ăn nữa, rồi uống nước vào, sau đó đến chỗ ngồi theo dõi sự buồn ngủ và sự đói bụng của bạn. Bạn hãy tập cách quân bình sự ăn uống của mình. Khi tiếp tục làm như thế, bạn sẽ tự nhiên thấy mình tinh tấn hơn và sẽ ăn ít đi.
Tại sao nên lế lạy Tam Bảo hàng ngày ?
Hỏi: Tại sao hàng ngày chúng tôi phải lạy rất nhiều?
Đáp: Lễ lạy Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) rất quan trọng. Đó là hình thức biểu hiện bên ngoài một phần việc hành thiền của bạn. Hình thức lễ lạy phải làm một cách đúng đắn. Đầu phải để sát xuống sàn, cùi chỏ phải để gần đầu gối và hai đầu gối phải cách nhau một gang tay. Lạy chậm chậm và chánh niệm trên thân thể bạn. Đó là cách chữa bệnh kiêu ngạo, ngã mạn. Chúng ta phải lễ lạy thường xuyên. Khi lạy ba lạy, bạn có thể giữ trong mình ba đặc tính quý báu: Phật, Pháp, Tăng. Đó là đức tính của tâm trong sạch, sáng suốt và bình an. Lễ lạy là dùng hình thức bên ngoài để tự huấn luyện mình, làm cho cơ thể và tâm hồn trở nên điều hòa.
Đừng để rơi vào khuyết điểm là nhìn xem những người khác lễ lạy như thế nào. Những chú Tiểu mới tu có vẻ khờ khạo, buồn ngủ hay những vị Sư già có vẻ thiếu chánh niệm không phải là đối tượng để cho bạn phán đoán. Mỗi người có những đặc tính riêng, bởi vậy khó có một phương pháp huấn luyện tổng quát. Một vài người học hiểu rất nhanh; một số khác lại có vẻ chậm chạp khi thực hành hay tiếp thu những điều dạy dỗ. Phán đoán kẻ khác chỉ làm gia tăng tính tự kiêu, ngã mạn của bạn.
Thay vì phán đoán kẻ khác, hãy xem xét chính mình. Lễ lạy thường xuyên sẽ giúp bạn dần dần loại bỏ được những tính xấu ấy. Những vị nào đã hài hoà với Giáo Pháp sẽ vượt qua những hình thức bên ngoài. Mỗi việc họ làm đều là một hình thức lễ lạy. Khi ăn, họ nghiêm trang như đang lạy; khi đi, đứng, nói năng, họ cũng nghiêm trang như đang lễ lạy; đối xử với mọi người họ cũng nghiêm trang như đang lễ lạy. Tại sao họ có tư thái như thế? Bởi vì họ đã vượt ra ngoài sự ích kỷ.
Vẫn đề khó khăn nhất đối với các thiền sinh mới là gì ?
Hỏi: Đối với những học trò mới, Ngài gặp phải vấn đề gì khó khăn nhất?
Đáp:
Đối với những thiền sinh mới, vấn đề khó khăn nhất và cũng là một trở ngại lớn lao ảnh hưởng đến việc hành thiền của họ là quan điểm và ý kiến riêng của họ về mọi vấn đề: Quan điểm ngay chính họ, quan điểm về sự thực hành, quan điểm về những lời dạy của Đức Phật. Tri kiến của họ là những vấn đề, những trở ngại lớn lao!
Phần lớn những người học thiền ở đây là người có địa vị cao trong xã hội. Họ là những nhà buôn giàu có, những người tốt nghiệp đại học, giáo sư, sĩ quan. Khối óc của họ chứa đầy quan niệm. Họ biết đủ thứ; họ quá giỏi giang nên không cần đến người khác. Chẳng khác nào một cái chén đựng đầy nước dơ nếu đổ thêm nước vào thì chẳng dùng được gì cả. Phải đổ nước cũ đi, chùi sạch cái chén thì mới có thể sử dụng được.
Bởi thế, thiền sinh phải để cho đầu óc mình trống rỗng; bỏ hết mọi quan niệm, ý kiến, sự hiểu biết của mình, lúc bấy giờ, họ mới có thể thấy được chân lý. Việc thực hành của chúng ta vượt ra ngoài sự thông minh và sự ngu dốt. Nếu bạn tự nghĩ rằng, “Ta thông minh, ta lanh lợi, ta giàu có, ta là nhân vật quan trọng, ta hiểu biết rõ Giáo Pháp của Đức Phật,” bạn đã làm lu mờ chân lý Vô Ngã. Đâu đâu bạn cũng nhìn thấy Tôi và Của Tôi mà thôi. Như vậy là bạn đã đi ra ngoài Giáo Pháp của Đức Phật, vì Phật Giáo loại bỏ tự ngã.
Nghiệp báo là gì?
Hỏi: Xin Thầy giải thích thêm về nghiệp báo.
Đáp:
Nghiệp là tác động. Nghiệp là sự dính mắc. Hành động, lời nói và tâm chúng ta đều tạo ra nghiệp khi chúng ta dính mắc. Chúng ta tạo thói quen khiến chúng ta khổ trong tương lai. Đó là kết quả của sự dính mắc, cũng là kết quả của những phiền não trong quá khứ. Mọi tham ái đều dẫn đến nghiệp.
Giả sử, trước khi trở thành một nhà Sư, bạn là một tên trộm. Bạn ăn cắp, làm cho người khác đau khổ, làm cho cha mẹ buồn lòng. Bây giờ, đã là một nhà Sư, nhưng mỗi khi nhớ đến những việc sai quấy, đã làm trước đây, bạn không khỏi đau buồn, ân hận. Hãy nhớ rằng không phải chỉ do thân thể mà cả ngôn ngữ và tâm hồn cũng tạo điều kiện cho những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Trong quá khứ, nếu làm điều gì tốt đẹp, bây giờ chỉ nhớ lại thôi, bạn cũng sẽ lấy làm sung sướng, hãnh diện. Trạng thái sung sướng, hãnh diện hôm nay là kết quả của những gì bạn đã làm trong quá khứ. Nói cách khác, những gì bạn nhận hôm nay là kết quả của nghiệp trong quá khứ.
Tất cả mọi sự đều được điều kiện hóa bởi nguyên nhân, dù đó là nguyên nhân đã có từ lâu hay trong khoảnh khắc hiện tại. Nhưng bạn cũng chẳng cần phải bâng khuâng, thắc mắc để tìm hiểu nghiệp gì thuộc về quá khứ, nghiệp gì thuộc về hiện tại, nghiệp gì thuộc về tương lai, mà bạn chỉ cần quan sát thân và tâm của bạn ngay hiện tại. Khi quan sát, theo dõi từng những biến chuyển của tâm, bạn sẽ tự hiểu rõ nghiệp báo. Vậy thì hãy quan sát tâm bạn đi, bạn sẽ thấy rõ mọi chuyện.
Đối với nghiệp của người ta thì hãy để cho người ta lo. Đừng bận tâm, đừng dính mắc vào chuyện quan sát, tìm hiểu hay lo lắng cho nghiệp của người khác làm gì. Nếu tôi uống thuốc đắng thì tôi đau khổ. Bạn khỏi cần chia sẻ sự đau khổ của tôi. Hãy nhận những gì tốt đẹp mà Thầy bạn đã đem lại cho bạn. Có như thế, bạn mới được bình an; tâm trí bạn mới giống như tâm trí Thầy bạn. Nếu quan sát tâm, bạn sẽ thấy. Dù bạn chưa biết gì về sự quan sát tâm, nhưng chỉ cần thực tập một lần, bạn sẽ hiểu rõ ràng. Tự bạn sẽ hiểu và chính đó là sự thực hành Giáo Pháp.
Lúc còn nhỏ, chúng ta thường được cha mẹ dạy dỗ và cha mẹ chúng ta cũng thường lấy làm bực mình vì ta.
Dĩ nhiên, cha mẹ nào cũng muốn ta nên người. Bạn sẽ thấy điều đó khi bạn thực tập một thời gian lâu. Khi bị cha mẹ, thầy cô phê bình, chỉ trích, chúng ta thường buồn rầu và tức giận, nhưng về sau chúng ta sẽ hiểu rõ cha mẹ và thầy cô hơn. Cũng vậy, cứ thực tập một thời gian, bạn sẽ hiểu. Những kẻ quá giỏi, quá thông minh, sẽ bỏ đi sau một thời gian ngắn, và không học được gì cả. Nếu bạn thấy rằng bạn giỏi hơn kẻ khác, bạn chỉ gặt hái sự đau khổ mà thôi. Đáng thương thay! Nhưng cũng chẳng cần phải âu sầu điều đó làm gì. Chỉ quan sát thôi.
Tại sao tôi cảm thấy khổ hơn khi đi tu ?
Hỏi: Đôi khi tôi có cảm tưởng rằng từ ngày trở thành một vị Sư, tôi càng bị khó khăn và đau khổ hơn.
Đáp:
Tôi biết một số bạn ở đây đã từng sống trong những tiện nghi vật chất và tự do hướng ngoại. Nay, các bạn phải sống với một nếp sống nghiêm khắc và bó buộc. Trong lúc thực hành, chúng tôi lại thường bắt các bạn ngồi và chờ đợi hàng giờ. Thực phẩm và khí hậu cũng khác hẳn ở quê hương bạn. Dù thế, mỗi người đều cố gắng vượt qua những trở ngại này, vì đau khổ dẫn đến sự chấm dứt đau khổ. Đây là cơ hội tốt để các bạn học hỏi. Lúc bạn nóng giận hay cảm thấy bâng khuâng, đấy là những duyên may lớn lao để bạn hiểu biết tâm mình. Đức Phật thường dạy: Phiền não là Thầy dạy của chúng ta.
Tôi xem học trò như con tôi. Tâm tôi lúc nào cũng đầy lòng từ ái yêu thương và mong cho họ được an lành. Đôi khi, tôi có làm cho bạn khó chịu hay đau khổ, đó cũng chỉ nhằm đem lại lợi ích cho bạn. Tôi biết một số các bạn ở đây có học thức cao và hiểu biết nhiều. Nhưng người ít học thức và có sự hiểu biết trung bình dễ hành thiền hơn. Nói như thế, nhưng cũng có nhiều khía cạnh phải chú ý. Các bạn có học thức cao chẳng khác nào một căn nhà lớn: các bạn phải lau chùi nhiều. Nhưng sau khi lau chùi xong, các bạn sẽ có nhiều phòng rộng rãi để sử dụng. Bạn có thể dùng phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, nhà bếp,… Vậy hãy kiên nhẫn.
Kiên nhẫn và chịu đựng là những yếu tố thiết yếu của sự hành thiền. Lúc tôi còn là một nhà Sư trẻ, tôi học và nói tiếng nước tôi, tôi ăn thức ăn quen thuộc của xứ tôi. Thế mà có đôi lúc tôi cảm thấy chán nản, thất vọng. Nhiều lần, tôi muốn hoàn tục và đôi khi còn có ý nghĩ tự sát nữa. Những đau khổ này phát sinh từ những tư tưởng sai lầm. Khi bạn thấy chân lý, bạn sẽ không còn bị lệ thuộc bởi quan niệm hay ý kiến nữa, tất cả mọi chuyện đều yên lặng, bình an.
Tại sao bạn không nên quá siêng năng ?
Hỏi: Tôi nhớ không lầm là Thầy từng nói Thầy rất sợ những thiền sinh quá tích cực, quá siêng năng?
Đáp:
Điều đó đúng. Tôi rất sợ những người đó. Tôi sợ những người có thái độ quá nghiêm trọng như thế. Nhất là những người rất nỗ lực, rất tích cực, nhưng thiếu trí tuệ. Họ tự ép mình vào những cố gắng không cần thiết. Một số các bạn ở đây có quyết định phải tu hành giác ngộ mới được, bởi thế họ hết sức tích cực. Họ nghiến răng và tranh đấu với chính mình, lúc nào họ cũng chiến đấu để mau chóng đạt đến giác ngộ, giải thoát. Những cố gắng liên tục đem lại cho họ nhiều khó khăn, đau khổ. Ai cũng thế cả. Họ không hiểu bản chất của sự vật. Tất cả mọi cấu tạo, thân và tâm đều vô thường. Chỉ cần đơn thuần quan sát chúng mà đừng dính mắc vào chúng, đừng để chúng ràng buộc mình.
Có một số người quá tích cực như thế nên họ hay chỉ trích, phê bình; họ thường theo dõi người khác để phê phán. Họ muốn thế thì cứ để họ làm. Hãy để họ qua một bên với những quan niệm của họ. Riêng chúng ta, chúng ta đừng có một sự phê phán, một sự phân biệt nào. Ai có quan niệm gì, ai muốn thực hành ra sao, cứ để mặc họ. Hãy lo cho chính mình. Đừng phân biệt, vì phân biệt rất nguy hiểm, chẳng khác nào đang lái xe trên khúc đường có nhiều khúc cong nguy hiểm, chúng ta phải chăm chú lái xe, đừng để xe đi lệch ra ngoài. Nghĩ đến sự xấu tốt của kẻ khác, so sánh người với mình: Người ấy xấu hơn tôi, người ấy tốt hơn tôi, người ấy bằng tôi,… là đi lệch ra khỏi con đường và gặp nguy hiểm. Nếu chúng ta phân biệt, chúng ta chỉ gặt hái đau khổ mà thôi.
Bị đau khi ngồi thiền phải làm sao ?
Ứng xử với cái đau khi ngồi thiền như thế nào?
