QUY Y TAM BẢO là gì? Lợi ích khi Quy y | Chi tiết về Ngũ Giới (pháp hành giới đức)

QUY Y TAM BẢO là gì?

Quy y Tam Bảo là:
– Quy y Phật Bảo (Buddhasaraṇa)
– Quy y Pháp Bảo (Dhammasaraṇa)
– Quy y Tăng Bảo (Saṃghasaraṇa)

Những ai đủ duyên lành quy y, nương nhờ nơi Tam Bảo: Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo, sẽ trở thành người cư sĩ nam hoặc cư sĩ nữ, có quả báu cao thượng trong kiếp này lẫn nhiều kiếp sau. Nếu có đủ Ba La Mật do tích lũy từ nhiều đời, nhất là có duyên lành gặp Đức Phật, hay Chư Thánh Tăng quá khứ, các vị có thể giác ngộ, chứng đạt Thánh Quả ngay trong kiếp này.

❖ Lợi ích của Quy Y Tam Bảo

Người Phật tử có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo và tu tập đúng theo những lời Đức Phật dạy là con đường Giới – Định – Tuệ, sẽ có bốn lợi ích thiết thực sau:

✓ An lạc hiện tại, tránh khỏi tái sinh trong 4 cõi ác giới.
✓ Giảm được sự khổ thân, khổ tâm.
✓ Tránh xa được sự kinh sợ, hiểm nguy.
✓ Thoát khỏi tử sinh luân hồi trong tam giới.

PHÁP HÀNH GIỚI ĐỨC là gì?

Pháp hành trong Phật giáo có 3 loại chính:
1- Pháp Hành Giới Đức
2- Pháp Hành Thiền Định
3- Pháp Hành Thiền Tuệ

1- Pháp Hành Giới Đức là giai đoạn đầu mà hành giả cần phải thực hành bằng cách giữ gìn thân, khẩu:

* Tránh xa 3 thân ác nghiệp là:

– Tránh xa sự sát sinh,
– Tránh xa sự trộm cướp,
– Tránh xa sự tà dâm.

* Tránh xa 4 khẩu ác nghiệp là:

– Tránh xa sự nói dối,
– Tránh xa sự nói lời chia rẽ,
– Tránh xa sự nói lời thô tục,
– Tránh xa sự nói lời vô ích.

Pháp Hành Giới Đức làm nền tảng nương nhờ cho Pháp Hành Thiền Định, Pháp Hành Thiền Tuệ phát triển.

2- Pháp Hành Thiền Định là giai đoạn giữa. Hành giả có Pháp Hành Giới Đức làm nền tảng để thực hành Thiền Định dẫn đến chứng đắc 5 bậc Thiền Sắc Giới, 4 bậc Thiền Vô Sắc giới và các phép thần thông.

3- Pháp Hành Thiền Tuệ là giai đoạn cuối. Hành giả có Pháp Hành Thiền Định làm nền tảng để thực hành Thiền Tuệ dẫn đến chứng Đạo Quả và Niết Bàn.

Cho nên, Pháp Hành Giới Đức là Pháp mà hành giả phải thực hành đầu tiên, giữ gìn giới đức của mình trong sạch, làm nền tảng nương nhờ cho Pháp Hành Thiền Định và Pháp Hành Thiền Tuệ phát triển tốt đẹp.

NGŨ GIỚI là gì?

Ngũ Giới (pañcasīla) là thường giới chung cho tất cả mọi người, không ngoại trừ một ai, không phân biệt già trẻ, trai gái, dân tộc. Tất cả đều phải giữ gìn Ngũ Giới trong sạch và trọn vẹn, bất luận là người có thọ trì Ngũ Giới hay không. Vì nếu người nào phạm một điều giới nào trong Ngũ Giới thì người ấy đã tạo ác nghiệp điều giới ấy, có cơ hội cho quả xấu ở hiện tại và vô số kiếp vị
lai. Còn nếu giữ gìn Ngũ Giới trong sạch và trọn vẹn thì người ấy tạo được đại thiện nghiệp giữ giới, có cơ hội cho quả tốt, đem lại sự an lạc, lợi ích, tiến hóa ở kiếp này và nhiều kiếp sau.

Ngũ Giới gồm có 5 điều là cố ý:

1. Tránh xa sự sát sinh.
2. Tránh xa sự trộm cướp.
3. Tránh xa sự tà dâm.
4. Tránh xa sự nói dối.
5. Tránh xa sự dễ duôi do uống rượu và các chất say.

a. Cố Ý Tránh Xa Sự Sát Sinh

Sát sinh là hành động cắt đứt sinh mạng của chúng sinh trước thời hạn hết tuổi thọ hay nghiệp lực của chúng sinh ấy. Nếu chúng sinh nào chết do bị ai đó giết hại thì người ấy đã tạo ác nghiệp sát sinh.

✓ Chi Pháp của ác nghiệp sát sinh

Để biết mình có tạo ác nghiệp sát sinh hay không, chúng ta cần phải căn cứ vào 5 chi Pháp sau:

1. Chúng sinh còn sinh mạng.
2. Biết rõ chúng sinh còn sinh mạng (chúng sinh khác)
3. Ác tâm nghĩ sẽ giết hại chúng sinh.
4. Cố gắng giết hại chúng sinh (tự làm hay sai bảo).
5. Chúng sinh ấy bị chết do sự cố gắng ấy.

Chúng sinh ở đây có thân (sắc) và tâm (thọ, tưởng, hành, thức). Nếu người nào có đủ 5 chi Pháp, thì phạm giới sát sinh. Nếu không hội đủ 5 chi Pháp, thì người ấy không phạm giới sát sinh.

✓ Cố gắng tạo ác nghiệp sát sinh, có 4 cách:

1. Tự mình cố gắng sát sinh bằng sức mạnh, vũ khí,…
2. Sai khiến người khác sát sinh bằng lời nói, chữ viết,…
3. Làm ra vũ khí sát sinh có tính chất lâu dài như bẫy, gươm giáo, súng đạn, chất nổ, thuốc độc,… Hễ có người dùng chúng để sát sinh, thì người làm ra chúng cũng phạm tội sát sinh.
4. Cố gắng sử dụng phép thuật, bùa chú, phù phép, trù ếm,… làm cho chúng sinh chết.

✓ Ác nghiệp sát sinh nhẹ hoặc nặng

Ác nghiệp sát sinh nặng hay nhẹ tùy vào chúng sinh bị giết lớn hay nhỏ, có giới đức hay không,… Chúng sinh là loài súc sinh: Nếu người nào giết các súc sinh có thân nhỏ bé như muỗi, kiến,… thì tạo ác nghiệp nhẹ, vì có sự cố gắng ít. Nếu giết súc sinh có thân hình to lớn như voi, bò, trâu, heo,… thì người ấy tạo ác nghiệp nặng, vì có sự cố gắng nhiều.

Chúng sinh là loài người

– Giết hại con người, tạo ác nghiệp nặng hơn giết hại loài súc vật.
– Giết hại người có giới, tạo ác nghiệp nặng hơn giết hại người không có giới.
– Giết hại bậc Thánh Nhân, tạo ác nghiệp nặng hơn giết hại hạng phàm nhân.
– Giết hại Thánh Nhân bậc cao, tạo ác nghiệp nặng hơn giết hại Thánh Nhân bậc thấp.
– Giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh A La Hán thì người ấy có ác nghiệp cực kỳ nặng thuộc về ngũ nghịch đại tội,
sau khi chết, chắc chắn sinh vào cõi đại địa ngục Avīci, chịu khổ lâu dài trong nhiều đại kiếp trái đất.

