Đạo phật là gì? Thực hành đạo Phật trong đời sống như thế nào?

Đạo Phật xuất phát từ Ấn Độ và đã có niên đại hơn 2500 năm. Trong tiếng Anh, Đạo Phật được dùng với danh từ là “Buddhism” – ý chỉ một tôn giáo được xây dựng dựa trên nền tảng là lời dạy của Đức Phật. Tuy nhiên, ở Nam Á hay Đông Nam Á lại dùng danh từ “Budda – Sasana” – ý chỉ là lời dạy của Đức Phật (Phật pháp, Phật giáo).

Ngày nay, chúng ta nhắc tới đạo Phật luôn luôn và hầu như ai cũng biết câu niệm “Nam-Mô-A-Di-Đà”. Thế nhưng, thực chất thì đạo Phật là gì? được định nghĩa thế nào? thì đây lại là một câu hỏi thật khó để giải đáp. Hãy cùng “tháo gỡ” thắc mắc này qua bài tổng hợp sau!

**Trong bài viết có quảng cáo tự động từ Google, nếu quan tâm xin bạn hãy click để ủng hộ website. Nếu không quan tâm, bạn hãy bỏ qua nó, rất xin lỗi vì sự bất tiện này!

Định nghĩa đạo Phật là gì?

Trong tiếng Việt, từ “Buddha” được phiên âm là “Bụt” hoặc “Phật”. Đây không phải là một tên riêng. Theo giải thích thì Bụt/Phật được hiểu là người giác ngộ, người tỉnh thức, người đã hoàn toàn được giải thoát, người thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Lật lại các ghi chép cổ xưa, tên riêng của Đức Phật là Sĩ-Đạt-Đa Cồ-Đàm. Nhưng ít người biết hoặc ít dùng tên này nên thường gọi ngài là Đức Phật. Vào hơn 2500 năm trước, Đức Phật khi ấy 35 tuổi đã tự mình giác ngộ và sau khi ngài niết bàn gần hai trăm năm mươi năm thì Phật giáo đã trở thành một tôn giáo mang tính phổ biến trên thế giới.

Có nhiều quan điểm cho rằng, Phật giáo không chỉ gói gọn trong phạm trù một tôn giáo mà còn được xem như triết học. Hoặc cũng có quan điểm cho rằng Phật giáo không hoàn toàn được xem là triết học vì Phật giáo đề cao sự thực hành trong khi triết học thì không. Hoặc cũng có quan điểm cho rằng Phật giáo là cái gì đó siêu việt hơn cả triết học và tôn giáo.

Có nhiều thuật ngữ khác cũng hay được nhắc đến về Đạo Phật đó là: Khoa học Phật giáo, triết học phật giáo hay đạo đức Phật giáo. Các thuật ngữ này được nhắc đến bởi Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thứ 14 (giải Nobel Hòa bình năm 1989 và là người đại diện Phật giáo xuất sắc hiện nay trên thế giới – theo wikipedia).

Đạo phật là gì?

Mục tiêu của đạo Phật

Trong suốt cuộc đời của mình, Đức Phật đã dành phần lớn thời gian để thuyết giảng các phương tiện (cách thức) để chúng sinh giác ngộ được những điều mà ngài đã chứng ngộ để tất cả đều có thể trở thành những vị Phật giác ngộ.

Sự truyền bá rộng rãi của đạo Phật cũng tạo nên yếu tố đa dạng về hình thức và nội dung của những nghi lễ, pháp môn tu tập. Điều này sẽ tương ứng bởi mỗi nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, dù có sự đa dạng như vậy nhưng đạo Phật ở đâu cũng xem Tứ Diệu đế là giáo pháp căn bản – là cốt lõi của đạo.

  • Khổ Đế: Đề cập đến những nỗi khổ của tất thảy chúng sinh đó là sinh – lão – bệnh – tử, là nỗi khổ sinh ra từ tâm tham – sân – si -mạn – nghi.
  • Tập đế: Giải thích nguyên nhân của đau khổ đó là xuất phát từ tham ái – lòng ham muốn của con người.
  • Diệt đế: Đề cập đến cách diệt trừ khổ đau đó là tiêu diệt nguồn gốc của tham ái.
  • Đạo đế: Đề cập đến chân lý của việc thực tập Bát Chánh Đạo – 8 con đường thoát khỏi khổ đau.

Đạo phật là gì?

Giác ngộ, giải thoát là mục đích cốt lõi được đề cập trong giáo lý nhà Phật. Bản thân Đức Phật cũng là con người nhưng nhờ đã giác ngộ, đã nhìn thấu thực tại về cách chúng ta tồn tại, đã khắc phục hoàn toàn những khiếm khuyết và chứng ngộ được tiềm năng của mình nên ngài đã dùng những cách hướng thiện để chỉ cho chúng sinh con đường để thoát khỏi khổ đau, nuôi dưỡng và phát triển tâm từ bi, trí tuệ.

Đạo Phật không đơn thuần được lưu giữ trong kinh sách nên đòi hỏi người tu tập vừa phải nghiên cứu, vừa cần thực hành song song thì mới thực sự chứng đạo. Đạo Phật cũng không được gói gọn trong bất cứ một hệ thống đức tin hay thờ phụng nào, không đòi hỏi một sự tin tưởng mù quáng mà muốn chứng thì cần phải dựa trên trí tuệ.