(Trích 30 ngày Thiền Quán – Thiền Sư Joseph Goldstein)
Chúng ta đối phó với những khó chịu của tinh thần và cảm xúc như thế nào thì ta cũng có thể đối phó với cơn đau thể chất của mình như thế đó. Tiếp xúc được với cái đau nơi thân cũng như học cách cởi mở với chúng là việc vô cùng quan trọng. Vì ta đối xử với cơn đau của mình trong khi ngồi thiền ra sao, thì cách ta đối xử với những khó khăn trong cuộc sống cũng giống y như thế. Đức Phật đã nhắc nhở chúng ta về một chân lý hết sức hiển nhiên là khi đã sinh ra thì tất nhiên ai cũng phải chịu kết quả của sự trưởng thành, hư hoại và chết. Đã mang thân người thì chúng ta có thể tin chắc rồi có lúc mình sẽ phải chịu đau đớn và bệnh hoạn, cũng như thân này rồi một ngày sẽ mất. Phần lớn trong sự tu tập Thiền Quán của ta là để có thể cởi mở với sự thật đó ngay bây giờ – không phải chỉ giản dị nghĩ về chúng, mà là kinh nghiệm chúng một cách trực tiếp và sâu sắc. Nếu có một cơn đau trỗi lên trong khi thiền tập, thiền sinh có thể thử vài phương pháp quán niệm sau đây.
Trước hết, hãy ghi nhận phạm vi tổng quát của vùng cảm xúc – như đầu gối hay lưng chẳng hạn. Chỉ đơn giản ý thức được cảm xúc ấy một cách toàn diện, hãy giữ cho tâm mình trở nên thoải mái, nhẹ nhàng ở với cảm xúc ấy nơi thân. Tiếp đến, thiền sinh hãy quán sát thật chính xác đặc tính của cảm thọ ấy. Nó như thế nào? Nóng? Nặng nề? Nhức nhối? Quặn thắt? Hay một cảm giác nào khác?
Khi ta ghi nhận được rõ ràng tính chất của những gì mình đang cảm xúc, tâm ta sẽ trở nên an định hơn. Sau khi đã nhận diện được cảm xúc nào đang thực sự có mặt, bước tiếp theo sẽ đưa ta đi sâu hơn chút nữa. Hãy tập trung sự chú ý của mình vào ngay bên trong vùng cảm giác ấy, chính xác ngay nơi điểm nào mà cường độ cảm xúc mạnh nhất. Ghi nhận hết những gì đang xảy ra nơi điểm cảm xúc ấy.
Thường thì cảm xúc ấy sẽ biến đổi, và rồi sẽ có một điểm cảm xúc mới trở nên mạnh mẽ hơn. Thiền sinh hãy chú ý đến điểm mới xuất hiện đó, và tiếp theo sẽ có một điểm mới nữa. Giống như mình đang chơi trò nối liền những điểm cảm xúc lại vậy. Và khi nào tâm ta cảm thấy mệt mỏi, hãy đem nó trở về chú ý đến toàn thể vùng cảm xúc, hoặc là chú ý đến hơi thở. Thường thì việc thay đổi luân phiên sự chú ý giữa hơi thở và cái đau, mỗi lần khoảng 5 phút, vẫn là phương pháp hữu hiệu nhất. Vì tâm ta có khuynh hướng tránh né, thoái lui, hoặc trở nên nhàm chán khi ta kinh nghiệm một cảm giác khó chịu nào đó quá lâu. Nếu ta không biết cách đối phó với cái đau một cách khéo léo thì nó có thể làm cho tâm ta trở nên mỏi mệt, rồi chánh niệm và sự tinh tấn cũng theo đó mà suy giảm. Thay đổi sự chú ý giữa hơi thở và cảm giác đau sẽ giữ cho ta được tỉnh táo và linh động. Sự thay đổi xen kẽ này cũng giúp cho nghị lực của ta phát triển theo một cách khác nữa. Khi cơn đau đang mạnh, tâm ta lúc đầu sẽ có khuynh hướng trụ vào đó mà không cần một sự cố gắng nào. Tâm ta rất khó bị xao lãng khi đang có một cảm giác đau mạnh.
Nhưng vì ta không phải cố gắng nhiều để chú ý đến cái đau nên nghị lực cũng theo đó mà trở nên yếu ớt. Nếu thỉnh thoảng ta lại đem sự chú ý trở về với hơi thở, mặc dù khi ấy cái đau vẫn còn trội hơn, ý chí và nghị lực của ta sẽ được phát triển mạnh mẽ. Thỉnh thoảng trở về với hơi thở sẽ củng cố và làm tăng trưởng nghị lực của ta. Rồi khi trở lại quán chiếu cái đau nơi thân, ta sẽ có thể kinh nghiệm được chúng trên một bình diện mới khác lạ hơn. Sự tích tụ quan trọng này sẽ giúp cho xung lực của ta được mạnh mẽ thêm, và cũng nhờ đó mà sự tu tập được sâu thẳm hơn. Nó tác động cũng giống như một máy phần tử gia tốc trong ngành vật lý nguyên tử vậy. Những chất điểm di chuyển mỗi lúc một nhanh, cho đến khi chúng có khả năng tách đôi được một hạt nguyên tử.
Trong Thiền Quán, chúng ta sẽ tích tụ năng lượng của chánh niệm cho đến khi đủ mạnh để nhìn thấy thực tại trên nhiều bình diện hoàn toàn khác nhau. Sự tăng trưởng của xung lực ấy phát xuất từ một chánh niệm thường trực và một nghị lực đều đặn mang tâm ta trở về với đề mục căn bản của Thiền Quán. Ép buộc sự chú ý của ta phải bỏ cái đau để trở về với hơi thở dĩ nhiên là sẽ phản tác dụng. Nhưng nếu ta biết dẫn dắt tâm mình một cách tự nhiên, ta sẽ bảo tồn và tích tụ được năng lượng, cho đến khi ta có thể sử dụng sức mạnh nội tâm ấy để khám phá được những tuệ giác sâu xa hơn. Khi chúng ta có thể cởi mở và tiếp xúc với cái đau trong thiền tập, ta sẽ khám phá những sự dính mắc vi tế của mình vào nó. Ta sẽ thấy được những ác cảm và sợ hãi cái đau, cũng như theo dõi được tâm mình lên án và ghét bỏ chúng.
Tất cả chúng ta đều đã từng đối xử với những khổ thọ của mình theo cách vô ích như thế, không hề đem lại cho ta một sự an lạc nào. Và khi ta biết thực tập duy trì chánh niệm, sự chuyển hóa nhiệm mầu sẽ bắt đầu xảy ra trong ta.
Khi tôi mới bắt đầu tập ngồi thiền, cái đau nơi đầu gối nhức nhối khôn cùng, khiến tôi không tài nào ngồi yên được đến 10 phút. Sự khó chịu ấy bắt tôi phải nhúc nhích và thay đổi vị thế ngồi liên tục. Thế rồi tôi nghĩ thầm: “Chắc là mình nên ngồi trên ghế.” Nhưng vì tôi khá cao nên một chiếc ghế bình thường là quá thấp, tôi phải đặt vài viên gạch dưới mỗi chân ghế để nâng nó lên một chút. Rồi đến lượt mấy con muỗi đến vo ve, quấy rầy. Thế là tôi lại phải giăng một chiếc mùng phủ lên trên ghế. Chẳng mấy chốc, tôi đã biến chỗ ngồi thành một ngôi báu để sự thiền tọa được dễ chịu, thoải mái hơn.
Có nhiều lần vị Thiền Sư của tôi, Ngài Munindra-ji, ghé qua thăm chỗ tôi ngồi, làm tôi cảm thấy hổ thẹn vô cùng. Mặc dù trong thời gian đầu rõ ràng là sức chịu đựng cái đau của tôi chẳng là bao nhiêu, nhưng dần dà nhờ công phu tu tập tâm tôi trở nên vững mạnh và bớt sợ sệt. Tôi học được cách trở nên thư thái đối với cái đau, thay vì căng thẳng hoặc gồng người chịu đựng mỗi khi nó khởi lên. Khi ta thay đổi mối tương quan của mình đối với cái đau trong lúc ngồi thiền, ảnh hưởng của điều đó sẽ lan ra rất xa. Những khó khăn trong lúc ngồi thiền sẽ dạy cho ta phương pháp để đạt được tự do trong những hoàn cảnh bất an khác của cuộc sống. Chúng ta đối xử với giây phút hiện tại này ra sao, ngay lúc này đây, với sự khó chịu, với cái đau, với những điều bất như ý như thế nào? Tôi nhận thấy có một điều khá thú vị là bao giờ cũng vậy, những hoàn cảnh mà ta cho rằng không thể chịu nổi, thường là do chính sự chống cự của ta làm cho trở thành không thể chịu nổi! Vấn đề khó khăn không phải do hoàn cảnh, mà vì ta bất lực không thể sống chung với chúng, không cởi mở được với chúng mà thôi.
Nhưng dù sao chúng ta cũng cần phải ý thức được khả năng và giới hạn của mình trong mỗi hoàn cảnh. Đôi khi, cũng có những kinh nghiệm rất mãnh liệt mà ta không thể nào hoàn toàn cởi mở với chúng được. Có lúc ta cần phải lui lại một thời gian, hay là tiến lại gần một cách từ tốn, chậm chạp hơn. Giữ được sự quân bình này là một chìa khóa rất trọng yếu cho sự tu tập. Bao nhiêu là đủ, trước khi chúng ta từ bỏ đường lối nhẹ nhàng, ôn hoà của mình và đóng kín cửa lại, trước khi ta có thể nói rằng, “Bấy nhiêu đó là đủ rồi”? Nới rộng giới hạn của mình ra nhiều khi lại làm cho ta trở nên dũng mãnh hơn.
Bằng phương pháp tu tập đơn giản này, ta sẽ phát triển được một tâm lực kiên cố, một khả năng đối diện với những hoàn cảnh khổ đau trong cuộc đời. Sức mạnh ấy chắc chắn sẽ chuyển hóa sự sống của ta.
Một số câu hỏi khác
Hỏi: Tại sao chúng ta phải hành hạnh đầu đà? Chẳng hạn, chỉ ăn thức ăn đựng trong bát, không được dùng thức ăn đựng trong chén đĩa?
Đáp:
Hạnh đầu đà giúp cắt đứt phiền não. Chỉ ăn thức ăn trong bát giúp chúng ta chánh niệm, giác tỉnh hơn và xem thức ăn như một món thuốc chữa bệnh. Nếu chúng ta không có phiền não, chúng ta có thể ăn như thế nào cũng được. Ở đây, chúng ta thực hành như thế này là để có một đời sống đơn giản. Đức Phật không buộc mỗi tu sĩ đều phải giữ hạnh đầu đà. Ngài cho phép những ai muốn thực hành tích cực được giữ hạnh đầu đà vì hạnh đầu đà giúp gia tăng ý chí và sức mạnh tinh thần. Đây là một hạnh tự nguyện. Đừng để ý đến người khác đã thực hành như thế nào. Hãy quan sát chính tâm bạn và tìm xem hạnh đầu đà đem lại lợi ích gì cho bạn.
Ngay ở đây, khi thiền sinh đến tu, họ sẽ được chỉ định một căn lều để ở. Họ được chỉ định, không được tự do chọn lựa. Việc đó nhằm mục đích giúp thiền sinh không bám víu, dính mắc vào chỗ ở; ở đâu cũng được. Sau khi hành thiền một thời gian, nếu họ ra đi rồi trở lại hành thiền lần nữa, họ sẽ được chỉ định ở một lều khác. Đó là cách thực tập của chúng tôi – tập không dính mắc vào bất cứ chuyện gì.
Hỏi: Nếu chỉ ăn thức ăn đựng trong bát là điều quan trọng để hành thiền, tại sao là Thầy mà Ngài không ăn trong bát như chúng tôi? Ngài không nghĩ rằng một vị Thầy phải làm gương cho người khác noi theo sao?
Đáp: Đúng. Một vị Thầy phải làm gương cho học trò noi theo. Tôi không trách bạn chỉ trích điều đó. Bạn có thể hỏi bất cứ điều gì bạn muốn. Nhưng điều quan trọng tôi muốn nói ở đây là đừng dính mắc vào vị Thầy nữa. Nếu tôi có hình thức bên ngoài hoàn toàn tuyệt hảo thì thật là kinh khủng! Tất cả các bạn sẽ dính mắc vào tôi. Ngay Đức Phật nhiều lần bảo học trò làm thế này nhưng Ngài làm thế khác. Sự nghi ngờ của bạn đối với vị Thầy có thể giúp bạn.
Bạn nên theo dõi chính bản thân mình. Phải theo dõi những phản ứng của mình. Có khi nào bạn nghĩ rằng tôi để thức ăn ở dĩa rồi đem cho những thiện tín làm việc quanh ngôi chùa này không? Muốn có trí tuệ, chính bạn phải biết quay lại và khai triển ở chính mình. Hãy học hỏi ở Thầy những điều tốt đẹp, và chú tâm tỉnh thức, hiểu biết mình trong khi thực hành. Nếu tôi đang nghỉ ngơi thoải mái, trong khi đó bạn phải ngồi xếp bằng để tham thiền, bạn có lấy làm tức tối không? Khi tôi nói đây là màu xanh, kia là màu đỏ, đó là đàn ông, đây là đàn bà, bạn phải tự mình quan sát, đừng nghe theo tôi một cách mù quáng.
Một vị Thầy của tôi trước đây ăn rất nhanh. Khi ăn, ông ta gây ra những tiếng động ồn ào, nhưng ông ta lại dạy chúng tôi phải ăn chầm chậm và chú tâm tỉnh thức trong khi ăn. Quan sát Thầy, tôi lấy làm thất vọng và buồn nản. Tôi đau khổ trong khi ông ta vẫn tự nhiên! Thật ra tôi đã quan sát bên ngoài mà không quan sát chính tôi. Sau này, tôi mới hiểu rõ được điều đó. Có nhiều người lái xe rất nhanh, nhưng cẩn thận. Trong khi đó, một số khác lái xe rất chậm nhưng lại gây ra rất nhiều tai nạn. Đừng dính mắc vào những quy luật có sẵn. Đừng dính mắc vào hình thức bên ngoài!
Nên nhìn người ngoài mười phần trăm (10%), và để lại chín mươi phần trăm (90%) theo dõi chính mình. Đó là phương pháp thực hành tốt đẹp. Trong thời gian đầu, tôi thường để tâm quan sát Thầy tôi là Ngài Ajahn Toong Rath và có nhiều nghi ngờ đối với Ngài. Nhiều người nghi Ngài là một người bất bình thường. Ngài làm nhiều chuyện kỳ lạ và đối xử rất khắt khe với học trò. Bề ngoài Ngài có vẻ rất nóng giận, nhưng bên trong thì rất bình lặng. Tâm hồn Ngài rất trong sáng và luôn luôn chánh niệm cho đến giây phút Ngài qua đời.
Thông thường, chúng ta hay nhìn bề ngoài để so sánh phân biệt. Nếu cứ nhìn bề ngoài để quan sát thiên hạ, bạn sẽ không bao giờ có hạnh phúc. Cũng như thế, nếu bạn muốn tìm thấy sự an bình mà lại cứ phí thì giờ để quan sát theo dõi những người hoàn toàn hay những vị tuyệt hảo, bạn cũng sẽ không được bình an chút nào. Đức Phật dạy chúng ta phải nhìn vào Giáo Pháp, chân lý, chớ đừng nhìn vào kẻ khác.
Hỏi: Những phiền não như tham, sân là ảo tưởng hay có thật?
Đáp: Tâm tham và sân vừa có thật, vừa là ảo tưởng. Những phiền não mà ta thường gọi là tham ái, tham dục, dính mắc hay sân giận, sân hận, si mê,… chỉ là những cái tên bên ngoài. Giống như trường hợp ta gọi cái chén này đẹp, xấu; cái chén kia to, nhỏ,…, đó là không phải sự thật. Những cái tên được gọi một cách quy ước như vậy phát khởi từ sự tham ái của chúng ta. Nếu muốn một cái chén lớn hơn, ta chê cái chén kia là cái chén nhỏ. Lòng tham ái khiến chúng ta có sự phân biệt. Thật ra, chân lý không có tên gọi. Nó thế nào thì để nó thế ấy.
Hãy nhìn sự vật theo đúng thực tướng của chúng, đừng định danh theo quan niệm thiên lệch của mình. Bạn là đàn ông phải không? Bạn có thể trả lời, “Phải“. Đó chẳng qua là sự biểu hiện bên ngoài của sự vật. Thật ra, bạn chỉ là sự kết hợp của nhiều yếu tố, là một tổng hợp của các uẩn biến đổi không ngừng. Khi bạn có một tâm hồn tự do, cởi mở, bạn không còn có sự phân biệt nữa. Chẳng có lớn hay nhỏ, chẳng có tôi và anh, chẳng có gì cả. Vô ngã hay không có một linh hồn vĩnh cửu. Thật ra cuối cùng thì chẳng có ngã hay vô ngã gì cả. Đó chỉ là những danh từ quy ước.
Hỏi: Sau một thời gian hành thiền, nay tâm tôi rất an tịnh trong lúc hành thiền. Tôi nên làm gì cho bước kế tiếp?
Đáp: Tâm an tịnh và tập trung là một điều tốt. Hãy dùng tâm bình an, tĩnh lặng và tập trung này để xem xét thân và tâm. Ngay cả những lúc tâm bất an, bạn cũng phải để tâm theo dõi; sau đó bạn sẽ thấy tâm an tịnh. Tại sao vậy? Bởi vì bạn sẽ thấy được sự vô thường. Ngay cả sự bình an, tĩnh lặng cũng phải được xem là vô thường nữa. Nếu bạn bị dính mắc vào trạng thái an tịnh, bạn sẽ đau khổ khi không đạt được trạng thái bình an, tĩnh lặng. Hãy vất bỏ mọi sự, ngay cả sự bình an tĩnh lặng.
Hỏi: Tôi hành thiền nhiều năm. Hầu như bất cứ lúc nào, trong hoàn cảnh nào, tâm trí tôi cũng mở rộng và luôn có được sự bình an, tĩnh lặng. Nay, tôi muốn trở về lối cũ: đọc sách hay tìm hiểu giáo lý,…, và thực hành Thiền Định ở mức cao hơn hoặc muốn đạt đến nhập định. Thầy thấy thế nào?
Đáp: Được lắm. Việc này rất có ích cho việc huấn luyện tâm. Nếu bạn có trí tuệ, bạn sẽ không bị dính mắc vào trạng thái định tâm. Trường hợp này cũng giống như trường hợp muốn ngồi thiền thật lâu. Đó là cách rất tốt để thực tập, để huấn luyện tâm mình. Đó là trí tuệ. Khi bạn đã xem xét và hiểu biết tâm mình, bạn sẽ có đủ trí tuệ để hạn chế sự định tâm cũng như có đủ trí tuệ để bớt lệ thuộc vào sách vở.
Nếu bạn đã thực hành thuần thục và không còn dính mắc hay bị lệ thuộc vào bất cứ cái gì, lúc bấy giờ bạn hãy trở về với sách vở. Sách vở chẳng khác nào đồ ăn tráng miệng, sách vở có thể giúp bạn chỉ dẫn kẻ khác. Bạn cũng có thể trở về với Thiền Định và thực tập để đạt đến tâm định, và với trí tuệ là không dính mắc vào bất cứ điều gì.
Hỏi: Xin Thầy giảng giải thêm về việc chia sẻ cho người khác những lời dạy của Đức Phật.
Đáp: Hành động với thiện tâm và từ ái là đường lối căn bản và tốt đẹp nhất để truyền bá Giáo Pháp của Đức Phật. Làm việc lành, giúp đỡ mọi người với tâm từ ái và đạo đức sẽ mang lại kết quả tốt đẹp, khiến cho tâm hồn bạn và tâm hồn người mát mẻ, hạnh phúc. Dạy dỗ kẻ khác là một trách nhiệm cao đẹp và quan trọng, phải làm với tất cả nhiệt tâm của mình. Phải ý thức rằng trong khi dạy dỗ kẻ khác, bạn cũng tự dạy cho mình. Bạn phải tự mình thực tập, tự mình làm cho mình trong sạch, chứ không phải chỉ đơn thuần nói cho người khác biết thế nào là đúng, là sai. Bạn phải thực hành tất cả những gì bạn đã dạy dỗ kẻ khác với tất cả tấm lòng của mình. Phải hết sức thành thật với chính bạn và với mọi người. Phải hiểu rõ đâu là trong sạch, đâu là ô nhiễm. Cốt tuỷ của những lời Phật dạy là học hỏi cách nhìn sự vật một cách chân xác, trọn vẹn và rõ ràng. Thấy được thực tướng của vạn hữu tự do, giải thoát.
Kết luận
Hỏi: Xin Thầy tóm lược lại những điểm chính của buổi vấn đạo hôm nay.
Đáp: Bạn phải tự xem xét mình. Hiểu mình là ai. Hiểu thân và tâm mình bằng sự quan sát theo dõi. Trong lúc ngồi thiền, trong khi ăn uống, ngủ nghỉ, bạn đều phải biết làm thế nào để giới hạn và điều hoà. Hãy sử dụng trí tuệ của bạn. Hành thiền không phải nhằm mục đích để đạt được, để hoàn thành một cái gì cả. Chỉ cần chú tâm tỉnh thức. Toàn thể việc hành thiền của chúng ta là nhìn thẳng vào tâm mình. Khi nhìn thẳng vào tâm mình, bạn sẽ thấy được sự khổ, nguyên nhân khổ và sự chấm dứt khổ. Bạn phải kiên nhẫn. Hãy kiên nhẫn nhiều và chịu đựng nhiều! Dần dần bạn sẽ thấu hiểu được và học hỏi được nhiều điều. Đức Phật dạy những học trò phải ở với Thầy ít nhất năm năm. Bạn phải học, phải hiểu giá trị của sự dứt bỏ, kiên nhẫn và tận tụy.
Đừng thực hành quá khắt khe, quá cứng rắn. Đừng bị lệ thuộc vào hình thức bên ngoài. Chú ý đến kẻ khác là một lối thực hành tệ hại. Hãy tự nhiên trong mọi chuyện và theo dõi tự nhiên không gò bó. Giới luật của nhà Sư và nội quy của thiền viện rất quan trọng, vì chúng tạo nên sự đơn giản và điều hoà. Hãy sử dụng một cách có hiệu quả phương tiện quý báu này bằng cách tuân theo giới luật và nội quy. Nhưng hãy nhớ rằng: Tinh túy của giới luật là theo dõi tác ý của mình. Theo dõi và biết mình đang có ý định hay đang làm gì. Luôn luôn xem xét tâm mình. Phải có trí tuệ. Không có tâm phân biệt. Bạn có cảm thấy buồn khổ khi nhìn thấy một thân cây nhỏ trong rừng, chẳng cao, chẳng thẳng như những cây khác không? Chắc chắn là không rồi! Vì chỉ có những kẻ điên rồ mới lo lắng cho số phận của những cây cỏ èo uột trong rừng. Cũng thế, đừng phán đoán kẻ khác. Cuộc đời này có muôn màu muôn vẻ, bạn để tâm đến làm gì? Muốn thay đổi chúng chẳng khác nào mang gánh nặng vào thân. Vậy hãy kiên nhẫn, giữ giới luật, sống giản dị, tự nhiên, và theo dõi tâm. Đó là hành thiền. Đó là phương cách phát triển lòng vị tha, loại bỏ tính ích kỷ, dẫn dần đến an bình, hạnh phúc.