Nếu người nào đã tạo ác nghiệp sát sinh, mà biết sám hối, hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, từ bỏ mọi ác nghiệp, rồi cố gắng tạo mọi thiện nghiệp tùy theo khả năng, thì người ấy có thể làm giảm bớt tiềm năng cho quả khổ.

Còn với ác nghiệp nhẹ thì ác nghiệp ấy không có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau (Không phải là tạo thiện nghiệp rồi xóa được ác nghiệp). Nếu người nào đã tạo ác nghiệp giết súc vật hằng
ngày, mà không biết sám hối, hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi và từ bỏ mọi ác nghiệp, vẫn cứ tiếp tục tạo ác nghiệp này, như người đồ tể giết bò, heo, gà, vịt,… để bán thịt nuôi mạng, thì dù ác nghiệp nhẹ lâu ngày cũng trở thành ác nghiệp nặng, vì đó là Tập quán ác nghiệp.

✓ Tự sát có phải tạo ác nghiệp sát sinh không?

Tự sát là tác ý tự giết hại mình, nhưng có tạo ác nghiệp sát sinh hay không cần phải xét vào 5 chi Pháp:

1- Chúng sinh còn sinh mạng, đó là chính mình.
2- Biết rõ chúng sinh còn sinh mạng (chúng sinh khác).
3- Tâm nghĩ sẽ tự giết hại mình.
4- Cố gắng tự giết hại mình bằng cách nào đó.
5- Mình chết do sự cố gắng của chính mình.

Xét theo 5 chi Pháp trên, thì thiếu chi Pháp thứ 2 vì ám chỉ đến chúng sinh khác, không phải chính mình. Cho nên, tự sát không phải tạo ác nghiệp sát sinh. Ví như, để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác rất nhiều lần đã phải hy sinh thân mạng với thiện tâm và trí tuệ để thành tựu đầy đủ Ba La Mật. Vì vậy, Pháp hạnh Ba La Mật bậc thượng là đại thiện nghiệp bậc thượng, nên không phải là ác nghiệp sát sinh. Cho nên, những người vì lý tưởng cao thượng, hy sinh vì mục đích cao cả cho cộng đồng, cũng không phạm giới này.

Tuy nhiên, đối với những người tuyệt vọng cùng cực, rồi tự sát do tâm sân chán ngán cuộc đời. Dù hành động tự sát này không phải là ác nghiệp sát sinh (vì không đủ 5 chi Pháp), nhưng với tâm sân chán ngán cuộc đời (nguyên nhân tự sát) lúc lâm chung, nên khó tránh khỏi tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới.

✓ Một số vấn đề về điều giới sát sinh

Hỏi: Một người đi chợ mua thịt hay cá chết đem về làm đồ ăn có phạm điều giới sát sinh hay không?

Căn cứ theo 5 chi Pháp phạm điều giới sát sinh, thì không có một chi Pháp nào. Vậy người ấy không phạm giới sát sinh. Nếu như có người đi chợ, không chịu mua cá,… đã chết, mà chọn lấy những con còn sống, rồi bảo người bán hàng làm thịt những con ấy, và mua đem về làm đồ ăn. Khi đó, căn cứ theo 5 chi Pháp điều giới sát sinh thì hội đủ cả 5 chi, nên cả người bán và người mua đều phạm điều giới sát sinh.

Hỏi: Một người làm bếp đi chợ mua những con cá còn sống, đem về làm món ăn cho ngon miệng người chủ. Vậy, người làm món ăn và người chủ dùng món ăn có phạm điều giới sát sinh?

Căn cứ theo 5 chi Pháp phạm điều giới sát sinh, người làm bếp giết cá làm món ăn cho chủ nên phạm điều giới sát sinh, vì hội đầy đủ 5 chi Pháp giới sát sinh.

Nếu người chủ bảo người làm bếp phải mua cá còn sống, về làm món ăn cho mình, thì người chủ cũng phạm giới sát sinh. Còn nếu người chủ chẳng hay biết gì về người làm bếp giết cá, mà chỉ có biết dùng những món ăn được dọn sẵn, thì người chủ không phạm giới sát sinh.

Hỏi: Một người vô ý đóng cửa làm chết một con thằn lằn ở ngạch cửa. Người ấy có phạm giới sát sinh hay không?

Người ấy không phạm điều giới sát sinh, vì thiếu chi Pháp ác tâm nghĩ sẽ giết hại chúng sinh.

Hỏi: Một người tức giận con chó, có ác tâm muốn đánh chết con chó, nhưng nó không chết mà chỉ bị thương nặng thôi. Lần sau, người ấy lại đánh đuổi con chó ấy, có ác tâm làm cho nó sợ bỏ đi, nhưng chẳng may đụng nhằm vào vết thương cũ, làm cho con chó ấy chết. Vậy, người ấy phạm điều giới sát sinh trong lần nào?

Người ấy đã phạm điều giới sát sinh trong lần thứ nhất, không phải ở lần thứ nhì, vì lần thứ nhì người ấy đánh đuổi con chó, chỉ có ác tâm làm cho con chó sợ bỏ chạy đi, chứ không có ác tâm giết hại con chó.

✓ Phạm điều giới sát sinh tạo ác nghiệp trọng tội Người nào phạm điều giới sát sinh như giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh A La Hán, người ấy đã tạo ác nghiệp trọng tội thuộc về loại ngũ nghịch đại tội (vô gián trọng tội). Sau khi người ấy chết, chắc chắn ác nghiệp trọng tội ấy cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu khổ lâu dài, mà không có nghiệp nào có thể ngăn cản, làm gián đoạn được ác nghiệp ấy.

✓ Những trường hợp giết Cha, giết Mẹ, giết Bậc Thánh A La Hán

* Trong đêm tối, người con không phân biệt được cha (mẹ) của mình, tưởng nhầm rằng kẻ trộm lén vào nhà, nên giết kẻ trộm ấy, nhưng sự thật, người bị giết chính là cha (mẹ) mình. Mặc dù vậy, người con vẫn phạm tội giết cha (mẹ), vì người con luôn ân hận vì đã giết nhầm cha (mẹ) mình.

* Người con bị bỏ rơi từ khi mới sinh, được cô nhi viện, hay người khác nuôi dưỡng. Khi trưởng thành, người ấy không biết ai là cha, mẹ mình. Nếu người ấy giết một người đàn bà (đàn ông), mà người ấy không biết là mẹ (cha) của mình, nhưng về sau, người con được biết người bị giết là mẹ (cha) mình, thì người con vẫn phạm tội giết mẹ (cha), vì ân hận đã giết nhầm mẹ (cha) mình.

* Người cha biến đổi trở thành nữ giới, người mẹ biến đổi trở thành nam giới. Nếu người con giết người đàn bà (trước kia là cha) hoặc giết người đàn ông (trước kia là mẹ), thì người con vẫn phạm tội giết cha (mẹ).