Đức Phật dạy: “Như Lai chỉ là người chỉ đường, mỗi người phải tự đi đến, không ai đi thế cho ai được”. Nói như vậy để hiểu, “giải thoát” trong đạo phật không phải là việc cầu cúng để Đức Phật giúp những khó khăn, đau khổ của chúng ta biến mất (hay nhiều người vẫn nói là đến cửa phật để sám hối). Mà phải bản thân chúng ta, bằng việc thực sự tu tập theo 8 con đường giải thoát để tự thoát khỏi những phiền não, đánh thức trí tuệ, nội tâm, lòng từ bi của chính mình. Chỉ có sự tự mình thực hành thì mới đi đến chứng ngộ và giải thoát.

Nội dung này một lần nữa được nhấn mạnh trong kinh Trường A Hàm I, Đức Phật dạy: “Này các thầy, hãy tự mình thắp lên ngọn đuốc của chính mình, thắp lên với chánh pháp, đừng thắp lên với một pháp nào khác. Hãy tự mình làm chỗ nương tựa của chính mình, nương tựa với chánh pháp, đừng nương tựa với một pháp nào khác”.

Thực hành đạo Phật trong đời sống như thế nào?

Hiểu được ý nghĩa và mục đích của đạo Phật, tin tưởng vào giáo lý đạo phật thì chưa đủ mà ta còn phải thực hành luôn luôn trong đời sống. 

Trước nhất, Phật dạy ta về đạo làm người, phải luôn làm điều lành, tránh làm điều dữ cốt là để đem lại niềm an vui, hạnh phúc cho chính mình, sau là hướng tới gia đình, người thân và xã hội. Muốn làm được như vậy thì ta cần giữ ba nghiệp thân – miệng – ý được trong sạch, không làm việc ác, năng làm điều thiện. Tức:

  • Không khởi sinh những ý nghĩ, lời nói hay hành động có thể làm tổn hại đến người khác trong hiện tại và tương lai.
  • Suy nghĩ hợp với lẽ phải, không tham lam, ích kỷ, sân giận, si mê, ganh ghét, đố kỵ, tự mãn.
  • Làm những việc chân chính cho mình và cho người, cốt để tất thảy đều được an vui, hạnh phúc trong hiện tại.

Đạo phật là gì?

Đạo Phật không buộc người phật tử phải làm những điều họ chưa thể làm, nhưng có lòng tin chân chính vào những lời Phật dạy và cố gắng thực hành những điều căn bản kể trên, tránh dữ làm lành, không làm tổn hại cho mình và người khác chính là điều quan trọng trong thực hành đạo Phật vào đời sống. 

Việc ứng dụng lời Đức Phật dạy vào đời sống hàng ngày chính là “gieo hạt giống” tốt đẹp cho tương lai. Nếu chúng sinh muốn được tái sinh làm người thì cần thực hành quy y Tam bảo và 5 điều đạo đức. Từ con người muốn được tái sinh về các cõi trời thì cần tu tập 10 điều lành và các bậc thiền định. Từ con người mà muốn được quản vị của Thanh Văn thì cần ứng dụng Tứ Diệu Đế để tu hành. Từ con người muốn được quản vị Duyên Giác (Bích chi Phật) thì cần tu pháp mười hai nhân duyên. Từ con người muốn được quản vị Bồ tát thì cần tu pháp lục độ vạn hạnh. Từ con người muốn quản vị Phật thì cần áp dụng phương pháp tức tâm là Phật – tin tâm mình là Phật để tu hành. Tùy vào căn cơ, sự hiểu biết, giác ngộ đến đâu mà người phật tử sẽ có lựa chọn thực hành cho riêng mình.

Tài liệu tham khảo

  1. https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1t-lai_L%E1%BA%A1t-ma
  2. https://vuonhoaphatgiao.com/phat-phap/buoc-dau-hoc-phat/dao-phat-la-gi/dao-phat-la-dao-cua-con-nguoi-do-con-nguoi-va-vi-con-nguoi/
  3. https://phatgiao.org.vn/dao-phat-la-gi-dao-phat-co-phai-la-ton-giao-khong-d32343.html
  4. http://www.daophatngaynay.com/vn/phat-phap/buoc-dau-hoc-phat/dao-phat/6448-dao-phat-la-gi.html
  5. https://studybuddhism.com/vi/nhung-diem-co-ban/dao-phat-la-gi/dao-phat-la-gi
  6. https://vuonhoaphatgiao.com/phat-phap/buoc-dau-hoc-phat/dao-phat-la-gi/dao-phat-la-dao-cua-con-nguoi-do-con-nguoi-va-vi-con-nguoi/
Giới thiệu về tác giả

Bùi Hiền

Bùi Thị Hiền (1994), cô tốt nghiệp trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội), chuyên môn và kinh nghiệm trên 5 năm trong ngành viết báo, biên soạn nội dung. Cô là một người yêu thích và đang trong quá trình nghiên cứu về đạo Phật, mong muốn lan tỏa Phật pháp đến với cộng đồng qua ngôn ngữ đời thường, dễ hiểu nhất.

1 Bình luận

Trả lời Thais Lai Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *