Đạt Lai Lạt Ma là danh xưng dùng để chỉ một nhà lãnh đạo tinh thần của đạo Phật, cụ thể là Phật giáo Tây Tạng, thuộc trường phái Cách lỗ. Hiện nay người đang tại vị Đạt Lai Lạt Ma là đời thứ 14, được đông đảo Tăng ni, Phật tử ngưỡng mộ và tôn sùng.
Nội dung chính
Tiểu sử về Đạt Lai Lạt Ma thứ 14
Đạt Lai Lạt Ma là tên gọi bắt nguồn từ tiếng Mông Cổ, có nghĩa là “Đạo sư với trí tuệ như biển cả”. Danh xưng này dùng để gọi các nhà sư thuộc trường phái Cách lỗ của Phật giáo Tây Tạng có học vị uyên thâm, cùng kiến thức về đạo Phật sâu lường. Mỗi vị Đạt Lai Lạt Ma tại vị trên trần thế đều được coi là hiện thân của Quán Thế Âm và chư vị Phật pháp.
Vị Đạt Lai Lạt Ma còn tại vị hiện nay là đời thứ 14, ông có tên thật là Tenzin Gyatso, sinh ngày 6/7/1935 tại làng Taktser, vùng Đông Bắc Tây Tạng trong một gia đình nông dân nghèo. Vào tuổi lên hai, cậu bé, sau đó được đặt tên là Lhamo Dhondup, được công nhận là hóa thân của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 – Thubten Gyatso.
Khi Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 viên tịch vào năm 1935, chính phủ Tây Tạng khi đó đã gặp khủng hoảng trong việc tìm kiếm một người thừa kế của ngài. Năm 1935, vị quan nhiếp chính của chính phủ đã đi đến hồ thiêng Lhamo Lhatso ở Chokhorgyal. Theo truyền thống của người Tây Tạng, người ta có thể nhìn thấy mọi việc ở tương lai từ hồ nước linh thiêng này. Lúc bấy giờ vị nhiếp chính đã nhìn thấy ba chữ Tây Tạng Ah, Ka và Ma hiện lên giữa mặt nước trong vắt của hồ thiêng, theo sau ba mẫu tự này là bức tranh của một ngôi chùa ba tầng với mái ngói màu xanh lục và một căn nhà có chiếc máng xối kỳ lạ.
Năm 1937, chính phủ Tây Tạng đã gửi những hình ảnh thiêng liêng lấy từ hồ nước thiêng đến các tỉnh thành của Tây Tạng nhằm tìm kiếm nơi tái sinh của ngài Đạt Lại Lạt Ma. Một phái đoàn tìm kiếm ngài đã được thành lập và đi về hướng Đông Bắc của Tây Tạng. Vị trưởng phái đoàn khi đó là Lạt Ma Kewtsang Rinpoche, Tu viện trưởng Tu viện Sera.
Khi phái đoàn đi đến làng Amdo, họ thấy quang cảnh nơi này giống y như hình ảnh mà ngài nhiếp chính đã trông thấy dưới hồ thiêng. Lobsang Tsewang cải trang thành người trưởng đoàn, Lạt Ma cải trang thành người thị giá và họ vào thăm một căn nhà với chiếc máng xối kỳ lạ. Bấy giờ Lạt Ma Kewtsang có mang một xâu tràng hạt của Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 và chú bé trong căn nhà ấy đã nhận ra nó và yêu cầu được cầm xem.
Khi này Lạt Ma Kewtsang hứa sẽ cho cậu bé xem chuỗi hạt nếu như cậu có thể đoán được ngài là ai. Và cậu bé liền trả lời ngay bằng một loại tiếng lóng của địa phương là “Sera aga”, nghĩa là “Lạt Ma ở tu viện Sera”. Tiếp đó, ngài Lạt Ma hỏi tiếp chú bé vị trưởng đoàn là ai và cậu bé vẫn có thể trả lời đúng, đồng thời cậu cũng cho biết tên chính xác của người thị giá. Tiếp theo là một loạt trắc nghiệm khác để giúp cậu bé có thể chọn lựa những đồ dùng thường ngày của ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 và cậu bé cũng đều nhận ra tất cả và nói: “Của tôi, của tôi”.
Từ những kết quả của cuộc kiểm tra này đã giúp họ đoán chắc rằng họ đã tìm ra hóa thân mới của ngài Đạt Lai Lạt Ma và niềm tin của họ càng được vững mạnh thêm bởi những ý nghĩa từ ba mẫu tự Tây Tạng đã từng thấy dưới hồ nước thiêng: Ah là hàm nghĩa cho tỉnh Lhasa, nơi chú bé chào đời, Ka là chỉ cho Tu viện Kumbum, một ngôi Tu viện lớn nhất với ba tầng gần nhà của chú bé và Ma là ám chỉ cho ngôi tu viện Karma Rolpe Dorje ở trên ngọn núi của ngôi làng gần bên.
Quá trình hoạt động của Đạt Lai Lạt Ma thứ 14
Ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 bắt đầu sự học giáo dục chốn thiền môn của mình ở tuổi lên sáu. Chương trình giảng dạy được bắt nguồn từ truyền thống Nalanda, bao gồm năm môn chính và năm môn phụ. Các môn học chính bao gồm logic, mĩ thuật, ngữ pháp tiếng Phạn, và y học. Thế nhưng trọng tâm nhất là môn học triết lý Phật giáo, được chia thành thêm năm loại: Prajnaparamita, Trí tuệ Ba La Mật; Madhyamika, triết lý Trung đạo; Vinaya, Giới luật Thiền môn; Abhidhamma, Vi diệu Pháp; và Pramana, logic và nhận thức luận. Năm môn học phụ bao gồm thơ, kịch, chiêm tinh, sáng tác và các từ đồng nghĩa.
Vào tuổi 23, ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã tham dự kỳ thi cuối cùng tại Chùa Jokhang ở Lhasa, trong Lễ Hội Đại Cầu Nguyện Hàng Năm vào năm 1959. Ngài đã thi đậu với hạng danh dự và được trao bằng tiến sĩ Geshe Lharampa, tương đương với tiến sĩ bậc cao nhất trong triết học Phật giáo thời nay.
Đến năm 1950, sau khi Trung Quốc xâm lược Tây Tạng, ngài Đạt Lai Lạt Ma đã được kêu gọi để đảm nhận hoàn toàn quyền lực về chính trị. Năm 1954, ngài đã đến Bắc Kinh để gặp gỡ chủ tịch Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó, bao gồm Đặng Tiểu Bình và Châu Ân Lai. Cuối cùng, vào năm 1959, sau cuộc đàn áp tàn bạo của quân đội Trung Quốc đối với phong trào khởi nghĩa của nhân dân Tây Tạng ở Lhasa, ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã buộc phải trốn thoát để tị nạn. Kể từ đó ngài đã sống ở Dharamsala, miền bắc Ấn Độ.
Trong thời gian sống lưu vong, Chính Quyền Trung ương Tây Tạng do ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 lãnh đạo đã kháng cáo lên Liên hợp quốc để xem xét vấn đề về Tây Tạng. Đại Hội Đồng đã thông qua ba nghị quyết về Tây Tạng vào những năm 1959, 1961 và 1965.
Năm 1963, ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã trình bày một dự thảo hiến pháp dân chủ cho Tây Tạng, tiếp theo là một số cải cách để dân chủ hóa Chính quyền Tây Tạng. Hiến pháp dân chủ mới được đặt tên là “Hiến Chương Tây Tạng Lưu Vong”. Điều lệ trong hiến chương này bao gồm sự tự do về ngôn luận, tín ngưỡng, tập hợp và cách hoạt động. Nó cũng cung cấp hướng dẫn chi tiết về chức năng của Chính Quyền Tây Tạng đối với những người Tây Tạng sinh sống lưu vong.
Tháng 5 năm 1990, nhờ kết quả cải cách của ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, chính quyền Tây Tạng lưu vong đã được dân chủ hóa hoàn toàn. Nội các Tây Tạng mà trước đó đã được chỉ định bởi ngài Đạt Lai Lạt Ma, hiện đã bị giải thể cùng với Hội đồng Nhân dân Tây Tạng lần thứ X. Trong cùng năm đó, những người Tây Tạng lưu vong sống ở Ấn Độ và hơn 33 quốc gia khác đã bầu 46 thành viên vào một Hội Đồng Nhân Dân Tây Tạng lần thứ XI, được tổ chức trên cơ sở mỗi người bỏ một lá phiếu. Hội đồng này về sau đã bầu ra các thành viên của một chính phủ nội các mới.
Tháng 9 năm 2001, trong một bước tiến tới dân chủ hóa, cử tri Tây Tạng trực tiếp bầu chủ tịch nội các. Chủ tịch nội các sau đó lại bổ nhiệm nội các của mình, kế đến phải được Hội đồng Nhân Dân Tây Tạng chấp thuận. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lâu dài của chính quyền Tây Tạng, người dân đã bầu ra vị lãnh đạo chính trị của chính họ.
Kể từ cuộc bầu cử trực tiếp của chủ tịch nội các, phong tục mà theo đó các ngài Đạt Lai Lạt Ma – thông qua tổ chức của Ganden Phodrang – đã nắm giữ quyền lực về thế tục cũng như quyền lực tâm linh ở Tây Tạng, đã chính thức chấm dứt. Kể từ năm 2011, khi Ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 chuyển giao quyền lực chính trị của mình cho Vị lãnh đạo được nhân dân bầu ra, ngài chính thức nghỉ hưu từ đây.
Những đóng góp của Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cho nền hòa bình thế giới
Vào ngày 21 tháng 9 năm 1987, tại một buổi nói chuyện với các thành viên của Quốc Hội Hoa Kỳ tại Washington DC, ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã đề xuất một Kế Hoạch Hòa Bình gồm năm điểm cho Tây Tạng. Đó như là bước đầu tiên hướng tới một giải pháp hòa bình về tình hình tồi tệ hơn đang diễn ra ở Tây Tạng. Năm điểm của kế hoạch này cụ thể như sau:
- Chuyển hóa toàn thể Tây Tạng thành một vùng đất hòa bình.
- Loại bỏ chính sách chuyển đổi dân số của Trung Quốc nhằm đe dọa sự tồn tại của người dân Tây Tạng như là một dân tộc.
- Tôn trọng nhân quyền cơ bản của người Tây Tạng và các quyền tự do dân chủ.
- Khôi phục và bảo vệ môi trường tự nhiên của Tây Tạng, đồng thời từ bỏ việc Trung Quốc sử dụng Tây Tạng để sản xuất vũ khí hạt nhân và đổ xả chất thải hạt nhân.
- Khởi đầu các cuộc đàm phán nghiêm túc về tình trạng tương lai của Tây Tạng và mối quan hệ giữa nhân dân Tây Tạng và nhân dân Trung Quốc.
Vào ngày 15 tháng 06 năm 1988, trong một bài phát biểu đến các thành viên của Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg, ngài Đạt Lai Lạt Ma đã giải thích thêm về điểm cuối cùng của Kế hoạch Hòa bình Năm Điểm. Ngài đã đề nghị các cuộc đàm phán giữa người Trung Quốc và nhân dân Tây Tạng nhằm đưa đến một thực thể chính trị dân chủ tự trị cho cả ba tỉnh của Tây Tạng. Thực thể này sẽ liên kết với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Chính phủ Trung Quốc nhằm tiếp tục chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại và phòng thủ của Tây Tạng trong tương lai.
Năm 1989, Ngài Đạt Lai Lạt Ma được trao Giải Nobel Hòa bình về cuộc đấu tranh bất bạo động của Ngài cho sự nghiệp giải phóng Tây Tạng nói chung. Ngài luôn ủng hộ các chính sách về bất bạo động, ngay cả khi đối mặt với sự hiếu chiến cực đoan khiến ngài phải sống lưu vong tại Ấn Độ trong nhiều năm. Ngài cũng đã trở thành nhà sư giành giải Nobel đầu tiên được công nhận vì sự quan tâm của Ngài đối với các vấn đề môi trường toàn cầu.
Kể từ giữa những năm 1980, ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã tham gia vào những cuộc đối thoại với các nhà khoa học hiện đại, chủ yếu trong các lĩnh vực tâm lý, thần kinh học, vật lý lượng tử và vũ trụ học. Điều này đã dẫn đến sự hợp tác lịch sử giữa các Tăng ni, Phật từ trong Phật giáo và các nhà khoa học nổi tiếng trên khắp thế giới trong việc cố gắng giúp những cá nhân đạt được sự an lạc trong tâm hồn.
Ngày 14 tháng 3 năm 2011, ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 viết thư cho Đại biểu của Hội Đồng Nhân dân Tây Tạng, yêu cầu giải tỏa quyền lực thế sự của Ngài, vì theo Điều lệ của nhân dân Tây Tạng lưu vong, Ngài vẫn là người đứng đầu của quốc gia. Ngài tuyên bố rằng Ngài đã chấm dứt phong tục mà theo đó Đạt Lai Lạt Ma đã nắm giữ quyền lực tâm linh và chính trị ở Tây Tạng trong nhiều năm liên tiếp.
Ngài khi đó đã nói rõ ràng, Ngài đã dự định sẽ tiếp tục thân phận của bốn vị Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên là chỉ liên quan đến những vấn đề tâm linh. Ngài khẳng định rằng Vị lãnh đạo được bầu chọn một cách dân chủ sẽ chính thức chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với các vấn đề chính trị của Tây Tạng trong hiện tại và cả tương lai. Văn phòng chính thức và gia đình của các Đạt Lai Lạt Ma – Ganden Phodrang – từ nay trở đi chỉ có thể thực hiện chức năng đó mà thôi.
Vào ngày 29 tháng 5 năm 2011, ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã ký vào văn bản chính thức chuyển giao thẩm quyền thế tục của Ngài cho nhà lãnh đạo được bầu chọn một cách dân chủ bởi người dân cả nước. Khi làm như vậy, Ngài đã chính thức chấm dứt truyền thống 368 năm của các Đức Đạt Lai Lạt Ma đã hoạt động với chức năng là Vị lãnh đạo cả về tâm linh lẫn thế sự của Tây Tạng. Chính thức nghỉ hưu để tập trung vào con đường tu tập.
Các tác phẩm nổi bật của Đạt Lai Lạt Ma thứ 14
Mặc dù bận rộn với nhiều công tác của chính phủ và hoằng Pháp, nhưng ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã dành những khoảng thời gian nhất định để viết những tác phẩm về Phật học, lịch sử, tự truyện… để phổ biến những tinh túy trong giáo lý của Phật pháp đến với đại chúng. Tính đến nay đã có trên 50 tác phẩm các loại do chính tay ngài tự viết hoặc do đệ tử ghi chép những bài giảng của ngài hoặc họ viết về ngài. Một số tác phẩm nổi bật của ngài có thể kể đến bao gồm như:
- Mở Huệ Nhãn (The opening of the Wisdom eye, xuất bản năm 1972);
- Phật giáo Tây Tạng (The Buddhism of Tibet, xuất bản năm 1975);
- Biển của Trí Huệ (Ocean of Wisdom, xuất bản tháng 2 năm 1990);
- Dalai Lama: Chính sách của Lòng Từ (The Dalai Lama: A Policy of Kindness, xuất bản năm 1990);
- Tự do nơi lưu đày (Free in Exile, xuất bản năm 1991);
- Ý nghĩa của cuộc sống (The meaning of Life, xuất bản năm 1992);
- Tia sáng trong bóng đêm (Flash of Lightning in the Dark of Night, xuất bản năm 1994);
- Cuộc đối thoại về trách nhiệm chung và giáo dục (Dialogues on Universal Responsibility and Education, xuất bản năm 1995);
- Sức mạnh của lòng từ bi (The power of compassion, xuất bản năm 1995);
- Con đường giác ngộ (The Path of Enlightenment, xuất bản năm 1995);
- Bạo lực và Lòng từ bi-Sức mạnh của Phật giáo (Violence and Compassion/ Power of Buddhism, xuất bản năm 1995);
- Chữa lành cơn thịnh nộ: Sức mạnh của sự kiên nhẫn từ cách nhìn của Phật tử (Healing Anger: The Power of Patience from a Buddhist Perspective, xuất bản tháng 3 năm 1997);
- Tứ Diệu Đế (The Four Noble Truths, xuất bản năm 1998);
- Nghệ thuật hạnh phúc (The art of Happiness, xuất bản năm 1998);
- Thời luân Đát-đặc-la (KALACHAKRA TANTRA, xuất bản 1999);
- Ý Nghĩa cuộc cuộc sống (THE MEANING OF LIFE, xuất bản 1999);
- Khoa học Tâm Linh, Cuộc đối thoại Đông-Tây (MIND SCIENCE, An East-West Dialogue, xuất bản 1999);
- Ngủ, mơ và chết, một cuộc khám phá của Tâm thức (SLEEPING, DREAMING, AND DYING, An Exploration of Consciousness, xuất bản 1999);
- Thế giới Phật giáo Tây Tạng, khái quát về triết lý và thực hành (THE WORLD OF TIBETAN BUDDHISM, An Overview of Its Philosophy and Practice, xuất bản 1999);
- Đạo Đức Thiên Niên Kỷ Mới (Ethics for the new millennium, xuất bản tháng 8 năm 1999);
- Nghệ thuật của Hạnh Phúc: Sổ tay cho cuộc sống (The Art of Happiness: A Handbook for Living, xuất bản tháng 9 năm 1999);
- Trí Huệ Luận (The Dalai Lama’s Book of Wisdom, xuất bản tháng 4 năm 2000);
- Biến đổi Tâm (Transforming the Mind, xuất bản tháng 5 năm 2000);
- Các Giai Đoạn của Thiền Định (Stages of Meditation, xuất bản tháng 3 năm 2001);
- Con Đường dẫn tới cuộc sống đầy ý nghĩa (How to Practice: The Way to a Meaningful Life, xuất bản tháng 5 năm 2001)
- Tâm hồn rộng mở: Thực Hành Từ bi trong cuộc sống hàng ngày (An Open Heart: Practicing Compassion in Everyday Life, xuất bản tháng 9 năm 2001);
- Luận về Từ Bi và Bác Ái (The Dalai Lama’s Book of Love and Compassion, xuất bản tháng 10 năm 2001);
- Những lời Khuyên của Thích-Ca-Mâu-Ni (Advice from Buddha Shakyamuni, xuất bản tháng 7 năm 2002);
- Cốt Tủy của Hạnh Phúc: Sách Hướng dẫn cho Cách Sống (The Essence of Happiness: A Guidebook for Living xuất bản tháng 7 năm 2002);
- Đường Dẫn tới sư Yên Tĩnh: Trí huệ hàng ngày (The Path to Tranquility: Daily Wisdom , xuất bản tháng 8 năm 2002);
- Tỉnh Thức Luận (The Dalai Lama’s Book of Awakening, xuất bản tháng 2 năm 2003);
- Nghệ thuật của Hạnh Phúc trong Công Việc (The Art of Happiness at Work, xuất bản tháng 8 năm 2005);
- Vũ Trụ Trong Một Nguyên Tử: Sự Hội Tụ của Khoa Học và Tâm Linh (The Universe in a Single Atom: The Convergence of Science and Spirituality, xuất bản tháng 9 năm 2005);
- Để Thấy được Thực Sự Chính Mình (How to See Yourself As You Really Are, xuất bản tháng 12 năm 2006);
Hiện nay, ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 được coi là biểu tượng của hòa bình, một tấm gương đạo cao đức trọng. Thế nhưng trên thực tế ngài từng là lãnh đạo một xã hội lạc hậu với chế độ nông nô thời Trung cổ và từng chống lại những cải cách xã hội của cộng sản Trung Quốc, nhằm giải phóng nông nô, xóa bỏ các tàn dư Trung cổ để hiện đại hóa Tây Tạng.