* Một người đánh đập hành hạ một hành giả phàm nhân đang hành Thiền Tuệ bị thương nặng. Sau đó, hành giả ấy tiếp tục hành Thiền Tuệ, chứng Thánh A La Hán rồi tịch diệt Niết Bàn, vì bị thương nặng. Người đánh đập hành hạ ấy phạm tội giết bậc Thánh A La Hán.

* Người dùng thuốc diệt muỗi, diệt trừ sâu bọ,… đều phạm điều giới sát sinh, bởi vì hội đầy đủ 5 chi Pháp.

* Dùng thuốc để diệt vi khuẩn, vi trùng không phạm giới sát sinh; vì chúng không có sinh mạng hay tâm thức, mà chỉ có tứ đại (đất, nước, lửa, gió) phát sinh do thời tiết. Cũng như các loài thực vật (cây, cỏ,…) cũng không có sinh mạng, tâm thức. Nên diệt vi khuẩn, vi trùng, chặt cây,… không có tâm thức, không phạm giới sát sinh.

Nếu phụ nữ uống thuốc ngừa thai, diệt tinh trùng của đàn ông… không phạm giới sát sinh. Nhưng nếu người đàn bà uống thuốc có ác tâm phá thai, thì phạm giới sát sinh, vì thai nhi sẽ là một đứa con. Nếu người mẹ bị sẩy thai ngoài ý muốn, thì người mẹ không bị phạm giới sát sinh, vì thiếu chi Pháp ác tâm giết hại chúng sinh.

✓ Chúng sinh chết do bị giết sẽ tái sinh ở đâu?

Sau khi chết, nếu ác nghiệp trong ác tâm chúng sinh bị giết có cơ hội cho quả tái sinh, chúng sinh ấy sẽ sinh vào 1 trong 4 cõi ác giới. Ngược lại, khi chết, nếu thiện nghiệp trong thiện tâm chúng sinh bị giết có cơ hội cho quả tái sinh, chúng sinh ấy sẽ sinh vào 1 trong 7 cõi thiện giới là cõi người và 6 cõi trời Dục giới. Cho nên, trong vòng sinh tử luân hồi trong 3 giới 4 loài, nếu chúng sinh nào chưa phải là bậc Thánh A La Hán, có đủ thân tâm (ngũ uẩn) thì phần thân của mỗi kiếp bị tan rã khi chết, còn phần tâm có liên quan đến nghiệp của chúng sinh ấy cho quả tái sinh kiếp sau.

✓ Phước báu của thiện nghiệp không sát sinh

Người nào giữ gìn điều giới “cố ý tránh xa sự sát sinh” trong sạch và trọn vẹn, sau khi chết, thiện nghiệp không sát sinh ấy có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau để người ấy trở thành người hay vị thiên nam, thiên nữ trong cõi trời Dục giới, hưởng an lạc. Sau khi hết phước ở cõi trời, nếu thiện nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau thì vị ấy trở lại làm người. Cả 2 trường hợp ấy, ở kiếp sau, vị ấy còn được hưởng các quả tốt của thiện nghiệp không sát sinh mà tiền kiếp đã tạo là:

Kiếp hiện tại của người ấy:

1- Có thân hình đầy đủ, cân đối, xinh đẹp, không tỳ vết.
2- Có thân hình sạch sẽ, trong sáng.
3- Có da thịt mềm mại, hồng hào.
4- Là người nhanh nhẹn, dũng cảm, không sợ hãi.
5- Có lòng bàn tay, lòng bàn chân đầy đặn.
6- Có giọng nói thanh tao, lời nói ngọt ngào, suôn sẻ.
7- Được mọi người quý mến.
8- Có nhiều thuộc hạ, bạn bè đoàn kết thương yêu.
9- Thân tâm được an lạc, tự tại.
10- Không bị tai nạn do khí giới, thuốc độc.
11- Có sức khỏe dồi dào, ít ốm đau, trường thọ.
12- Thường được sống gần gũi với con cháu.
13- Không có một ai có thể mưu sát được.
14- Có trí tuệ sáng, có thể tu chứng Thiền, đắc Thánh.

✓ Quả báo của ác nghiệp sát sinh

Nếu ai đã giết hại chúng sinh dù lớn hay nhỏ, sau khi chết, nếu ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau thì người ấy sinh vào 1 trong 4 cõi ác giới (Địa ngục, ngạ quỷ, Asura (quỷ thần), súc sinh) chịu quả khổ đến khi  hết nghiệp ấy, mới thoát khỏi cõi ác giới.

Sau khi hết nghiệp, ra khỏi cõi ác giới, nếu thiện nghiệp nào có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau, thì người ấy sẽ sinh làm người. Còn người nào đã tạo ác nghiệp sát sinh nhẹ, khi chết, nếu ác nghiệp nhẹ ấy không có cơ hội cho quả tái sinh, thì thiện nghiệp nào có cơ hội cho quả tái sinh, thì người ấy sẽ tái sinh làm người.

Cả 2 trường hợp ấy, ở kiếp sau, người ấy còn chịu các quả xấu của ác nghiệp sát sinh mà tiền kiếp đã tạo là:

Kiếp sau của người ấy:

1- Có thân hình tật nguyền, xấu xí, đáng ghê sợ.
2- Có lòng bàn tay và dưới lòng bàn chân lõm sâu.
3- Có sắc diện tối tăm, da thịt sần sùi.
4- Có sức khỏe yếu, tính hay sợ hãi, chậm chạp.
5- Có tật cà lăm, lời nói lặp đi lặp lại, không suôn sẻ.
6- Bị mọi người ghét bỏ, có rất ít bạn bè.
7- Bị người thân xa lánh, có thuộc hạ bị chia rẽ.
8- Thường bị tai nạn do khí giới, thuốc độc, …
9- Là người si mê, ngu dốt, bị người khác giết chết.
10- Là người hay bệnh hoạn, ốm đau.
11- Là người thường sầu não, lo sợ, chết yểu.
12- Khó tu tập chứng Thiền, đắc Thánh.

b. Cố Ý Tránh Xa Sự Trộm Cướp

Trộm cướp là ác nghiệp chiếm đoạt tài sản, đất đai, nhà cửa,… mà người chủ không sẵn lòng cho, bằng mọi mọi thủ đoạn như trộm cướp, lừa đảo,….

✓ Chi Pháp của ác nghiệp trộm cướp

Để biết có tạo ác nghiệp trộm cướp hay không, chúng ta cần phải căn cứ vào 5 chi Pháp và tác ý thiện hay ác:

1- Tài sản,… có chủ nhân giữ gìn.
2- Biết rõ tài sản,… có chủ nhân giữ gìn.
3- Tâm nghĩ trộm cướp.
4- Cố gắng để trộm cướp (tự làm hay sai bảo)
5- Chiếm được tài sản,…. ấy bằng sự cố gắng ấy.

Nếu người có tác ý bất thiện hợp đủ 5 chi Pháp trên thì phạm giới trộm cướp. Nếu có tác ý bất thiện mà không đủ chi Pháp trên thì không phạm giới trộm cướp. Như vậy, người phạm giới trộm cướp hay không do căn cứ vào tác ý là chính. Cho nên, nếu người có tác ý thiện tâm, rồi tạo thiện nghiệp do thân hay khẩu thì không phạm giới, mà chỉ tạo thiện nghiệp.

Ví như trường hợp Đức Vua Trời Sakka (Vua trời Đế Thích là bậc Thánh Nhập Lưu) lấy Xá Lợi Răng từ Bà La Môn Doṇa vì biết rằng vị này không thể có một bảo tháp xứng đáng để tôn thờ Xá Lợi Răng của Đức Phật. Như vậy, Đức Vua Trời Sakka không phạm giới trộm cướp vì có tâm đại thiện cung kính Đức Phật, nên chỉ có thêmnhiều phước thiện cung kính.

✓ Cố gắng tạo ác nghiệp trộm cướp

Người cố gắng tạo ác nghiệp trộm cướp bằng cách:

1- Tự mình cố gắng trộm cướp bất hợp pháp bằng nhiều cách để chiếm đoạt tài sản, … của người khác.
2- Cố gắng sai khiến người khác trộm cướp tài sản,… của người thứ ba bằng lời nói, chữ viết, ra dấu,…
3- Cố gắng ném hàng hóa qua cửa khẩu, hoặc cất giấu hàng hóa qua cửa khẩu để trốn thuế.
4- Cố gắng sử dụng bùa chú, thôi miên,… làm cho chủ nhân mê muội, rồi chiếm đoạt tài sản,… của họ.
5- Cố gắng sử dụng mọi cách để tống tiền, tống tài sản,…. người khác.
6- Cố gắng sử dụng thần thông để lấy thứ nào đó mà không gây ra sự thiệt hại cho chủ nhân.

✓ Ác nghiệp trộm cướp nặng hoặc nhẹ

Ác nghiệp trộm cướp nặng nhẹ tùy vào giá trị tài sản và giới đức chủ nhân.

– Trộm cướp tài sản,… có giá trị ít, tạo ác nghiệp nhẹ hơn tài sản,… có giá trị nhiều.
– Trộm cướp tài sản,… của người không có giới đức, tạo ác nghiệp nhẹ hơn của bậc Thánh Nhân.
– Trộm cướp tài sản,… của cá nhân, tạo ác nghiệp nhẹ hơn của chung tập thể, ….
– Trộm cướp tài sản,… của người tại gia, tạo ác nghiệp nhẹ hơn của bậc xuất gia: Tu Nữ, Sadi, Tỳ Khưu.
– Trộm cướp các thứ vật dụng của cá nhân người Tu Nữ, Sadi,…. tạo ác nghiệp nhẹ hơn của nhóm Tu Nữ, nhóm Sadi, nhóm Tỳ Khưu từ 2 – 3 vị.
– Trộm cướp tài sản, vật dụng của chư Tỳ Khưu Tăng thì người ấy tạo ác nghiệp nặng nhất.

Trường hợp những người bạn xuất gia đồng phạmhạnh hay những người thân yêu trong gia đình được phép sử dụng những thứ vật dụng chung với nhau.

✓ Phương thức trộm cướp

Chia ra làm 5 phần:

1- Trộm cướp các tài sản bằng cách:

– Kiện ra tòa mà không liên quan đến nợ nần, tài sản thế chấp của người chủ.
– Nhận giữ hộ đồ người khác, rồi lừa đảo, chiếm đoạt.
– Mang hộ đồ người khác rồi muốn chiếm đoạt, chỉ
cần dời đồ ấy khỏi chỗ cũ chút ít, thì phạm giới.
– Tống tiền, hăm dọa chủ nhân phải giao tài sản,…
– Đồ vật người khác để một nơi, kẻ gian có ý chiếm
đoạt, chỉ cần dời đồ ấy khỏi chỗ cũ, thì phạm giới.

2- Trộm cướp những sinh vật có sinh mạng:

– Chiếm đoạt các loài gia súc của người khác, bằng
cách thưa kiện.
– Đem hộ, giữ hộ gia súc,… của người khác, rồi chiếm
đoạt, không chịu trả lại.
– Có ý bắt cóc người hay bắt trộm gia súc,… chỉ cần di
chuyển vài bước chân khỏi nơi cũ thì phạm giới.

3- Chính tự mình trộm cướp

– Tự mình trộm cướp tài sản của người khác.
– Sai bảo người khác trộm cướp tài sản của người ta,
thì cả hai đều phạm giới.
– Tự mình hay sai khiến ai khác giấu hàng, trốn thuế.
– Vay mượn tiền hay nhận giữ hộ tài sản người khác
mà không chịu trả.

4- Phạm giới trộm cướp trước khi lấy tài sản người

– Ra lệnh cho người khác bằng mọi cách phải trộm cướp tài sản ấy, thì phạm giới ngay khi ra lệnh xong.
– Có ý trộm cướp tài sản người khác, rồi cố gắng di dời tài sản khỏi chỗ cũ thì phạm giới.
– Có ý gian lận, lấn chiếm đất đai người khác, rồi cố dời cột mốc ranh giới sang phần đất người khác.
– Một nhóm người cùng đi trộm cướp, nếu chỉ có một người trộm cướp thành công, cả nhóm phạm giới.
– Người sai khiến thuộc hạ trộm cướp theo thời gian, hiệu lệnh đã định, nếu thuộc hạ hành động thành công đúng theo giờ hay hiệu lệnh đó thì cả nhóm đều phạm giới. Nếu thuộc hạ hành động thành công nhưng sớm hay muộn hơn giờ (không theo hiệu lệnh) đã định thì chỉ có thuộc hạ phạm giới.

5- Trộm cướp bằng cách lừa bịp

– Cân hàng hóa thiếu, bán đồ giả, buôn bán hàng lậu, trốn thuế,….
– Dùng vũ khí để hăm dọa người khác, bắt buộc người khác phải trao của cải, vàng bạc, …
– Muốn trộm cướp một thứ nào đó, dù đã được thứ ấy hay thứ nào khác mà vẫn hài lòng.
– Giấu kín đồ vật người khác để chờ cơ hội thuận lợi chiếm đoạt, nếu lấy được phạm giới, nếu không lấy được thì không phạm giới trộm cướp.
– Tự ý tráo đổi, thay thế đồ vật giá trị của người khác bằng đồ vật không giá trị của mình.

✓ Phước báu của thiện nghiệp không trộm cướp

Người nào giữ gìn điều giới “cố ý tránh xa sự trộm cướp” trong sạch và trọn vẹn, sau khi chết, thiện nghiệp không trộm cướp ấy có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau để người ấy sinh ở cõi người hoặc Chư Thiên, hưởng an lạc. Khi hết phước ở cõi trời, nếu thiện nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh thì vị ấy trở lại làm người. Cả 2 trường hợp ấy, ở kiếp sau, vị ấy còn hưởng các quả tốt của thiện nghiệp không trộm cướp mà tiền kiếp đã tạo là:

Kiếp hiện tại của người ấy:

1- Có nhiều của cải quý giá, giàu sang, phú quý.
2- Ý muốn về tài sản được sớm thành tựu.
3- Giữ gìn, duy trì, bền vững lâu dài các tài sản
4- Tài sản không bị thiệt hại do lửa thiêu, nước cuốn trôi, trộm cướp, nhà nước tịch thu, người thân phá hoại.
5- Chính mình sở hữu tài sản ấy, không có liên quan với người khác.
6- Sống được an lạc, có thể tu chứng Thiền, đắc Quả.

✓ Quả báo của ác nghiệp trộm cướp

Nếu người nào đã tạo ác nghiệp trộm cướp dù ít hay nhiều, khi chết, nếu ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái sinh, người ấy sẽ tái sinh vào 1 trong 4 cõi ác giới. Khi hết nghiệp, thoát khỏi cõi đó, nếu có thiện nghiệp nào có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau, thì người ấy sinh làm người. Nếu tạo ác nghiệp trộm cướp nhẹ, khi chết, nếu ác nghiệp ấy không cho quả, mà có thiện nghiệp nào có cơ hội cho quả tái sinh, thì người ấy tái sinh làm người.

Cả 2 trường hợp trên, ở kiếp sau, người ấy sẽ chịu các quả xấu của ác nghiệp trộm cướp mà tiền kiếp đã tạo là:

Kiếp sau của người ấy:

1- Không thể có hoặc không thể giữ tài sản quý giá.
2- Thiếu thốn nhu yếu phẩm như lúa gạo, tiền bạc,…
3- Nghèo khổ túng thiếu của cải.
4- Không phát triển được tài sản.
5- Không thể có được tài sản mình muốn.
6- Tài sản thường bị mất do lửa thiêu cháy, nước cuốn trôi, trộm cướp, nhà nước tịch thu, người thân phá hoại.
7- Có được tài sản thì cũng liên quan đến nhiều người, không riêng cho mình được.
8- Tài sản dễ hư hỏng, tiêu hao.
9- Sống không được an lạc.
10- Khó tu tập chứng Thiền, đắc Thánh.

c. Cố Ý Tránh Xa Sự Tà Dâm

Tà dâm là sự quan hệ tình dục với người không phải là vợ hay chồng của mình, không được người thân, xã hội hay phong tục tập quán cho phép. Đây là hành vi xấu xa, bất chính, thấp hèn mà chư thiện trí chê trách.

✓ Chi Pháp của ác nghiệp tà dâm

Để biết có tạo ác nghiệp tà dâm hay không, cần phải căn cứ vào 4 chi Pháp:

1- Đối tượng là người nữ (người nam, súc sinh,…) không được phép quan hệ tình dục.
2- Tâm tham muốn quan hệ tình dục.
3- Cố gắng quan hệ tình dục.
4- Tâm thỏa thích khi tiếp xúc giữa hai bộ phận sinh dục của người nam với người nữ.

Nếu người nào tạo ác nghiệp tà dâm hội đủ 4 chi Pháp, thì phạm giới tà dâm, còn nếu không hội đủ 4 chi Pháp này thì không phạm giới tà dâm. Sự cố gắng tà dâm là hành vi của thân, không phải của khẩu hay ý.

✓ Giảng giải về chi Pháp của giới tà dâm

Đối tượng có 13 hạng người nữ mà người nam
không được phép quan hệ tình dục là:
1- Cô gái có cha, mẹ, anh, chị, em, bà con trông nom.
2- Cô gái có dòng họ trông nom (nếu cô gái sống ở ngoại quốc, thì có người cùng nòi giống trông nom).
3- Cô gái tu tập có Thầy, bạn trông nom.
4- Cô gái đã được mai mối, nhận lễ hứa hôn nhà trai.
5- Cô gái đã được người đàn ông chuộc về làm vợ.
6- Cô gái đã chịu theo người mình yêu để làm vợ.
7- Cô gái đã chịu làm vợ của một người đàn ông để được của cải, đồ trang sức.
8- Cô gái đã kết hôn với chàng trai đúng phong tục.
9- Cô gái nghèo buôn bán đã được người đàn ông thương yêu, rồi đem về nuôi, để làm vợ.
10- Cô gái là tù nhân đã được lấy làm vợ.
11- Cô gái làm công đã được chủ sở lấy làm vợ.
12- Cô gái giúp việc nhà đã được chủ nhà lấy làm vợ.
13- Cô gái chịu làm vợ thời gian ngắn (các cô kỹ nữ).

Trong 13 hạng cô gái ấy, có 3 hạng đầu tuy có người thân trông nom bảo vệ, nhưng những người thân này không phải là chủ cuộc đời của họ. Ba hạng cô gái này là người chưa có chồng, chưa có người nam nào sở hữu thân xác của họ. Nên nếu 3 hạng cô gái này tự ý yêu thương và quan hệ tình dục với một người nam độc thân, thì người con gái ấy không phạm giới tà dâm, chỉ có người con trai tạo ác nghiệp tà dâm, vì người nam ấy đã xúc phạm đến người con gái mà người thân của cô ấy chưa cho phép.

Tuy người con gái ấy không phạm giới tà dâm, nhưng đó là một hành vi xấu, không đúng theo thuần phong mỹ tục, đáng bị chê trách và cha mẹ, bà con, dòng họ bị mang tiếng xấu. Nên cô gái cảm thấy hổ thẹn, hối hận, tâm bị ô nhiễm bởi phiền não, khi chết, nếu ác nghiệp ấy có cơ hội thì cho quả tái sinh trong cõi ác giới.

Còn 10 hạng cô gái sau đã có chồng, đã có người sở hữu thân xác của họ (cô kỹ nữ chịu làm vợ của một đàn ông thời gian ngắn, vẫn được xem là có chồng). Trong 10 hạng cô gái này, nếu cô nào tự ý ngoại tình và có quan hệ tình dục với một đàn ông nào khác (không phải chồng mình), thì cô ấy phạm giới tà dâm (hội đủ 4 chi Pháp). Còn người đàn ông quan hệ tình dục với 10 hạng cô gái này cũng phạm giới tà dâm (đủ 4 chi Pháp).

Như vậy, nếu người nam nào có quan hệ tình dục với 1 trong 13 hạng cô gái này, thì tạo ác nghiệp tà dâm. Còn người nam nào đã có vợ (dù vợ chưa cưới), cô vợ ấy đã sở hữu thân xác của anh, nếu anh ấy tự ý ngoại tình và có quan hệ tình dục với cô nào khác (không phải vợ mình), thì anh ấy tạo ác nghiệp tà dâm.

✓ Ác nghiệp tà dâm nặng hoặc nhẹ

– Tà dâm với người giới đức, tạo ác nghiệp nặng hơn với người không có giới đức.
– Tà dâm bằng cách hiếp dâm, tạo ác nghiệp nặng hơn khi cả hai người nam, nữ cùng thỏa thuận với nhau.
– Người nào tà dâm với bậc Thánh Nhân, tạo ác nghiệp nặng hơn với hạng phàm nhân.
– Người nào tà dâm với bậc Thánh Nhân càng cao, thì người ấy tạo ác nghiệp càng nặng.
– Người nào hiếp dâm bậc Thánh nữ A La Hán, thì người ấy tạo ác nghiệp nặng nhất. Ví như trường hợp tên Nanda hiếp dâm Tỳ Khưu Ni A La Hán Uppalavaṇṇā. Tên Nanda đã phạm ác nghiệp trọng tội nặng làm cho mặtđất nứt ra, hút y vào sâu trong lòng đất. Sau khi chết, ác nghiệp trọng tội ấy cho quả tái sinh vào cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ trong nhiều đại kiếp trái đất.

✓ Vấn đề liên quan đến tà dâm

Người nam đã có vợ, hay người nữ đã có chồng, nghĩa là đã có người sở hữu thân xác của mình (về mặt quan hệ tình dục) thì cần phải giữ gìn một lòng chung thủy với vợ hay chồng mình. Nếu các vị ngoại tình và quan hệ tình dục với người khác (không phải vợ hay chồng mình), thì phạm giới tà dâm.

Nếu người nam đã có người vợ rồi, rồi lén lút ngoại tình với người nữ khác như một nhân tình hay vợ lẽ thì phạm giới tà dâm. Còn nếu trong hoàn cảnh nào đó, người vợ cả đồng ý, cho phép chồng mình quan hệ với người nữ khác, thì người chồng không phạm giới tà dâm.

Nếu hai người nam độc thân, hoặc hai người nữ độc thân quan hệ đồng tính với nhau, thì họ không phạm giới tà dâm, nhưng đó là hành vi không thuận theo lẽ tự nhiên trong đời mà bậc thiện trí chê trách. Nếu bậc xuất gia có hành vi đồng tính luyến ái như vậy thì chắc chắn phạm giới hành dâm, không còn phẩm hạnh của bậc xuất gia nữa.

Nếu người nam hay nữ có quan hệ tình dục với loài súc sinh (chó, khỉ,…) sẽ phạm giới tà dâm nếu người ấy đã có vợ (chồng) hoặc (và) loài súc sinh ấy có chủ là người khác. Còn nếu người ấy độc thân và con vật vô chủ (của người ấy) thì không phạm giới tà dâm, nhưng đây là hành vi đáng xấu hổ, bị chê trách vì trái với đạo lý.

Nếu người Phật tử nào thọ trì Bát Quan Trai Giới (Uposathasīla) thì không được hành dâm với vợ (chồng) của mình trong những ngày giới ấy. Những Tu Nữ hay những người trong chùa thọ trì Bát Giới ấy, phải tránh xa sự hành dâm suốt đời. Những bậc xuất gia là Tu sĩ thực hành phạm hạnh cao quý đều tránh xa sự hành dâm trọn đời xuất gia.

✓ Phước báu của thiện nghiệp không tà dâm

Người nào giữ gìn điều giới “cố ý tránh xa sự tà dâm” trong sạch và trọn vẹn, sau khi chết, thiện nghiệp không tà dâm ấy có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau để người ấy sinh ở cõi người hoặc Chư Thiên cõi trời, hưởng an lạc. Khi hết phước ở cõi trời, nếu thiện nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh thì vị ấy trở lại làm người. Cả 2 trường hợp ấy, ở kiếp sau, vị ấy còn hưởng các quả tốt của thiện nghiệp không tà dâm mà tiền kiếp đã tạo là:

Kiếp hiện tại của người ấy:

1- Không có oan trái, được mọi người thương quý.
2- Có nhiều của cải, giàu sang, phú quý.
3- Có thể tránh được 4 cõi ác giới sau khi chết.
4- Sinh làm người đàn ông hoàn toàn 100%.
5- Có trí tuệ, tính nhẫn nại, khiêm hạ, ít nóng giận.
6- Sinh trong dòng họ cao quý, có tư cách đáng kính.
7- Có tính minh bạch, không che giấu tội lỗi.
8- Có thân hình cân đối, xinh đẹp, đáng ngưỡng mộ.
9- Có sắc diện trong sáng, được mọi người tin tưởng.
10- Không bị bệnh nan y, đáng sợ, không có tai hại.
11- Thường được sống gần gũi với người thân.
12- Sống được an lạc, có thể tu chứng Thiền, đắc Quả.

✓ Quả báo của ác nghiệp tà dâm

Nếu người nào đã tạo ác nghiệp tà dâm với vợ, chồng, con người khác,…. , sau khi chết, nếu ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái sinh thì người ấy sinh vào 1 trong 4 cõi ác giới, chịu quả khổ. Khi hết nghiệp, ra khỏi cõi ác giới, nếu có thiện nghiệp nào có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau thì người ấy sinh làm người. Còn người nào tạo ác nghiệp tà dâm nhẹ, khi chết, nếu ác nghiệp tà dâm ấy không có cơ hội cho quả, mà thiện nghiệp nào có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau thì người ấy sinh làm người. Cả 2 trường hợp này, ở kiếp sau, người ấy còn chịu các quả xấu của ác nghiệp tà dâm mà tiền kiếp đã tạo là:

Kiếp sau của người ấy:
1- Có nhiều người oan trái, thù ghét, nghèo khổ.
2- Hay che giấu, sống bất an, khổ tâm.
3- Khó tránh khỏi 4 cõi ác giới, tính hay nóng giận.
4- Bán nam, bán nữ (không phải đàn ông, đàn bà).
5- Sinh vào dòng họ, hạng người thấp hèn.
6- Có thân hình xấu xí, tật nguyền: đui, mù, câm,…
7- Bị mọi người khinh bỉ, không tin tưởng.
8- Sinh làm người nữ (tiền kiếp là người đàn ông).
9- Có nhiều chứng bệnh đáng ghê sợ.
10- Thường gặp tai hoạ, oan trái với nhiều người.
11- Sống xa người thân yêu, hay bị ruồng bỏ.
12- Khó tu tập chứng Thiền, đắc Thánh.

d. Cố Ý Tránh Xa Sự Nói Dối

Nói dối là nói lời không thật để lừa dối người nghe tin cho là sự thật.

✓ Chi Pháp của ác nghiệp nói dối

Để biết có tạo ác nghiệp nói dối hay không, cần phải căn cứ vào 4 chi Pháp sau:

1- Điều không thật, vật không có.
2- Ác tâm nghĩ lừa dối.
3- Cố gắng lừa dối bằng lời nói hoặc bằng thân cử động theo ác tâm nghĩ lừa dối của mình.
4- Người nghe tin theo sự lừa dối ấy.

Nếu người nào có đủ 4 chi Pháp này, thì phạm giới
nói dối. Nếu không hội đủ 4 chi Pháp này, thì người ấy
không phạm giới nói dối.

✓ Cố gắng tạo ác nghiệp nói dối

Người tạo ác nghiệp nói dối bằng lời nói hay thân hành động có 4 cách:

1- Tự mình cố gắng lừa dối bằng lời nói, thân cử động, phủ nhận điều có thật, hay khẳng định điều không có thật.
2- Sai khiến người khác lừa dối bằng khẩu.
3- Viết chuyện không thật trong thư, báo, nói trong đài phát thanh,… lan truyền cho nhiều người tin theo là thật.
4- Viết sách nội dung không thật, ghi âm thanh vào băng, đĩa, phim ảnh,… có tính cách lâu dài, để lan truyền cho nhiều người tin theo là thật.

✓ Ác nghiệp nói dối nặng hoặc nhẹ

Người tạo ác nghiệp nói dối tạo ác nghiệp nặng hay nhẹ tùy vào sự thiệt hại nhiều hay ít của người tin theo.

– Nếu ác nghiệp nói dối làm thiệt hại nhiều cho người tin theo, thì người ấy tạo ác nghiệp nói dối nặng, có cơ hội cho quả trong tái sinh kiếp sau ở 1 trong 4 cõi ác giới, chịu quả khổ. Sau khi hết nghiệp, ra khỏi cõi ác giới, nếu thiện nghiệp nào có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau thì người ấy sinh làm người.
– Nếu ác nghiệp nói dối không làm thiệt hại nào đáng kể đến cho người tin theo, thì người ấy tạo ác nghiệp nhẹ, không có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau, và nếu thiện nghiệp nào có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau thì người ấy sinh làm người.
– Nếu ai đó nói dối khiến người nghe tin là sự thật (người nói dối có thể phạm giới nói dối,), nhưng không làm thiệt hại cho người nghe, mà còn đem lại sự lợi ích, tiến hóa, an lạc cho người nói dối và cả người tin theo thì người nói dối có phước, không có tội.

Tích tiền kiếp của Đức Phật Gotama là Đức Bồ Tát Pañcāvudhakumāra bị Dạ xoa Silesaloma bắt để ăn thịt. Đức Bồ Tát nói trong thân mình có vũ khí, nghĩa là khí giới trí tuệ, nhưng Dạ xoa lại tin, hiểu rằng khí giới ở đây là khí giới giết hại, nên không dám ăn thịt và thả Ngài ra. Đức Bồ Tát nói lời lẽ khó hiểu, khiến Dạ xoa tin sai và hiểu lầm, nhưng không hại đến Dạ xoa. Cho nên, Đức Bồ Tát nói dối nhưng không có tội.

✓ Phước báu của thiện nghiệp không nói dối

Người nào giữ gìn điều giới “cố ý tránh xa sự nói dối” trong sạch và trọn vẹn, sau khi chết, thiện nghiệp không nói dối ấy có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau để người ấy sinh ở cõi người hoặc Chư Thiên cõi trời, hưởng an lạc. Khi hết phước ở cõi trời, nếu thiện nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh thì vị ấy trở lại làm người. Cả 2 trường hợp ấy, ở kiếp sau, vị ấy còn hưởng các quả tốt của thiện nghiệp không nói dối mà tiền kiếp đã tạo là:

Kiếp hiện tại của người ấy:

1- Có năm giác quan trong sáng.
2- Có giọng nói ngọt ngào, dễ nghe.
3- Có đôi hàm răng đều đặn, đẹp đẽ.
4- Có thân hình cân đối, xinh đẹp, da dẻ mịn, mềm.
5- Trong miệng có mùi thơm, dễ chịu như mùi hoa sen.
6- Được nhiều người tin theo, không có ai ganh tỵ.
7- Nói được nhiều người muốn nghe, tôn trọng.
8- Có lưỡi mềm mỏng, màu hồng như cánh sen đỏ.
9- Có định tâm vững vàng.
10- Có lời nói rõ ràng, ý nghĩa sâu sắc.
11- Sống được an lạc, có thể tu chứng Thiền, đắc Quả.

✓ Quả báo của ác nghiệp nói dối

Cả 2 trường hợp phạm giới nói dối nặng hay nhẹ,  ngay hiện tại, người nói dối ấy bị mất uy tín đối với nhiều người. Trong kiếp sau, người ấy còn phải chịu các quả xấu của ác nghiệp nói dối mà tiền kiếp đã tạo:

Kiếp sau của người ấy:

1- Có ngũ quan (5 giác quan) không trong sáng.
2- Có giọng nói không rõ, khó nghe.
3- Có đôi hàm răng không đều đặn, xấu xí.
4- Có thân hình dị kỳ, không cân đối.
5- Có da thịt sần sùi, xấu xí.
6- Miệng thường thoát ra mùi hôi khó chịu.
7- Nói không ai tin theo, không ai muốn nghe.
8- Có cái lưỡi cứng và ngắn.
9- Có tâm thường thoái chí nản lòng.
10- Có tật nói cà lăm, hoặc bị câm điếc.
11- Khó tu tập chứng Thiền, đắc Quả.

e. Cố Ý Tránh Xa Sự Dễ duôi Do Uống Rượu, Bia Và Các Chất Say

Rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dễ duôi (thất niệm) trong mọi thiện Pháp nói chung, cũng là nhân sinh sự bạo dạn, liều lĩnh dám tạo mọi ác nghiệp bằng thân, khẩu, ý.

✓ Chi Pháp của giới uống rượu, bia và các chất say

Người phạm điều giới uống rượu, bia và các chất say khi hợp đủ 4 chi Pháp:

1- Rượu, bia hoặc các chất say.
2- Tâm muốn uống rượu, bia và các chất say.
3- Cố gắng uống rượu, bia hoặc các chất say.
4- Uống rượu, bia và các chất say qua khỏi cổ.

Nếu người nào có đầy đủ 4 chi Pháp này thì phạm giới uống rượu, bia và các chất say; nếu không hội đủ 4 chi Pháp thì không phạm giới uống rượu, bia và chất say.

✓ Giảng giải về sự uống rượu, bia và các chất say

Rượu, bia là nước làm bằng cơm gạo, trái cây,… Chất say gồm các loại nước do ngâm các thứ trái cây, hoa lâu ngày trở thành chất say, hay thuốc phiện, ma tuý, cần sa, thuốc lá, … gây nghiện và nguy hiểm. Mỗi khi uống rượu, bia hay dùng các chất say nghiện sẽ gây say sưa, mất tự chủ, làm kích thích tâm tham, tâm sân, tâm si,… trở nên người hung hăng, bạo dạn, liều lĩnh, … không biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, nên dám tạo mọi ác nghiệp bằng thân, khẩu, ý, mà lúc bình thường không dám tạo ác nghiệp như vậy.

✓ 4 hạng người dùng rượu

1- Dùng rượu trộn trong thuốc, trong vật thực.
2- Dùng rượu làm thuốc trị bệnh.
3- Uống rượu, bia để thưởng thức hương vị của rượu.
4- Uống rượu, bia làm cho tâm trở nên bạo dạn, liều lĩnh, để tạo mọi ác nghiệp bằng thân, khẩu, ý.

Trong 4 trường hợp này, người nào phạm giới uống rượu và các chất say? Tạo ác nghiệp nhẹ hay nặng?

1- Trường hợp thứ nhất: Chất rượu được trộn trong thuốc hay vật thực, hoàn toàn bị biến chất không còn mùi rượu, không làm say, nên người dùng thuốc hay vật thực ấy không phạm giới uống rượu và chất say, không có tội.

2- Trường hợp thứ hai: Dùng thuốc nước có pha với rượu để trị bệnh (còn có mùi rượu, có khả năng làm choáng váng chút đỉnh).

* Nếu người dùng biết rõ thuốc nước có rượu, nhưng với mục đích trị bệnh, không phải muốn hưởng hương vị rượu, thì phạm điều giới uống rượu, bia và các chất say,
tạo ác nghiệp rất nhẹ.
* Nếu người dùng thuốc nước không biết có rượu, chỉ dùng với mục đích trị bệnh, thì không phạm giới uống rượu, bia và các chất say, không tạo ác nghiệp.

3- Trường hợp thứ ba: Người uống rượu để thưởng thức hương vị của rượu, bia rồi say túy lúy, hoàn toàn không còn biết gì nữa; người ấy đã phạm giới uống rượu, bia và các chất say, vì say mê trong hương vị của rượu, nên tạo ác nghiệp nặng, có cơ hội cho quả tái sinh ở 1 trong 4 cõi ác giới.

4- Trường hợp thứ tư: Người uống rượu, bia làm cho tâm trở nên bạo dạn, liều lĩnh dám tạo mọi ác nghiệp bằng thân, khẩu, ý như sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói năng chửi rủa, gây gổ lung tung,… Người nào đã phạm điều giới uống rượu, bia và các chất say, rồi tạo ác nghiệp nào, khi chết, nếu ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau, thì sinh ở 1 trong 4 cõi ác giới.

✓ Phước báu của thiện nghiệp không uống rượu, bia và các chất say

Người nào giữ gìn điều giới “cố ý tránh xa sự uống rượu và các chất say” trong sạch và trọn vẹn, sau khi chết, thiện nghiệp không uống rượu và các chất say có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau để người ấy sinh ở cõi người hoặc Chư Thiên cõi trời, hưởng an lạc. Khi hết phước ở cõi trời, nếu thiện nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh thì vị ấy trở lại làm người. Cả 2 trường hợp ấy, ở kiếp sau, vị ấy còn hưởng các quả tốt của thiện nghiệp không uống rượu và các chất say mà tiền kiếp đã tạo là:

Kiếp hiện tại của người ấy:

1- Có trí tuệ sáng suốt, hiểu biết mọi công việc.
2- Có trí nhớ tốt, không loạn trí, điên cuồng.
3- Đa văn túc trí, học nhiều hiểu rộng.
4- Thông minh, nhạy bén, tinh tấn tạo thiện Pháp.
5- Không bị câm điếc, ít gặp tai nạn.
6- Là người ít có sầu não, khổ tâm.
7- Nói lời chân thật, đáng tin, không keo kiệt, bủn xỉn.
8- Không nói lời chia rẽ, thô tục, nói lời vô ích.
9- Có lòng biết ơn và đền ơn đối với ân nhân.
10- Hoan hỷ tạo phước thiện bố thí.
11- Có giới hạnh đầy đủ và trọn vẹn.
12- Tính trung thực, ít sân hận.
13- Biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi,
14- Có Chánh kiến, thấy biết rõ thật tánh các Pháp.
15- Có nhiều trí tuệ và phước thiện cao thượng.
16- Là bậc thiện trí, phân biệt được lợi hại, chánh tà.
17- Sống được an lạc, có thể tu chứng Thiền, đắc Quả.

✓ Quả báo nghiêm trọng của ác nghiệp uống rượu, bia và dùng các chất say

Người phạm giới uống rượu, bia và các chất say là nguyên nhân dẫn đến tạo mọi ác nghiệp rất nghiêm trọng gây tai hại trong kiếp hiện tại và vô số kiếp vị lai. Ngay hiện tại, người phạm giới ấy có thể gây ra mọi tai họa khủng khiếp, mắc nhiều bệnh nan y, bị chê trách, xa lánh, mất uy tín, làm khổ mình và gia đình, thân quyến. Khi chết, nếu ác nghiệp nặng có cơ hội cho quả tái sinh, người ấy sinh vào khổ cảnh. Với ác nghiệp nhẹ, nếu thiện nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh, người ấy sinh làm người.

Cả 2 trường hợp trên, ở kiếp sau, người ấy phải chịu nhiều quả xấu của các ác nghiệp mà tiền kiếp đã tạo:

Kiếp sau của người ấy:

1- Mất trí, hay quên, thiếu trí tuệ, điên cuồng.
2- Hay lười biếng, buồn ngủ.
3- Có thân thể nặng nề, chậm chạp.
4- Bị câm điếc, thường bị tai nạn, sầu não, khổ tâm.
5- Hay nói nhảm, sinh tâm sân hận
6- Không biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi,
7- Không chân thật, thường tạo khẩu nghiệp
8- Không biết ơn và không biết đền ơn
9- Có tà kiến, không phân biệt chánh tà
10- Dám tạo mọi tội ác, khó tạo các thiện Pháp.
11- Khó tu tập chứng Thiền, đắc Quả.

✓ Tại sao trong 10 ác nghiệp không có ác nghiệp uống rượu, bia và các chất say?

Uống rượu, bia và các chất say là trong ngũ giới, trong bát quan trai giới,…., nếu người nào phạm giới này, thì chắc chắn tạo ác nghiệp. Sở dĩ điều giới này không có trong 10 ác nghiệp là vì ác nghiệp này có tính chất bất định. Nếu người nào phạm giới uống rượu, bia và các chất say, rồi tạo ác nghiệp nào (trong mười ác nghiệp), thì ác nghiệp uống rượu, bia và các chất say được ghép vào ác nghiệp ấy. Cho nên, ác nghiệp này liên quan với 10 ác nghiệp, tùy thuộc vào ác nghiệp nào mà nó liên quan thì được ghép chung tội với ác nghiệp ấy.

f. Tính Chất Của Ngũ Giới

✓ Phước báu của người có giới là:

1- Người có giới có được nhiều của cải lớn lao, do nhờ nhân không dễ duôi.
2- Người có giới có danh thơm tiếng tốt được lantruyền khắp mọi nơi.
3- Người có giới có đại thiện tâm dũng cảm, không rụt rè, e thẹn khi đi vào nơi các hội đoàn.
4- Người có giới có tâm tỉnh táo, sáng suốt lúc chết.
5- Sau khi người có giới chết, đại thiện nghiệp giữ giới cho quả tái sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện giới (cõi người, 6 cõi trời Dục giới), hưởng quả an lạc, thường hay tiếp xúc với các đối tượng (sắc, thanh, mùi, vị, xúc) tốt, có thể tu tập chứng Thiền, đắc Thánh.

Nếu người nào không biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, phạm điều giới nào trong Ngũ Giới, thì người ấy đã tạo ác nghiệp sẽ cho 5 quả tai hại, đem lại sự bất lợi, sự thoái hoá, sự khổ não trong kiếp hiện tại và vô số kiếp vị lai.

✓ Quả báo tai hại của người không có giới là:

1- Người không có giới làm tiêu hao nhiều của cải to lớn vì nhân dễ duôi (thất niệm).
2- Người không có giới có tiếng xấu bị lan truyền khắp mọi nơi.
3- Người không có giới có ác tâm sợ sệt, rụt rè, e thẹn khi đi vào nơi các hội đoàn.
4- Người không có giới có ác tâm mê muội lúc lâm chung.
5- Sau khi người không có giới chết, ác nghiệp phạm giới cho quả tái sinh trong 4 cõi ác giới (Địa ngục, Asura, Ngạ quỷ, Súc sinh), chịu quả khổ. Khi hết nghiệp, ra khỏi cõi ác giới, nếu thiện nghiệp nào có cơ hội cho tái sinh kiếp sau làm người, người ấy còn phải chịu nhiều quả báo khổ, thường hay tiếp xúc với các đối tượng (sắc, thanh, mùi, vị, xúc) xấu, khó hoặc không thể tu tập chứng Thiền, đắc Thánh.

Cho nên, người thiện trí có trí tuệ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo (Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng), tin nghiệp và quả của nghiệp, tin 5 phước báu của người giữ gìn Ngũ Giới được trong sạch, trọn vẹn, cũng như tin 5 quả báo tai hại của người phạm giới, nên người thiện trí giữ gìn ít nhất là Ngũ Giới được trong sạch và trọn vẹn.

Giới thiệu về tác giả

Tỳ Khưu Phước Hưng

Sinh năm 1985 tại Đồng Nai, tốt nghiệp đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM và giảng dạy tại trường Đại học Hutech. Xuất gia năm 2015. Thạc sĩ Phật học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM. Hiện đang là nghiên cứu sinh Tiến Sĩ tại Ấn Độ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *